Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đời sống & Pháp luật, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã chia sẻ những nhận định của ông về quan hệ Việt - Mỹ tới đây, dự báo những ưu tiên chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden cũng như chia sẻ câu chuyện thú vị về kỷ niệm của ông Joe Biden với Việt Nam.
Ông Phạm Quang Vinh không chỉ làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018 mà còn có 2 nhiệm kỳ làm việc tại phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc |
Những thuận lợi lớn trong quan hệ Việt - Mỹ
Năm 2015, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Biden đã tổ chức tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư và đọc Kiều để bày tỏ sự lạc quan về quan hệ song phương Việt - Mỹ. Là Đại sứ trực tiếp tham dự buổi chiêu đãi hôm đó, xin ông cho biết những kỷ niệm cũng như nhận định về triển vọng quan hệ hai nước khi ông Joe Biden nhậm chức?
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào tháng 12/2015 là chuyến thăm lịch sử, khi lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ và được người đứng đầu hệ thống chính trị Mỹ đón tiếp và hội đàm. Cuộc hội đàm hôm đó rất thực chất và hai nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố tầm nhìn về Việt Nam và Mỹ. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của hai nước sẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện, đi vào chiều rộng và chiều sâu ở tầm cao mới, ổn định, lâu dài.
Tại buổi chiêu đãi hôm đó, ông Joe Biden có bài phát biểu cảm động. Đặc biệt, ông đã đọc 2 câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Việc Phó Tổng thống Mỹ đọc Kiều thể hiện sự tôn trọng Việt Nam, hiểu và trân trọng lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Hai câu thơ trong truyện Kiều: Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” thể hiện mong muốn mở ra thời kỳ mới, chân trời mới cho quan hệ Việt-Mỹ. Thực ra, thời kỳ mới, chân trời mới này được tính từ năm 1995, khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao và đến 2013, 2 nước xác lập hợp tác toàn diện và đến năm 2015, quan hệ hai nước được đẩy lên thành tuyên bố tầm nhìn.
Điều đặc biệt, rất hiếm cuộc hội đàm nào có cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ cùng tham dự, nhưng điều này đã diễn ra trong chuyến thăm của Tổng Bí thư. Điều này chứng tỏ các nhà lãnh đạo Mỹ rất coi trọng vị thế Việt Nam, coi trọng chuyến thăm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một điều tôi cũng muốn chia sẻ là phu nhân của ông Joe Biden, bà Jill Biden cũng từng thăm Việt Nam để phát triển một số dự án nhân đạo. Trong chuyến đi này, bà đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo của nước ta. Khi đó, bà cũng đã hòa trộn vào những áo dài của Việt Nam rất đẹp.
Là Phó Tổng thống Mỹ dưới nhiệm kỳ của ông Obama, ông Joe Biden rất hiểu về khu vực châu Á- Thái Bình Dương, hiểu vai trò và vị trí địa chiến lược của Đông Nam Á và khu vực này. Cá nhân ông lại có những gắn bó với Việt Nam, nhất là qua chuyến thăm của Tổng Bí thư, như vậy tôi tin việc ông Biden nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2021 là thuận lợi lớn cho quan hệ Việt - Mỹ.
Nếu nhìn theo chiều dài 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, cho đến nay, các đời Tổng thống Mỹ đại diện cho cả hai đảng đều đã thăm Việt Nam. Từ Tổng thống Bill Clinton và Tổng Dân chủ cho đến Tổng thống Bush và Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đều thăm Việt Nam và có cảm nhận tốt về Việt Nam.
Tháng 5/2016, ông Barack Obama đến thăm Việt Nam và có nhiều phát biểu tốt về quan hệ Mỹ với Việt Nam, nhấn mạnh quan hệ đối tác toàn diện và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á. Ông Donald Trump đến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ của ông, tháng 11/2017 và ông cũng vừa khẳng định mối quan hệ tốt Việt - Mỹ, vừa nhấn mạnh khuôn khổ đối tác toàn diện. Tại Đà Nẵng, khi dự hội nghị APEC, ông công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do.
Lần thứ hai đến Việt Nam vào tháng 2/2019 để tham dự hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Donald Trump cũng có khẳng định tốt đẹp về mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Những dòng tweet ông viết về Việt Nam trong chuyến đi đó rất trân trọng và cảm động. Nhìn cả chiều dài từ khi thiết lập quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ, nhiều đời Tổng thống Mỹ từng thăm Việt Nam và đều có cảm nhận tốt.
