+Aa-
    Zalo

    Ông lão hiến 800m2 đất lập chợ "mời' bà con hàng rong vào bán

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thấy người bán hàng rong vất vả, ông lão 70 tuổi đã dành ra 800m2 đất thổ cư để lập chợ với mong muốn bà con có chỗ buôn bán ổn định.

    Thấy người bán hàng rong vất vả, ông lão 70 tuổi đã dành ra 800m2 đất thổ cư để lập chợ với mong muốn bà con có chỗ buôn bán ổn định.

    Theo báo Thanh Niên, người dân Phường Tây Thạnh, quận Tân Phú TP. Hồ Chí Minh thường gọi ông Lý Văn Hấp (70 tuổi) là ông Năm Hấp.

    Năm 2009, ông Năm Hấp đã bỏ vốn sửa sang mảnh đất hương hỏa gia đình rộng 8000 m2 thành khu chợ tạm để những người bán hàng rong không phải đi bán rong nữa. Khu chợ nằm trên đường T1, Phường Tây Thạnh, được người dân nơi đây gọi là chợ “ông Năm Hấp”.

    Khu chợ rộng 800 mét vuông - Ảnh: báo Thanh Niên

    "Địa phương cũng nhiều lần dẹp hàng rong nhưng chưa có giải pháp để bà con có chỗ mua bán nên tôi đã đồng ý với phường đưa chợ vào đất của mình", ông Năm cho hay.

    Ông Năm đã chủ động đầu tư làm nền bê tông cùng hệ thống điện nước với chi phí hơn 50 triệu đồng. Vì chưa có kinh nghiệm làm chợ nên ông chọn giải pháp “Làm từ từ, thấy cái nào hợp lí, giúp được bà con thì mình làm trước”.

    Thời gian đầu, những người bán hàng rong còn khá lo lắng vì chưa biết hình thức thu phí ở khu chợ ra sao và một phần cũng do quen với lối buôn bán nay đây mai đó. Phường Tây Thạnh đã vận động người dân vào chợ và nêu rõ hình thức thu phí của khu chợ. Năm 2009, ông Năm thu mỗi tiểu thương 10.000 đồng một ngày. Số tiền này được ông sử dụng vào việc nộp tiền điện, nước, thu gom rác thải và một phần hoàn lại chi phí đầu tư. Sau khoảng 10 năm, số tiền được nâng lên, cao nhất là 30.000 đồng một tiểu thương. Khi gặp những tiểu thương thu nhập thấp hơn thì “mình thu thấp hơn, thậm chí là không thu”.

    Hiện nay, khu chợ của ông Năm Hấp có khoảng 20 gian hàng bán rau, cá, thịt...

    Khu chợ có khoảng 20 gian hàng bán rau, cá, thịt - Ảnh: báo VnExpress

    Báo Người Đưa Tin đã dẫn lời bà Hà Thị Huệ (43 tuổi, ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), một tiểu thương ở chợ: “Ngày trước, tôi bán rau ở vỉa hè đường Kênh 19/5. Cứ vài ba bữa, chính quyền đến dẹp trật tự nên hàng hóa rau củ buôn bán bị tịch thu hết. Thực sự, lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng mỗi lần như vậy là mất hết vốn liếng. Lúc này, thấy chúng tôi khổ quá, ông Năm Hấp đã dựng chợ cho vào buôn bán. Mỗi tháng, chúng tôi đóng khoảng 30.000 đồng tiền điện nước, vệ sinh thu gom rác,…”.

    “Từ ngày ông Năm Hấp cho đất làm chợ, cuộc sống của chúng tôi ổn định dần. Nhiều người từ nơi khác đến mưu sinh còn tiết kiệm cất được căn nhà nhỏ. Thậm chí, chị em nào nghèo, không có vốn liếng làm ăn, ông Năm còn cho mượn không lấy lãi để buôn bán. Thực sự, chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng nhân hậu của ông Năm”, tiểu thương Nguyễn Thị Tịnh (53 tuổi, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) bày tỏ.

    Từ những trăn trở, đồng cảm với cuộc sống của những người bán hàng rong, ông Năm Hấp đã góp phần giúp bà con ổn định kinh tế, giúp địa phương đảm bảo trật tự lòng lề đường.

    Ông tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất nghèo. Khi tôi được 3 tháng tuổi, má tôi đã qua đời. Đến năm 7 tuổi, ba tôi đi hoạt động cách mạng cũng hy sinh. Tôi cùng với một người anh nữa sống với ông bà nội. Thế nên, tôi rất hiểu cuộc sống của những người nghèo khổ, côi cút. Việc giúp bà con bán hàng rong có nơi buôn bán ổn định chính là tâm nguyện tuổi già của tôi”.

    Mỗi ngày, ông Năm Hấp đều ra chợ thăm hỏi tiểu thương - Ảnh: báo VnExpress

    Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ông Năm Hấp là một trong những Đảng viên ưu tú trên địa bàn phường. Ông từng giữ các chức vụ như Phó bí thư Đoàn phường, Phó chủ tịch phường từ những năm 1978 – 1988. Ngoài ra, ông còn làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch hội Nông dân... Khi về hưu, ông cùng vợ mở khu chợ giúp bà con bán hàng rong có nơi buôn bán. Những việc làm của ông, chính quyền phường Tây Thạnh luôn ủng hộ và động viên”.

    Theo báo VnExpress, không chỉ hiến đất làm chợ cho bà con, mỗi ngày, ông Năm Hấp đều ra chợ thăm hỏi tiểu thương. Hôm nào thấy người khỏe khoắn, ông luôn sẵn sàng phụ giúp người bán dọn hàng.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-lao-hien-800m2-dat-lap-cho-moi-ba-con-hang-rong-vao-ban-a185589.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan