(ĐSPL) - Ông Vũ Văn Phương (trú tại thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) được coi là một thầy thuốc chữa bệnh hiểm nghèo nức tiếng ở “vựa thuốc nam” vùng Đông Bắc.
Sinh ra trong một gia đình bốc thuốc chữa bệnh lâu đời, ông Phương được truyền lại rất nhiều cây thuốc hay, bài thuốc quý. Trong thời gian người Hoa sinh sống tại đây, ông Phương đã học hỏi được rất nhiều phương thức chữa bệnh huyền diệu của những thầy thuốc người Hoa. Trải qua thời gian dài, ông Phương đã nghiên cứu và ứng dụng để có được những bài thuốc chữa bệnh hiểm nghèo độc đáo.
Truyền nhân của những danh y một thời
Đến huyện Ba Chẽ (một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh), hỏi thầy thuốc Vũ Văn Phương ở thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc thì ai cũng biết. Ông Phương là những người gắn bó lâu đời nhất với mảnh đất này. Ông Phương cho biết, ngày xưa, vùng đất này rất hoang vu, huyền bí. Sự sống ở đây rất khắc nghiệt. Sự khắc nghiệt của vùng đất “rừng thiêng nước độc” ấy lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều loại thảo dược cực kỳ quý hiếm. Chính vì vậy, người dân còn mệnh danh nơi đây là “vựa thuốc nam” của vùng Đông Bắc.
Ông Phương đang châm cứu cho một bà cụ mắc bệnh “méo mồm”. |
Theo ông Phương, từ ngày xưa, người dân đã biết tận dụng những bài thuốc từ cây cỏ để chữa các loại bệnh hiểm nghèo. Trong làng đa số là người dân tộc nên họ còn lưu giữ được rất nhiều các loại cây thuốc quý hiếm. Tất cả các loại biệt dược, phương thuốc bí truyền chủ yếu được lưu truyền bằng miệng từ đời này qua đời khác.
Đặc biệt, trên địa bàn có 9 dân tộc sinh sống, trải qua thời gian dài, thông qua cuộc sống cộng đồng, văn hóa của các dân tộc cũng có sự giao thoa lẫn nhau. Trong đó, các bài thuốc dân gian cũng chịu ảnh hưởng lẫn nhau, dẫn đến sự đa dạng về cách thức chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Phương, thời kỳ hưng thịnh nhất của “vựa thuốc nam” lại là thời kỳ có người Hoa sinh sống (hơn nửa thế kỷ trước). “Chúng tôi cũng không rõ tại sao người Hoa lại sang đây sinh sống. Nhưng khi họ đến đây, đã sớm hòa nhập với cộng đồng tại đây. Nhiều thầy thuốc người Hoa đã truyền dạy cho người dân về thuyết âm dương ngũ hành, y học, y lý của người Hoa, trong đó có kiến thức về huyệt đạo. Bên cạnh việc học thuốc dân tộc, các thầy thuốc địa phương đã biết tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của người Hoa”, ông Phương nói.
Ông Phương cho biết, bản thân ông có niềm đam mê đặc biệt với nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người nên đã rất say mê nghiên cứu, học hỏi. Ông được học kiến thức về huyệt đạo qua người thầy thuốc người Hoa tên Trương Văn Lộc. Ông Lộc là một thầy thuốc ở ẩn tại Ba Chẽ trong thời gian rất dài. Sau đó, ông Phương tiếp tục học thầy Đỉ Lý – người nổi tiếng chữa quái bệnh bằng “bùa ngải”. Người thầy kế tiếp của ông Phương là “ông Quân bùa ngải” – người nổi tiếng chữa “quái bệnh” bằng những lá ngải.
Chuyên chữa bệnh hiểm nghèo
Theo ông Phương, chính nhờ sự say mê, chịu khó tìm tòi, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm dân gian, kết hợp với những phương thức chữa bệnh của người Hoa mà ông đã đúc rút được những cách thức chữa bệnh rất độc đáo, kỳ lạ.
Theo ông Phương, những bệnh thông thường như phong hàn, đau bụng, ho, hen, nhức đầu, băng huyết cho đến những bệnh nan y như “mở khóa đầu” “ngã ngựa”, sốc hồn, méo mồm... ông cũng không ngại.
Cây sâm hình người giúp tăng cường sinh lý. |
Đối với một số bệnh nan y như bệnh “mở khóa đầu” - rãnh nứt chạy dọc xương sọ của trẻ em; Bệnh “ngã ngựa”(phạm phòng) - một người nằm bất động trên cơ thể người kia; “Sốc hồn” - cơ thể sẽ gần như cạn kiệt sức sống khi tiếp xúc với nước đá lạnh, gió độc; Bệnh “méo mồm” - luồng khí lạnh đột ngột gây làm tê liệt dây thần kinh.
