(ĐSPL) - “Đúng là làng này rồi, hiện có chị Mai bị tiểu đường, chị Vân ung thư tử cung, chị Thu ung thư gan… Tất cả đều do thuốc trừ sâu, nếu các anh không tin thì cứ theo tôi kiểm tra, ở khu vực đó mùi vẫn còn bốc lên nồng nặc”, anh Hiển cho hay khi hỏi về làng ung thư.
Nỗi ám ảnh mang tên thuốc “chết mòn”
Từ đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi rẽ vào trung tâm xã Mỵ Hòa (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) thì được bà Hà (chủ quán nước) cho hay: “Các chú vào trong đó không sợ à, người làng bệnh tật chết chóc nhiều lắm, hầu như toàn chết trẻ, dân họ đồn thổi rằng nước sinh hoạt bị nhiễm thuốc trừ sâu”.
Chúng tôi đến đầu làng thì gặp anh Phạm Thế Hiển (44 tuổi), khi hỏi làng ung thư, anh Hiển vội nói ngay: “Đúng là làng này rồi, hiện có chị Mai bị tiểu đường, chị Vân ung thư tử cung, chị Thu ung thư gan. Tất cả đều do thuốc trừ sâu, nếu các anh không tin thì cứ theo tôi kiểm tra, ở khu vực đó mùi vẫn còn bốc lên nồng nặc”. Theo anh Hiển, mùi nặng nhất là vào những ngày nắng ẩm.
Anh Phạm Thế Hiển chỉ khu vực chôn thuốc trừ sâu DT666. |
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, trưởng thôn Mỵ Thanh, trong thôn chỉ có 65 hộ, 320 nhân khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây số người chết trẻ vì ung thư đã lên đến con số 20 người. Hiện người chờ chết là 16 người, chủ yếu là ung thư gan, ung thư tử cung, ung thư vú... Ngoài những trường hợp được liệt kê, số người chưa được phát hiện vẫn còn rất nhiều.
Trưởng thôn Mỵ Thanh Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngoài những trường hợp ung thư đã được phát hiện, số người mắc nhưng chưa được liệt kê còn rất nhiều. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư là do nông trường Thanh Hà cũ đã dùng một loại thuốc trừ sâu cực độc có tên là DT666 (dạng bột màu hồng) phun lên cây cối để diệt trừ sâu bọ. Sau khi phun xong, còn thừa một số lượng lớn, ban quản lý nông trường đã cho chôn xuống đất để tiêu hủy. Việc làm này đã vô tình ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tại khu vực trong một thời gian dài.
Ông Tuấn nói thêm: “Đầu năm 2013, có một đoàn cán bộ đã lấy mẫu nước giếng khoan trên địa bàn để phân tích mức độ ảnh hưởng. Kết quả có tới 99\% giếng trong vùng không đạt tiêu chuẩn, trong đó có 25 hộ dân quanh kho thuốc chịu ảnh hưởng nặng nhất. Các hộ sinh sống xung quanh đều bị ảnh hưởng ít nhiều”.
Người dân “đợi chết” từng ngày
Theo chân ông Tuấn, chúng tôi đến thăm một số hộ bị ung thư đang đợi chết. Đầu tiên là gia đình bà Hoàng Thị Nom (74 tuổi). Trong dáng vẻ yếu ớt, bà Nom tâm sự: “Đi khám bác sỹ bảo tôi bị ung thư máu, thời gian sống chỉ được thêm vài ba năm nữa. Ngoài ra tôi còn bị bệnh gan, dạ dày, cao huyết áp…”. Nói xong bà liền vơ lên đầu, nhổ một mảng tóc đưa cho chúng tôi xem. Ngoài rụng tóc bà Nom còn bị sưng phù vùng mặt, da vàng nhợt nhạt.