Có ý kiến cho rằng chính sách đối ngoại với Việt Nam của Chính phủ ông Joe Biden tới đây sẽ mang tính kế thừa hơn là thay đổi và quan hệ song phương Việt - Mỹ sẽ được tăng cường. Xin ông cho biết quan điểm của ông về nhận định này?
Quan hệ với Việt Nam của Mỹ luôn phải đặt trong khung chính sách đối ngoại chung của Mỹ, tuy nhiên sẽ có những đặc thù riêng. Về chính sách đối ngoại chung của ông Joe Biden, tôi cho rằng ông sẽ quay trở lại ngoại giao truyền thống nhiều hơn, dễ đoán định hơn. Đội ngũ của ông cũng sẽ tham vấn nhiều hơn đồng minh và đối tác về nhiều vấn đề quốc tế cũng như khu vực cùng quan tâm.
Xuyên suốt lịch sử Mỹ, kể từ khi trở thành cường quốc số 1 thế giới, các đời Tổng thống Mỹ, dù có cách tiếp cận khác nhau nhưng đều luôn đặt lợi ích nước Mỹ và vai trò toàn cầu của Mỹ lên trước hết. Nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden cũng không là ngoại lệ.
Lên cầm quyền trong giai đoạn này, ông Joe Biden sẽ phải đối phó với những thách thức lớn. Nước Mỹ đang gặp những khó khăn lớn bên trong. Khó khăn lớn nhất là đại dịch Covid -19 và những khó khăn về kinh tế đi kèm. Bất cứ đối ngoại nào cũng phải đặt sau việc thoát ra khỏi đại dịch và khó khăn về kinh tế.
Mỹ cũng sẽ phải đối diện với một thế giới thay đổi rất nhiều so với 4 năm trước đây, đặc biệt là trong cạnh tranh nước lớn, cạnh tranh Mỹ - Trung.
Với Việt Nam, trong 25 năm quan hệ Việt - Mỹ cho thấy sự liên tục của đà phát triển tốt đẹp đi lên. Và dù Tổng thống nào, thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều nhận được sự ủng hộ trong việc phát triển quan hệ hai nước. Vì lẽ đó nên tôi tin khi ông Joe Biden lên cầm quyền, đà quan hệ tốt đẹp đó vẫn tiếp tục đi lên.
Nước Mỹ thời nào cũng đều coi trọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và coi trọng vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở khu vực. Bởi vậy mà Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam không chỉ trên phương diện song phương mà còn là với các vấn đề quốc tế và khu vực.
Quan hệ Việt - Mỹ đã có những đặc thù suốt 25 năm qua, cả về chính trị lẫn kinh tế. Hai nước sẽ phải tiếp tục đối thoại, củng cố thành tựu của quan hệ vững chắc trong 25 năm qua, để phát triển tiếp hơn nữa cả về kinh tế và các lĩnh vực khác, trong đó có cả các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Việt Nam có lợi ích lớn trong quan hệ với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cũng rất coi trọng Việt Nam cả về kinh tế lẫn chính trị. Việt Nam là một nước phát triển ổn định với nhiều tiềm năng mà Mỹ cần và nước Mỹ cũng nhìn thấy chiều đi lên của Việt Nam.
Ông Joe Biden. |
Theo ông, Đông Nam Á giữ vai trò như thế nào trong quan hệ với Mỹ và dưới thời ông Joe Biden?
Mỹ có quan hệ sâu rộng với châu Á - Thái Bình Dương vì đây là khu vực có quan hệ địa chính trị quan trọng. Trong nhiều năm qua, trong cục diện thế giới chuyển dịch chiến lược từ Tây sang Đông, khu vực Đông Nam Á là động lực của phát triển, của tăng trưởng thế giới. Châu Á - Thái Bình Dương cũng bao gồm các nền kinh tế lớn. Đây là khu vực mà tất cả các nước lớn đều quan tâm nên nhìn nhận châu Á - Thái Bình Dương như vậy sẽ thấy chắc chắn Mỹ sẽ gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương.
Nhìn lại chiều dài từ thời ông Barack Obama, có thể thấy nước Mỹ luôn muốn gắn kết với khu vực châu Á- Thái Bình Dương trên cả hai trục an ninh - chiến lược và kinh tế - thương mại. Ông Barack Obama để nhiều tâm huyết vào hiệp định TTP và xem đây là gắn kết về kinh tế. Thời ông Donald Trump là sự hiện diện của các Hiệp định song phương. Với ông Joe Biden, đâu đó có thể thấy nước Mỹ đang có xu hướng với sự gắn kết về chính trị, an ninh nhiều hơn ở khu vực này.
Trong khu vực này, nước Mỹ đã có nhiều sáng kiến gắn bó với đồng minh. Dưới thời ông Donald Trump, câu chuyện về xây dựng khu vực này dựa trên luật lệ bao gồm quan điểm nước Mỹ về vấn đề sông Mekong, vấn đề Biển Đông, về xác lập sáng kiến thịnh vượng kinh tế mới, hay câu chuyện mạng lưới sạch về công nghệ số... Điều đó cho thấy một nước Mỹ trong sự gắn kết với châu Á, có nhiều sáng kiến được sự ủng hộ của 2 đảng. Ông Joe Biden dù có những cách tiếp cận khác đi chăng nữa, hẳn ông cũng phải lựa chọn để thừa kế những vấn đề mà nước Mỹ có lợi ích mà sự gắn kết mang lại.
Dự đoán sự khác biệt trong chính sách với Trung Quốc
Có ý kiến cho rằng ông Biden sẽ áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ông đánh giá sao về vấn đề này? Dưới thời ông Donald Trump, Mỹ đã đặt Trung Quốc trong quan hệ cạnh tranh nước lớn và chiến lược này chắc chắn sẽ tiếp tục. Hai nước này sẽ tiếp tục cọ xát nhau trên nhiều lĩnh vực và có những khác biệt về quản trị thế giới. Nhưng theo tôi, khác biệt mà ông Joe Biden mang tới là cạnh tranh Mỹ - Trung dù tiếp tục, nhưng việc quản trị chiến lược cạnh tranh sẽ ổn định hơn và chắc ông Joe Biden cũng sẽ để mở cửa cho sự hợp tác hai bên.
Ngay trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, Mỹ và Trung Quốc vẫn đan xen với nhau cả về cạnh tranh lẫn hợp tác. Một số quan điểm của ông Biden hay đảng Dân chủ sẽ cần tới Trung Quốc. Câu chuyện về biến đổi khí hậu, hay cách tiếp cận tham vấn với các nước trong khu vực và quốc tế là một ví dụ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kỷ niệm khó quên và vị thế của Việt Nam Là một Đại sứ có nhiều năm làm việc tại Mỹ, xin ông cho biết kỷ niệm để lại nhiều dấu ấn? Tôi không chỉ làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014 - 2018 mà còn có 2 nhiệm kỳ làm việc tại phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, năm 1987 - 1990 và 1996 - 1999. Vào thời điểm những năm 80, một nước Mỹ với Việt Nam rất khác khi mà hai nước chưa có quan hệ ngoại giao với nhau. Tôi còn nhớ khi còn làm tại phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, giới hạn với các cán bộ Ngoại giao của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc chỉ được đi trong vòng 25 dặm của đảo Mahattan, khi vượt ra khỏi khu vực này là buộc phải xin phép. Nhưng từ sau 1995 đến nay, việc đi lại giữa các bang trên toàn nước Mỹ hoàn toàn tự do. Nếu nhìn lại đến nhiệm kỳ của tôi làm Đại sứ ở Mỹ 2014 - 2018, quan hệ Mỹ với Việt Nam là quan hệ đối tác toàn diện, không còn biểu hiện cấm vận nữa. Khi mình tiếp xúc với các giới khác nhau, không chỉ trong chính quyền mà giới học giả, doanh nghiệp đều rất hưng phấn trong quan hệ với Việt Nam. Điều đó cho thấy sự chuyển biến rõ rệt, Việt Nam với Mỹ lúc này đã chuyển sang giai đoạn nhìn nhận nhau với mong muốn hợp tác và đan xen lợi ích. Việt Nam được nhìn nhận là một nước đổi mới, đi lên, có hội nhập, có vị thế khu vực mà nước Mỹ cần. |
Thu Hương
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật gộp 11 số