Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm - đơn vị in ấn và phát hành cuốn “Bài tập thực hành kĩ năng sống 4” được cộng đồng mạng và báo chí phản ánh có nội dung phản cảm, sờ vào vùng kín, xâm hại tình dục, bắt cóc... đã chính thức lên tiếng về ấn phẩm gây xôn xao dư luận của mình.
Dẫn giải và trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam liên quan đến nội dung của cuốn “Bài tập thực hành kĩ năng sống 4”do nhóm tác giả Lưu Thu Thủy (Chủ biên), Trần Thị Thái Hà, Đào Vân Vi biên soạn được cho là có nội dung phản cảm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cho biết: Tình huống được một số báo điện tử, mạng xã hội đăng tải là 1 trong 5 tình huống của Bài tập 2 trong cuốn sách “Bài tập thực hành kĩ năng sống 4”, thuộc Chủ đề 4 – Kĩ năng tự bảo vệ mình với nội dung của bài tập là “Tình huống an toàn và không an toàn” cùng các yêu cầu cụ thể:
Em hãy đọc kĩ các tình huống dưới đây và cho biết:
- Tình huống nào là không an toàn? Các bạn trong những tình huống đó có thể gặp nguy cơ gì?
- Khi gặp tình huống không an toàn như vậy, các bạn đó cần phải làm gì?"
Yêu cầu cụ thể của Bài tập 2 thuộc Chủ đề 4 – Kĩ năng tự bảo vệ mình |
Sách dạy kỹ năng sống có nội dung phản cảm, sờ vào vùng kín, xâm hại tình dục và bắt cóc |
Theo lý giải của Nhà xuất bản, nếu chỉ đơn thuần đọc nội dung tình huống mà chưa xem xét yêu cầu của bài tập thì có thể hiểu lầm. Thông qua việc hướng dẫn của giáo viên, học sinh phân biệt được các tình huống an toàn và tình huống không an toàn; nhận diện được nguy cơ mà các nhân vật trong tình huống gặp phải để từ đó phòng tránh các tình huống không an toàn, tự bảo vệ mình.
Nhà xuất bản dẫn ví dụ tại Bài tập 5 (gồm 06 hướng dẫn cụ thể, thiết thực, hiệu quả). Không chỉ vậy, cuối mỗi chủ đề còn có phần “Ghi nhớ” được đóng khung giúp định hình những nhận thức quan trọng cho học sinh và tổng kết nội dung quan trọng nhất của chủ đề.
Một trong các nội dung của cuốn sách các phụ huynh và dư luận cho là chưa hợp lý với trẻ ở lứa tuổi lớp 4 |
Từ những cơ sở nêu trên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cho rằng: Việc đưa các tình huống cụ thể, có tính thực tiễn vào trang sách, giúp các em học sinh được tiếp xúc, nhận diện và phát hiện ra các nguy cơ tiềm ẩn mà mình có thể gặp phải để chủ động có biện pháp phòng tránh, tự bảo vệ mình trong cuộc sống thực hằng ngày là cần thiết. Điều này hoàn toàn phù hợp với logic tiếp nhận thông tin, rèn luyện kĩ năng sống của trẻ; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu của công tác giáo dục hiện nay là giáo dục trẻ dựa trên các tình huống có tính hiện thực, không né tránh, thuyết giảng chung chung, thông tin mập mờ.
Cũng theo Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, qua việc hoàn thành các yêu cầu của bài tập tình huống này, học sinh được rèn luyện để biết cách nhận diện từ tình huống cụ thể mà tránh được nguy cơ, rủi ro bị buôn bán, bị bắt cóc hoặc bị xâm hại tình dục. Chủ đề 4 góp phần định hướng cho học sinh có những hành động đúng đắn, giúp giảm thiểu mức độ, nguy cơ, diễn biến và hậu quả của tình hình xâm hại tình dục, bắt cóc và buôn bán trẻ em vị thành niên đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trở thành “vấn nạn” của rất nhiều quốc gia hiện nay.
Theo VietQ
Xem thêm video:
[mecloud]AuVevbbyRS[/mecloud]