Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vừa có buổi gặp với 70 doanh nhân đại diện cho 50 hãng taxi trong nước chia sẻ về việc phát triển xe điện và mong muốn hợp tác với các hãng taxi trong nước chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Tại buổi gặp, tỷ phú Phạm Nhật Vượng bày tỏ mong muốn đồng hành và là đối tác của các doanh nghiệp để cùng phát triển, mang lại lợi ích chung.
Ông Vượng đưa ra 2 mục tiêu lớn, đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa đối với thế hệ tương lai, để xây dựng môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn và việc hợp tác, theo ông Vượng sẽ giúp "có một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế. VinFast có thể là thương hiệu đầu tiên nhưng từ sự truyền cảm hứng đó, chúng ta sẽ có hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác".
"Đó cũng sẽ là niềm tự hào, là tương lai của con em chúng ta!” - Chủ tịch Phạm Nhật Vượng bày tỏ.
Tại cuộc gặp, đại diện một số hãng xe taxi lớn trong nước đã chia sẻ những về chặng đường phát triển taxi và ngành vận tải Việt Nam nói chung.
Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam là phải đối mặt với làn sóng các hãng xe công nghệ lớn của nước ngoài cạnh tranh. Những xu hướng mới về công nghệ cũng luôn thay đổi, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp vận tải phải thực sự nỗ lực, sáng tạo mới có thể vượt qua.
Việc chuyển đổi theo hướng "điện hoá" (xanh hoá) cũng đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trước những đòi hỏi này, các hãng xe trong nước cũng đã và đang có những kế hoạch chuyển đổi, thay đổi bộ mặt ngành vận tải.
Theo đó, hướng chuyển hoàn toàn sang xe điện đã được nhiều hãng vận chuyển lựa chọn.
Theo Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM, trong năm 2025, con số này lên tới 40-50 hãng, qua đó giúp xe điện phủ xanh khắp các tỉnh, thành Việt Nam. Theo ông Thanh, các doanh nghiệp vận tải trong nước khó thích ứng và thay đổi vì liên quan doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại rất khác khi VinFast, GSM và các doanh nghiệp đang tiên phong liên kết, trở thành liên minh lớn hơn, rộng hơn.
Về mặt chính sách hiện nay, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh phải đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.
Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện, đặc biệt là xe taxi và xe buýt. Đồng thời, cơ quan này đang sửa đổi quy chuẩn về trạm dừng nghỉ, yêu cầu bố trí vị trí sạc xe điện tại các bến xe và hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.