Ngày 25/1 (giờ địa phương), hãng dược Pfizer và công ty đối tác BioNTech cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 mới, được thiết kế đặc hiệu với biến thể như Omicron. Theo đó, thử nghiệm sẽ có sự tham gia của các tình nguyện viên Mỹ.
Hai công ty cho biết họ có kế hoạch thử nghiệm phản ứng miễn dịch được tạo ra bởi vaccine này theo phác đồ 3 mũi tiêm với người chưa tiêm vaccine và như một mũi tiêm nhắc lại ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine trước đó.
Ngoài ra, Pfizer cũng đang xem xét tác dụng của sử dụng vaccine mới làm mũi tiêm thứ 4 với những người đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Công ty thông tin họ có kế hoạch nghiên cứu tính an toàn và khả năng dung nạp của các mũi tiêm với hơn 1.400 tình nguyện viên.
Bà Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vaccine của Pfizer, cho biết: "Mặc dù nghiên cứu hiện tại và dữ liệu thực tế cho thấy các mũi tiêm tăng cường tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại các triệu chứng nặng và nguy cơ nhập viện trước biến thể Omicron, chúng tôi nhận thấy cần phải chuẩn bị trong trường hợp lớp bảo vệ này mất dần theo thời gian và khả năng ngăn ngừa biến thể Omicron cũng như những biến thể khác trong tương lau".
Hãng dược Pfizer cho biết 2 mũi tiêm cơ bản của vaccine hiện có không đủ khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của Omicron và hiệu quả chống lại triệu chứng nặng của vaccine cũng đang giảm dần. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định mũi tiêm thứ 3 của các loại vaccine công nghệ mRNA như vaccine Pfizer/BioNTech đã cung cấp 90% khả năng bảo vệ người bệnh khỏi nguy cơ nhập viện do COVID-19.
Một số quốc gia đã bắt đầu tiêm thêm các mũi tiêm tăng cường cho người dân nhưng một nghiên cứu gần đây từ Israel cho thấy rằng mặc dù mũi tiêm thứ 4 của vaccine mRNA có thể tăng cường kháng thể nhưng mức độ này không đủ cao để ngăn chặn khả năng lây nhiễm Omicron.
Công ty Công nghệ sinh học Đức BioNTech thông tin, tuỳ thuộc vào số lượng các cuộc thử nghiệm lâm sàng mà cơ quan quản lý yêu cầu, vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới có thể sẽ chưa được công bố vào cuối tháng 3/2022 như theo kế hoạch ban đầu đã đề ra.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) ngày 21/1 cho biết các cơ quan quản lý quốc tế muốn có dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng trước khi phê duyệt cho một loại vaccine mới. Theo EMA, các nghiên cứu này sẽ chỉ ra liệu vaccine mới có tạo ra nhiều kháng thể trung hòa trong máu hơn các loại hiện có hay không, cũng như khả năng thể bảo vệ chống lại các biến thể mới đang được quan tâm.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học đang đặt câu hỏi về sự cần thiết của một loại vaccine mới trong thời điểm hiện tại. Trong đó, Tiến sĩ Paul Offit, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận xét: "Mục tiêu của vaccine này là để bảo vệ chống lại triệu chứng nghiêm trọng. Đến nay, những vaccine này vẫn đang làm được điều đó, bao gồm cả việc bảo vệ chống lại Omicron".
Minh Hạnh (Theo Reuters)