Giếng nước gia đình bà Nom không sử dụng được vì nhiễm độc. |
Bà Nom bị ung thư máu, sự sống chỉ duy trì từng ngày. |
Theo bà Nom, năm ngoái con dâu là Nguyễn Thị Hà (40 tuổi) cũng vừa mới qua đời vì ung thư cổ tử cung. Hiện trong nhà đứa cháu trai là Nguyễn Quang Huy (7 tuổi) đang bị rụng tóc. Anh Nguyễn Văn Khải (bố cháu Huy) phải gửi con ở gần bệnh viện huyện để tiện điều trị. Từ khi biết nguồn nước nhiễm độc, anh Khải cũng không dám sử dụng nước giếng mà phải gánh nước ở nơi khác về sinh hoạt.
Cách gia đình bà Nom vài chục mét là gia đình ông Trương Văn Gương. Năm 1965 ông đã từng làm kế toán toán tại nông trường Thanh Hà cũ. Thời gian đó nông trường được xây dựng với diện tích là 3000 m2. Kho chứa thuốc bảo vệ thực vật rộng 300m2, chủ yếu là thuốc trừ cỏ và trừ sâu. Thuốc DT666 là độc hại nhất, trâu bò ăn cỏ dính thuốc là chết ngay tức khắc.
Trước kia vợ ông Gương từng bị ung thư vú nhưng đã cắt bỏ. |
Mặc dù bị ô nhiễm nước nghiêm trọng, tuy nhiên bà con nơi đây vẫn phải dùng nước giếng tự đào vì khan hiếm nguồn nước sạch. Sau khi tỉ lệ người bị mắc bệnh đường ruột, bệnh gan, bệnh tiểu đường tăng lên đột biến, bà con mới chuyển sang khu vực khác lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên việc này chỉ mang tính đối phó, bởi mầm mống bệnh tật vẫn còn tiềm ẩn trong lối sinh hoạt cũ.
Việc ô nhiễm nguồn nước không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của các hộ gia đình. Một số hộ nuôi cá, trông rau, củ, quả…, tuy nhiên khi đem ra chợ bán thì không ai dám mua vì sợ mặc bệnh. Hiện bà con chỉ trông mong vào sự giúp đỡ của nhà nước nhằm khắc phục nguồn nước ô nhiễm.
Cơ quan xã nói gì về tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng Trạm Y tế xã Mỵ Hòa khẳng định, trường hợp người dân mắc ung thư ở Mỵ Thanh đang có chiều hướng tăng đột biến. Trong 6 tháng đầu năm, số lượt khám tại Trạm Y tế là 1.737 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ đến khám và điều trị bệnh phụ khoa. Riêng ở Mỵ Thanh, số người mắc ung thư đang có dấu hiệu trẻ hóa. Độ tuổi mắc là từ 45 đến 70.
Chị Phạm Thị Thủy cán bộ y tế xã Mỵ Hòa cho biết những người bị ung thư ở Mỵ Thanh đang tăng đột biến và có sự trẻ hóa về độ tuổi. |
Chị Phạm Thị Thủy cán bộ y tế xã lật giở cuốn sổ thống kê số người bị tử vong do ung thư tại thôn Mỵ Thanh cho hay: “Phú Mỵ và Mỵ Thanh là hai thôn nằm giáp ranh, địa bàn này có số lượng người chết vì ung thư tăng cao nhất toàn xã. Riêng từ tháng 6/2013 có 5 người qua đời vì ung thư, đến tháng 3/2014 cũng có 5 trường hợp”.
Ông Hà Công Tiến, Phó chủ tịch xã Mỹ Hòa. |
Xác thực vấn đề này, ông Hà Công Tiến - Phó Chủ tịch xã Mỵ Hòa thừa nhận: “Trên địa bàn Mỵ Thanh gần đây xuất hiện nhiều bệnh lạ không rõ nguyên nhân, người dân phải đi xin nước sinh hoạt và cũng không dám dùng nước giếng khoan. Hiện cơ quan chức năng đang sớm nỗ lực cùng địa phương triển khai xây dựng hệ thống nước sạch cứu nguy cho nhân dân Mỵ Thanh”.