Nhà Trắng cho biết họ coi quyết giảm sản lượng dầu xuống 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ là hành động mang mục đích chính trị và có ý đối đầu với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang nỗ lực tìm cách giảm giá xăng dầu.
Trước đó, hồi tháng 7, ông chủ Nhà Trắng đã đến Jeddah (Saudi Arabia) gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) để tìm cách gia tăng sản lượng và kìm giá dầu. Tại sự kiện này, truyền thông đã chụp được hình ảnh ông Biden bắt tay với Thái tử Salman bất chấp những căng thẳng trước đó liên quan tới vụ nhà báo tờ Washingon Post Jamal Khasoggi bị sát hại hồi năm 2018.
Lên tiếng về quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karin Jean-Pierre nhận định: "Rõ ràng OPEC+ đang đứng về phía Nga khi đưa ra thông báo này".
Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Brian Deese, cho biết tổng thống "thất vọng vì quyết định thiển cận trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực kéo dài từ cuộc xung đột tại Ukraine".
Chia sẻ với hãng tin CNBC, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nói: "Tôi nghĩ đó là một quyết định sai lầm. Và tôi cho rằng đã đến lúc cần đánh giá lại một cách toàn diện quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia".
Tom Malinowski, một nghị sĩ đảng Dân chủ đã đề xuất rút quân đội Mỹ khỏi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ông nhấn mạnh: "Thông điệp của chúng tôi gửi tới Thái tử MBS là nếu ông muốn đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, hãy yêu cầu ông Putin bảo vệ ông. Và chúc may mắn với điều đó".
Tuy vậy, bất chấp sự giận dữ ở Washington, các chuyên gia về Saudi Arabia và thị trường dầu mỏ vẫn đặt câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của quyết định này đối với mối quan hệ song phương vốn đã mỏng manh giữa 2 nước.
Trong đó, bà Kirsten Fontenrose, giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu giám đốc cấp cao về Vùng Vịnh trong hội đồng an ninh quốc gia, nhận xét: "Tôi không nghĩ Saudi Arabia nghĩ rằng chính quyền Mỹ có thể làm nhiều điều để giải quyết sự bất bình trên và Washington cũng không kỳ vọng Saudi Arabia đi ngược lại quyết định của OPEC vì lợi của Mỹ. Vì vậy, tôi biết rằng Saudi Arabia biết rằng Mỹ sẽ không hài lòng nhưng họ cũng không quá quan tâm".
Có thể việc cắt giảm sản lượng sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá cả. Mặc dù sản lượng bị cắt giảm vượt quá những ước tính trước đó nhưng vì một số nhà sản xuất OPEC từ trước đã sản xuất dưới mức hạn ngạch của họ nên mức cắt giảm thực tế có thể chỉ gần 900.000 thùng.
Ông Ed Hirs, một chuyên gia năng lượng tại khoa kinh tế của Đại học Houston, chỉ ra: "Các quốc gia Opec không muốn ở vị trí cung cấp quá nhiều thùng cho một nền kinh tế toàn cầu vốn đang yếu kém đối với họ. Đó không phải là đoạn tuyệt với phương Tây bởi vì các mối quan hệ đã bị rạn nứt. Chúng tôi đã không giúp đỡ họ rất nhiều trong những giai đoạn rất khó khăn (đề cập đến việc phương Tây không cung cấp cho Saudi Arabia vaccine trong thời gian cao điểm của dịch COVID-19)".
Minh Hạnh (Theo Guardian)