Ông Phương cho biết, phương thức hóa giải chủ yếu bằng cách dùng ngải đã luyện sẵn, dùng hương để đốt ngải, châm vào những huyệt đạo trực tiếp của mầm bệnh. Bước đầu châm những huyệt đạo “độc đạo” để tránh mầm bệnh lây lan. Sau đó, tiếp tục châm ngải, dùng hơi nóng và thuốc của ngải để khai thông kinh mạch. Tiếp đó mới châm ngải để đẩy dần những khí trương, khí độc ra khỏi cơ thể.
Bằng cách thức độc đáo này, ông Phương đã chữa được rất nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo thoát chết. Đơn cử như trường hợp bà Vũ Thị Cương, ông Hoàng Văn Quang (ở thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc) hay ông Hoàng Văn Ngô (khu 3 thị trấn Ba Chẽ) bị “ngã ngựa”, đều bị ngã ngựa nhưng đã được cứu sống nhờ “bùa ngải”. Trường hợp khác là cụ Đỗ Thị Nõn (số nhà 165, khu 4 thị trấn Ba Chẽ, Quảng Ninh) đã khỏi bệnh méo mồm chỉ bằng cách đốt ngải.
Chữa bệnh trĩ không cần phẫu thuật
Qua tìm hiểu, ông Phương có cách thức chữa bệnh khác lạ, không giống như các thầy lang khác. Trong cách thức chữa bệnh của ông cũng không phải mê tín mà chủ yếu dựa trên y thuật, y lý, y dược của người Hoa và phương thức cổ truyền của người dân tộc địa phương, đồng thời kết hợp với kiến thức y học hiện đại. Có thể nói, cách thức chữa bệnh của ông cũng “thiên biến vạn hóa” theo từng căn bệnh và từng thể trạng bệnh nhân.
Theo ông Phương, trong tất cả các loại thuốc, ông có một bài thuốc chữa bệnh kỳ quái nhất, đó là chữa bệnh trĩ. Theo ông Phương, bệnh trĩ cực kỳ nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời thì đoạn trĩ bị lòi ra ngoài sẽ ngày càng dài ra, dẫn đến đau nhức kéo dài, đi lại khó khăn và để lại di chứng nặng nề.
Theo ông Phương, việc chữa trị bằng tây y sẽ lâu hơn và tốn kém hơn. Nếu chữa thuốc nam sẽ giúp cho bệnh nhân khỏi bệnh nhanh chóng, không phải cắt trĩ nên chi phí sẽ ít hơn rất nhiều. Ông Phương cho biết, ông sẽ cần phải dùng những cây thuốc cực kỳ quý hiếm
Ông Phương cho biết, thuốc lá dùng để đắp rất quý và hiếm. Nó chỉ mọc vào tháng 3-4 (âm lịch). Vào mùa đông thì cây sẽ chết. Chính vì vậy, để có thuốc dùng để chữa bệnh, khi những cây thuốc này mọc, ông ròng rã nhiều ngày vào rừng để tìm hái cây thuốc. Sau đó, ông chế thuốc để lưu giữ, phòng lúc cạn kiệt. Ông Phương cho rằng, tốt nhất là dùng thuốc tươi, nếu thuốc đã lưu giữ lâu thì việc chữa trị sẽ được kéo dài gấp đôi thời gian chữa trị.
Một trong những cây thuốc chữa bệnh hiểm nghèo. |
Ông Phương tiết lộ một số vị thuốc đặc biệt trong phương thuốc chữa trĩ. Đó là các vị thuốc lá cây chỉ mọc ở nơi ẩm thấp. Bài thuốc chữa bệnh trĩ bao gồm thuốc dùng để đắp trực tiếp và thuốc uống. Có thể chữa thuốc đắp bằng cách giã nát, pha chế liều lượng thuốc theo tình hình sức khỏe của người bệnh. Sau đó, cho thêm ít rượu bổ để diệt trùng và kích thích thuốc phát huy tác dụng nhanh. Theo đó, thuốc đắp sẽ đắp trực tiếp vào hậu môn. Đắp thuốc trước khi đi ngủ. Vị thuốc mát sẽ khiến cho đoạn ruột lòi ra hậu môn co lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Trung Quy – Trưởng thôn Tân Tiến cho biết, ông Phương không tham gia hội đông y của xã hay huyện mà chỉ là một ông lang vườn. Thế nhưng, khi có người bệnh đến nhờ, ông Phương sẽ lặn lội đến tận nơi chữa trị.
Người giữ những cây thuốc quý hiếm Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ sân trước sân sau nhà ông được trồng rất nhiều các loại cây thuốc quý hiếm. Ông Phương giới thiệu những loại cây thuốc tưởng đã tuyệt chủng ở vùng Đông Bắc như cây “7 lá 1 hoa”, củ “sâm hình người”, rễ cây mọc ngược… Theo ông Phương thì, còn rất nhiều các loại thảo dược quý hiếm mọc ở rừng, nhưng khi đem về trồng thì cây sẽ không sống được. Trong số đó, nhiều loại cây cỏ rất bình thường, ở xung quanh chúng ta, nhưng ít ai biết, đó là những loại cây thuốc cực kỳ quý hiếm. |
THUẬN PHONG
Xem thêm video: Lương y 21 năm chữa bệnh miễn phí