Sau khi Cục thuế tỉnh Quảng Nam có lệnh cưỡng chế đối với hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Besra vì nợ thuế lên đến 252 tỷ đồng, Besra đã đóng cửa hai nhà máy và tố cáo báo chí Việt Nam viết sai sự thật!
Hôm nay (7/8), Tập đoàn Besra tổ chức họp báo tại Hội trường UBND tỉnh Quảng Nam để cung cấp thông tin, số liệu của hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc quyền khai thác của Tập đoàn này.
Mục đích của cuộc họp báo như nội dung thông cáo báo chí là: “Gần đây có hàng loạt báo đăng tải các bài báo thiếu căn cứ và sai sự thật gây tác hại lớn đối với Besra Việt Nam. Các bài báo này chứa đựng và phát tán nhiều thông tin sai lệch không chính xác, làm ảnh hưởng đến Besra Việt Nam có thể hoạt động trở lại sản xuất, tiếp tục tạo việc làm cũng như công việc kinh doanh cho người dân địa phương”.
Tại cuộc họp báo hôm nay, theo thông cáo báo chí là Besra sẽ cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến những số liệu của hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn.
Công nhân nhà máy vàng Phước Sơn đang đúc vàng 99,99\%. |
Tập đoàn Besra tố cáo: “Khi Besra khai thác, sản xuất và xuất khẩu vàng để bán, một số nhà báo thiếu thông tin dường như cho rằng công ty giữ lại toàn bộ số tiền có được từ việc bán vàng và chuyển hết tiền ra khỏi Việt Nam. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lệch”.
Bên cạnh việc tố cáo rất nhiều tờ báo Việt Nam, Besra còn tố chính sách thuế của Việt Nam.
Như đã đưa tin liên tục, từ năm 2012 đến nay hai mỏ vàng lớn nhất Việt Nam là Bồng Miêu và Phước Sơn đã luôn đẩy chính quyền tỉnh Quảng Nam và những tình huống khó khăn vì liên tục đưa ra yêu sách và đóng cửa tạm ngừng sản xuất nhiều lần.
Bên cạnh đó ngoài việc nợ thuế, Besra còn nợ rất nhiều đối tác khác và cả nhiều cá nhân ở huyện Phước Sơn, đẩy nhiều người vào tình trạng phá sản.
Về việc kiểm soát đối với Besra, ông Đinh Văn Thu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bên thuế và các cơ quan khác như hải quan kiểm soát. Còn việc có yếu tố Trung Quốc trong hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn hay không thì chúng tôi không biết bên trong họ như thế nào nhưng giấy phép đầu tư không có thay đổi gì”.
Như chúng tôi đã nêu, Tập đoàn Besra của Canada vào khai thác hai mỏ vàng lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Quảng Nam từ năm 2006. Từ năm 2006 đến 2012 Besra nộp thuế đầy đủ cho địa phương.
Nhưng năm 2012 đến nay, Besra liên tục nợ nần thuế và nợ các đối tác Việt Nam mặc dù vàng khai thác được ở các mỏ nói trên vẫn xuất khẩu và bán ra trong nước đều đặn.
Dư luận đã đặt vấn đề là từ năm 2012 một số pháp nhân Trung Quốc đã mua cổ phiếu của Besra tại hai sàn giao dịch ở Canada và Úc để trở thành cổ đông chiến lược nên có sự thay đổi trong chính sách điều hành. Trả lời về nghi vấn trên, đại diện Besra cho biết: “Besra không có nhiệm vụ cung cấp cho bất kỳ đơn vị nào ngoài cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Chúng tôi đã từng cảnh báo việc Besra đưa toàn bộ Data center tại Việt Nam ra nước ngoài vào năm 2012 sẽ dẫn đến việc các cơ quan chức năng của Việt Nam mất kiểm soát về số liệu đối với công ty này ở Việt Nam.
Tuy nhiên ông Darin Lee – Tổng Giám đốc điều hành của Besra đã từng trả lời rằng việc chuyển Data center ra nước ngoài luật Việt Nam không cấm.
Cho đến hôm nay, chính xác Besra đã khai thác bao nhiêu tấn vàng ở Phước Sơn và Bồng Miêu? Có rất nhiều cơ quan đưa ra nhiều số liệu khác nhau.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về hai nhà máy vàng lớn nhất Đông Nam Á này sau cuộc họp báo.