(ĐSPL) - Địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, thiên nhiên tàn phá và gần đây lại thêm nạn cát tặc hoành hành càng khiến cuộc sống của bà con làng Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) càng thêm đìu hiu.
|
Làng Hồng Lam bị cô lập mùa mưa bão |
Chỉ cách trung tâm TP Vinh (Nghệ An) 300m đường chim bay, nhưng ngôi làng truyền thống Hồng Lam nay đã như một ốc đảo, vắng tanh. Chúng tôi ghé thăm làng Hồng Lam vào một ngày giữa Đông và phương tiện duy nhất để có thể vào đến nơi là chuyến đò ngang tạm bợ.
Xuất phát từ Vinh vào 6h30 sáng, để tới được bến đò vào làng Hồng Lam, chúng tôi phải đi ngược về thị trấn Nghi Xuân tầm 10km. Tại đây, chỉ vào khung giờ đó mới có duy nhất một chuyến đò đón các giáo viên và 4 người lái buôn vào làng.
Chòng chành trên chuyến đò ngang, giữa làn hơi nước bốc lên từ lòng sông, chúng tôi cảm nhận rõ cái lạnh thấu xương và nỗi vất vả của những cô giáo về dạy học tại thôn Hồng Lam.
Đò cập bến, lội qua mấy con đường ngập nước và bùn, chúng tôi tìm đến nhà cụ Trần Thị Cháu (85 tuổi), một cao niên trong làng. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Cháu vẫn còn rất minh mẫn, trong cuộc trò chuyện, cụ cho biết: “Gần 20 năm nay cụ chưa được ra thị trấn 1 lần, nơi xa nhất cụ được đến là chợ cóc ngoài bến đò. Đứng ở bến đò nhìn sang bên kia sông mà thèm một lần được hoà vào sự nhộn nhịp, nhưng không còn khả năng cô ạ. Chúng tôi già rồi, giờ chỉ mong nhà nước xây dựng cây cầu cho thế hệ sau đỡ khổ, con cháu không phải rời làng chỉ vì đi lại khó khăn”.
|
Phương tiện giao thông duy nhất để người dân ra vào làng Hồng Lam |
Ước mong giản dị của vị cao niên trong làng càng như khắc rõ nỗi buồn, bởi bao năm tháng qua họ luôn chứng kiến nhiều thế hệ trẻ cứ học xong là lũ lượt kéo nhau rời làng.
Tiếp tục dòng hồi tưởng của mình, cụ Cháu cho biết thêm, ngày còn chiến tranh, Hồng Lam là nơi để tập kết lực lượng, cất giấu đạn dược, lương thực. Hồng Lam được lưu vào sử sách là vùng đất anh hùng.
Nói về truyền thống này, ông Nguyễn Thế Lục, Trưởng thôn Hồng Lam cho hay: “Làng có 40 liệt sỹ, 26 thương binh và nhiều mẹ Việt Nam anh hùng”.
Là mảnh đất giàu truyền thống, trước những năm 1990, dân cư ở Hồng Lam khá đông, dân số của làng thời gian đó lên đến 2.300 người với gần 330 hộ. Họ gắn bó với nghề chính là công việc chài lưới trên sông và dệt chiếu cói. Nơi đây, còn nổi tiếng với đặc sản Rươi – một món ăn ngon, bổ dưỡng.
Nay về thăm Hồng Lam, ốc đảo nằm lọt thỏm giữa 4 bề sông nước vào mùa mưa lại căng hiu quạnh hơn. Đường làng vắng bóng người, lớp học xưa nay thưa thớt bóng cô trò. Nhà nào cũng cửa đóng then cài, hi hữu lắm mới thấy một nhà có chủ, ruộng vường hoang tàn, xơ xác sau một đợt nước lên, chẳng khác nào vừa trải qua một trận bom của chiến tranh. Toàn thôn hiện còn 670 nhân khẩu, với 182 hộ, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 17\%. Dân cư ngày càng thưa thớt, người trẻ kéo nhau đi, người già cũng đóng cửa rời làng cùng con cháu.
Cả làng nằm gọn trong sự bao bọc của mênh mông biển nước, khó khăn đủ bề, khiến người dân nơi đây buộc lòng phải rời xứ đi tìm nơi lập nghiệp. Một người dân cùng chuyến đò ngang qua sông với chúng tôi chia sẻ: “Buổi tối quá 18h30 là làng hoàn toàn cách ly với cuộc sống xung quanh, đi học về muộn là chấp nhận không được về nhà. Ở trong làng không buôn bán, không có dịch vụ, không có chỗ vui chơi giải trí và cứ mùa mưa lũ thì không thể đi đâu khỏi luỹ tre làng.”
Toàn thôn hiện có gần 100 em học sinh tất cả các cấp học, nhưng để đến được với con chữ các em lại phải chực chờ những chuyến đò. Mùa mưa lũ ai dám chắc cho sự an toàn của các em, khi con đò kia chỉ có tầm chục chiếc áo phao nhưng chở đến cả mấy chục người cùng lúc.
|
Nghề dệt chiếu của làng đang dần bị mai một |
Cuộc sống người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp và sự may rủi từ thiên nhiên. Nếu được mùa thì sản phẩm làm ra cũng bị tiểu thương ép giá, vì công vận chuyển quá cao. Chưa hết, gần 700 con người sống dựa vào chợ cóc họp nơi bến đò, thức ăn hàng ngày được 4 tiểu thương mang sang với số lượng ít ỏi, ai ra sớm thì may mắn mua được tý thịt để đổi bữa.
“Ở trong thôn hiện nay có hơn 50 ngôi nhà bỏ hoang. Trong số những ngôi nhà hoang ấy, có căn nhà đã để hàng chục năm nay bị mưa nắng hủy hoại nhiều, nhưng vẫn không bán được. Làm trưởng thôn, hằng năm tôi làm giấy tờ cho hộ này đến hộ khác chuyển đi nơi khác, tôi cũng buồn lắm nhưng khuyên họ ở lại thì biết làm gì ăn bây giờ”, ông Lục cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết: “Ngoài điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cứ mưa bão là nước lại lút nhà, giao thông đi lại khó khăn, người dân Hồng Lam còn phải đối diện với những nguy hiểm rình rập do việc "cát tặc" lộng hành.Chính quyền xã không đủ thẩm quyền để xử lý việc cát tặc khai thác trái phép, nên ngoài việc kiến nghị lên cấp trên, chúng tôi chẳng còn giải pháp nào để làm an lòng dân”.
Hằng ngày có 3 - 4 sà lan lớn hút hàng nghìn m3 cát gần khu vực “ốc đảo”, khiến cho diện tích đất liền trên đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Thôn cũng đã nhiều lần gửi kiến nghị lên xã, huyện, nhưng sau một vài lần lực lượng chức năng truy quét, "cát tặc" vẫn ngang nhiên hoạt động. Thanh niên rời làng, ngôi làng ấy nay chỉ còn người già và trẻ nhỏ, họ chấp nhận bó tay trước sự tàn phá của "cát tặc" trên sông Lam.
Gian nan với những chuyến đò ngang qua sông mùa mưa, chúng tôi phần nào hiểu được lý do tại sao người dân ốc đảo này buộc lòng phải rời bỏ quê hương. Thiên nhiên quá khắc nghiệt, cuộc sống quá khó khăn, giao thông đi lại quá bất tiện… có lẽ là đáp án cho câu hỏi nhiều năm nay: “Vì sao ngôi làng truyền thống Hồng Lam đang dần đi vào quên lãng?".
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/oc-dao-hong-lam-hiu-quanh-trong-mua-mua-a72347.html