Sự xuất hiện của các tổ hợp LY-80 tại khu vực Kashmir khiến giới quan sát cho rằng Pakistan đang tìm cách đối phó các cuộc tập kích đường không của Ấn Độ trong tương lai.
Tổ hợp LY-80 trong cuộc duyệt binh của Pakistan năm 2017. Ảnh: Twitter. |
“5 đơn vị tên lửa phòng không tầm trung LY-80 và radar cảnh giới đường không IBIS-150 do Trung Quốc sản xuất đã được Pakistan đặt gần Đường Kiểm soát tại khu vực Kashmir. Nhiều máy bay không người lái (UAV) CH-4 và CH-5 cũng được triển khai tới đây", RT dẫn nội dung báo cáo được tình báo Ấn Độ công bố hôm qua (23/3).
Giới quan sát cho rằng Islamabad đang tìm cách đối phó các cuộc tập kích đường không của New Delhi trong tương lai, sau khi tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ thể hiện khả năng qua mặt những phi cơ hiện đại nhất trong biên chế Pakistan. Tổ hợp phòng không tầm trung LY-80 có thể giúp Pakistan thực hiện chiến thuật phi đối xứng và lập vùng cấm với máy bay Ấn Độ.
LY-80 là phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không HQ-16 được Trung Quốc phát triển từ năm 2005, dựa trên tổ hợp Buk-M2 của Nga. Pakistan trở thành khách hàng nước ngoài duy nhất sở hữu LY-80 với hợp đồng mua 6 tổ hợp trị giá 373 triệu USD hồi năm 2014.
Dù được phát triển từ nền tảng Buk-M2, hệ thống LY-80 được ứng dụng nhiều công nghệ mới và có uy lực vượt trội nguyên mẫu do Nga chế tạo.
Mỗi tổ hợp LY-80 được chia thành ba trận địa với 12 xe phóng và tối đa 72 tên lửa sẵn sàng chiến đấu. Mỗi quả đạn có tầm bắn tối đa khoảng 45 km. Radar dẫn bắn có thể phát hiện tối đa 6 mục tiêu cùng lúc, điều khiển đồng thời 8 tên lửa tới 4 mục tiêu trong số đó.
Các hệ thống LY-80 trước đó được Pakistan triển khai bảo vệ căn cứ quân sự quan trọng và một phần thủ đô Islamabad. Khi xuất hiện ở khu vực tranh chấp Kashmir gần biên giới Ấn Độ, LY-80 sẽ trở thành giải pháp phù hợp nhất để ngăn các cuộc xâm nhập và tập kích đường không. Ngoài ra, chúng cũng có thể yểm trợ không quân Pakistan bằng cách phát hiện mục tiêu Ấn Độ và dẫn đường cho tiêm kích đánh chặn.
Quân đội Pakistan đứng cạnh xác máy bay được tuyên bố là mảnh vỡ của chiến đấu cơ Ấn Độ. Ảnh: RT |
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ đang ngày càng căng thẳng. Khởi nguồn là vụ đánh bom xe ngày 14/2, tại huyện Pulwama, bang Jammu & Kashmir thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến hơn 40 binh sĩ và thành viên lực lượng bán quân sự của Ấn Độ thiệt mạng. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng Chính phủ Ấn Độ.
Nhóm Hồi giáo Jaish-e-Mohammad (JeM) có trụ sở tại Pakistan tuyên bố một thành viên của nhóm đã thực hiện vụ đánh bom liều chết này. Tuy nhiên, phía Ấn Độ khẳng định “có bằng chứng không thể chối cãi” về sự liên quan của quân đội Pakistan trong vụ việc. Trong khi đó, Pakistan đã lên án vụ tấn công ở Pulwama, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang đỉnh điểm vào ngày 27/2 sau khi một tiêm kích MiG-21 Bison của Ấn Độ và một chiến đấu cơ F-16 của Pakistan bị bắn rơi ở vùng tranh chấp Kashmir. Vụ việc này diễn ra sau vụ không kích của không quân Ấn Độ nhằm vào căn cứ bị tình nghi là của lực lượng khủng bố hoạt động trong vùng tranh chấp Kashmir thuộc sự kiểm soát của Pakistan hôm 26/2.
Tuy nhiên, Pakistan phủ nhận điều động F-16 đi không chiến với không quân Ấn Độ và khẳng định không có máy bay quân sự nào của nước này bị Ấn Độ bắn hạ vào ngày 27/2.
Mộc Miên (T/h)