+Aa-
    Zalo

    PGS Văn Như Cương và giai thoại về người thầy được triệu triệu học sinh yêu mến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những học sinh đã và đang học trường THPT Lương Thế Vinh chắc chắn sẽ không bao giờ quên được người thầy luôn tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.

    Những học sinh đã và đang học trường THPT Lương Thế Vinh chắc chắn sẽ không bao giờ quên được người thầy luôn tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, người thầy luôn thương yêu coi học sinh như con.

    Thông tin PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 đã để lại rất nhiều nuối tiếc và mất mát cho các thế hệ học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - ngôi trường mà khi sinh thời thầy Cương đã dốc cả cuộc đời để xây dựng và phát triển.

    Các thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh đau xót trước thông tin PGS Văn Như Cương qua đời

    Hiệu trưởng trường dân lập đầu tiên

    Thầy Văn Như Cương sinh năm 1937 trong một gia đình làm nghề dạy học chữ Hán (đồ Nho) tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, sau khi học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường.

    Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971. Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.

    PGS Văn Như Cương là hiệu trưởng trường dân lập đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Zing)

    Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới. PGS Cương cho biết, sau Đại hội Đảng VI, đổi mới đã len vào mọi ngành nghề, trừ giáo dục. Hồi đó ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn.

    Chính thời điểm ấy, ông đã quyết định cùng một người bạn vong niên của mình là Nguyễn Xuân Khang - giảng viên của Trường ĐH Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), đứng ra mở trường tư thục. Ý tưởng của hai người đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó, GS Phạm Minh Hạc, ủng hộ.

    Ngày 1/6/1989, sau nhiều khó khăn về quy chế, thuê mướn cơ sở vật chất, hợp đồng với các thầy, cô giáo, về cả tư duy cũ của không ít lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Tâm Đan, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã ký quyết định đồng ý thành lập Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh.

    Năm đầu tiên mở trường, thầy Cương tự nhủ nếu dưới 100 học sinh ông sẽ cho đóng cửa trường. Thế nhưng, ông không ngờ được khi có tới hơn 1.000 em đăng ký vào trường Lương Thế Vinh, đến nỗi thầy và ban giám hiệu nhà trường phải tổ chức một cuộc thi tuyển để nhận khoảng 800 học sinh.

    Giai thoại về “Phó tiến sĩ lợn”

    Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga (Liên xô cũ), năm 1971 ông trở về dạy học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đồng lương Phó tiến sĩ khi ấy của PGS Văn Như Cương chẳng đủ ăn. Vì thế, gia đình ông đã quyết định cải thiện cuộc sống bằng cách nuôi lợn. Nói là làm, ông cho quây một góc sân nhà tập thể lại để làm chuồng. Do mát tay nên lợn ông nuôi lớn nhanh như thổi. Sau mỗi lần xuất chuồng thì kiếm thêm được 70 đồng bằng đúng số tiền lương của một phó tiến sĩ thời đó, nên ông thường nói vui: “Trong nhà có hai phó tiến sĩ. Một phó tiến sĩ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn”.

    Những giai thoại khiến ông càng được học sinh yêu mến. (Ảnh: Zing)

    Tuy nhiên, việc tăng gia sản xuất của thầy Cương bị phản ánh là làm "ảnh hưởng đến môi trường tập thể" và bị lập biên bản. Thầy buộc phải từ bỏ việc nuôi lợn để cải thiện thu nhập của gia đình. Có giai thoại kể rằng, khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.

    Bạn bè đến chơi có hỏi đùa rằng: “Phó tiến sĩ nhà thầy đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế?”. Thầy bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: “Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho “Phó tiến sĩ lợn” bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh.

    Người thầy cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục

    PGS Văn Như cương là một nhà giáo, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học; Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm Phó giáo sư.

    Thầy Cương luôn truyền tải cho các học sinh cái "Đạo" làm người. (Ảnh: Zing)

    Sau 25 năm làm hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, ông lui về sau đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. PGS Văn Như Cương nổi tiếng thẳng tính, từng nhiều lần lên tiếng chỉ rõ những hạn chế của ngành giáo dục.

    Ở tuổi 80 nhưng tâm huyết và trăn trở với nền giáo dục Việt Nam, với các thế hệ học trò của thầy vẫn luôn nguyên vẹn. Với thầy, giáo dục không chỉ đơn thuần là để dạy kiến thức, mà còn để truyền tải cho các trí thức tương lai cái “Đạo” làm người.

    Người thầy đáng kính trọng của nhiều thế hệ học trò

    Tình yêu với sự nghiệp 'trồng người' và tình cảm chân thành với học trò có lẽ là điều khiến thầy Văn Như Cương luôn được học trò quý mến.

    Câu chuyện đặc biệt nhất khiến nhiều người mất niềm tin vào tình thầy trò thời hiện đại phải thay đổi suy nghĩ, đó chính là 'những cánh hạc giấy' có 1-0-2 mà học trò Lương Thế Vinh giành tặng cho người thầy đáng kính.

    Những con hạc giấy thay cho lời chúc sức khỏe của học sinh trường Lương Thế Vinh với người thầy đang trong cơn bạo bệnh

    Thời điểm thầy Văn Như Cương đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, hàng trăm học sinh đã cùng nhau gấp hàng nghìn hạc giấy, mang theo lời chúc sức khỏe, ước nguyện thầy mau chóng bình phục.

    Ca khúc Hát mãi Lương Thế Vinh được các học trò đồng thanh hát với tình cảm chân thành nhất. Và điều kỳ diệu đã đến, thầy vượt qua bạo bệnh, trở về với cuộc sống thường ngày, với học trò thân yêu.

    PGS Văn Như Cương đã qua đời, nhưng những gì ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục sẽ còn lại mãi. Với tất cả các thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh và rất nhiều người khác, dù chưa từng được thầy giảng dạy, thầy Văn Như Cương vẫn là người thầy lúc nào cũng nhận được rất nhiều sự mến yêu và kính trọng.

    Hoàng Giang (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pgs-van-nhu-cuong-va-giai-thoai-ve-nguoi-thay-duoc-trieu-trieu-hoc-sinh-yeu-men-a204562.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan