Chủ đầu tư dự án An Lạc Green Symphony vừa bị xử phạt hành chính 40 triệu đồng do xây dựng không phép là Công ty An Lạc. Đáng chú ý, ông Nguyễn Trọng Thông- Chủ tịch Công ty An Lạc đồng thời cũng ngồi vị trí lãnh đạo tại Tập đoàn Hà Đô- "ông lớn" có tiếng trong ngành bất động sản.
Dự án An Lạc Green Sympony tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Ngày 6/5, Thanh tra sở Xây dựng Hà Nội vào cuộc kiểm tra công trình nhà ở cao tầng C1-CT thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức sau khi bị phát hiện xây dựng phần hầm không phép với diện tích 6.177m2. Hiện tại, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng mọi hoạt động thi công tại công trình này.
Liên quan đến dự án này, ngày 27/4/2021, UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng đã có quyết định số 1803/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Lạc (Công ty An Lạc, trụ sở tại 62 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) số tiền 40 triệu đồng do thực hiện hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (GPXD) mà theo quy định phải có GPXD đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng tại ô đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án khu đô thị mới An Lạc Green Symphony.
Trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD. Hết thời gian này, chủ đầu tư không xuất trình được GPXD thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.
Theo biên bản vi phạm hành chính của Đội Quản lý TTXD huyện Hoài Đức ngày 20/4/2021, Công ty An Lạc đã có hành vi vi phạm hành chính “tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, đối với công trình xây dựng yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng”.
Cũng theo biên bản này, công trình xây dựng không phép nằm tại vị trí ô đất có ký hiệu C1-CT. Khu vực này, chủ đầu tư đang tổ chức thi công phần hầm.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc thành lập ngày 05/03/2002 với ngành nghề chính là "xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng".
Tính đến tháng 4/2020, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 553 tỷ đồng, thông tin cổ đông không được công khai.
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 18/11/2020 do sở KH&ĐT Hà Nội cấp, ông Nguyễn Trọng Thông là Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc.
Đáng chú ý, ông Thông cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Tập đoàn Hà Đô, MCK: HDG).
Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô Nguyễn Trọng Thông. Ảnh: Hado Group |
Không phải công ty con hay công ty liên kết thuộc sở hữu Tập đoàn Hà Đô, nhưng Công ty An Lạc lại nắm cổ phần doanh nghiệp hoạt động trong mảng kinh doanh thủy điện của Tập đoàn bất động sản này.
Theo giới thiệu trên trang chủ, Công ty An Lạc hợp tác cùng Công ty CP Za Hưng (công ty con của Tập đoàn Hà Đô) phát triển một số dự án thủy điện như: Dự án thủy điện Nhạn Hạc, thủy điện Za Hưng và thủy điện Nậm Pông.
Công ty An Lạc là cổ đông năm giữ 25,26% vốn của Công ty Za Hưng (tính đến ngày 7/8/2018), trong khi đó Tập đoàn Hà Đô sở hữu 51,75% vốn của doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu của PV, tại Công ty CP Hà Đô Bình Thuận (tiền thân là Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo Bách Nhật), An Lạc nắm giữ 75% vốn góp, hai cổ đông còn lại là Tập đoàn Hà Đô và Công ty Za Hưng lần lượt nắm giữ 14% và 11%.
Ngoài liên kết tại các dự án, doanh nghiệp, Công ty An Lạc cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính không nhỏ từ Tập đoàn Hà Đô.
Số liệu cho thấy, năm 2017, Hà Đô nắm 7% vốn Đầu tư An Lạc (giá trị ghi sổ khoản đầu tư này là 12 tỷ đồng), tuy nhiên khoản đầu tư này không được thể hiện trên BCTC kiểm toán năm 2017.
Ngoài ra, tính đến tháng 6/2018, An Lạc vay ngắn hạn Công ty CP Hà Đô – 756 Sài Gòn (công ty con của Hà Đô) 237 tỷ đồng. Đây là khoản vay không được đảm bảo với lãi suất 4,5% - 9,3%/năm.
Trong năm này, doanh nghiệp cũng nợ dài hạn Hà Đô 100 tỷ đồng, đây cũng là khoản vay không được đảm bảo, lãi suất 8%/năm và đáo hạn vào năm 2020.
Theo số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Tập đoàn Hà Đô, tính đến ngày 31/12/2020, số tiền mà Hà Đô đang cho Công ty An Lạc vay là hơn 131 tỷ đồng.
Công ty An Lạc có mối quan hệ "đặc biệt" với Tập đoàn Hà Đô. Ảnh minh họa |
Nhắc đến Hà Đô phải kể đến các công trình thủy điện như Nhạn Hạc tại Nghệ An (tổng mức đầu tư lên đến 1.881 tỷ đồng), Nậm Pông tại Quỳ Châu, Nghệ An (tổng mức đầu tư 796 tỷ đồng).
Ngoài ra, Hà Đô còn là chủ đầu tư những dự án lớn như Tiểu khu đô thị Nam La Khê, Hà Đông, Hà Nội, chung cư Phùng Khoang, chung cư 38 Hoàng Ngân.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hà Đô cũng thực hiện rất nhiều dự án khác có đầu tư kinh lớn khác như Hado Dragon City (huyện Hoài Đức, Hà Nội), khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dự án Ibis Saigon Airport tọa lạc tại số 2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2021 mà Tập đoàn Hà Đô mới công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp ở mức 1.353 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng ở mức cao (722 tỷ đồng) nên lợi nhuận gộp đạt 631 tỷ, lợi nhuận thuần ở mức 494 tỷ đồng.
Lãi sau thuế của Hà Đô đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 71,6% so với quý I/2020, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ ở mức 322 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản đạt trên 13.878 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu. Trong đó, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hà Đô là 9.699 tỷ đồng (giảm nhẹ hơn 200 tỷ so với thời điểm đầu năm) với hơn 3.500 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 6.175tỷ đồng nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu ở mức 4.354 tỷ đồng, tăng 337 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Tính đến ngày 30/11/2020, Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông đang sở hữu 54.068.088 cp HDG. Ông hiện là cổ đông lớn nhất nắm 35,05% cổ phần Tập đoàn Hà Đô. Ông hiện là người giàu thứ 72 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hơn 1.150 tỷ đồng.
Như vậy, tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Hà Đô đã vượt nhiều đại gia bất động sản khác như Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Him Lam Dương Công Minh, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch Văn Phú Invest.
Bạch Hiền