+Aa-
    Zalo

    Nước mắt bệnh nhân và nỗi "đoạn trường" khám chữa bệnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tình trạng nhốn nháo ở các bệnh viện phần nào được cải thiện. Song vẫn còn nhiều bất ổn, những góc khuất bi ai và nỗi đoạn trường mang tên khám chữa bệnh.

    (ĐSPL) - Sau hơn một năm đổi mới quy trình, tình trạng nhốn nháo ở các bệnh viện phần nào được cải thiện. Song vẫn còn nhiều bất ổn, những góc khuất bi ai và nỗi đoạn trường mang tên khám chữa bệnh.

    Cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế nhằm giảm thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

    Sau hơn một năm các bệnh viện thực hiện đổi mới quy trình khám bệnh, tình trạng chen lấn, xô đẩy để lấy số thứ tự và nhốn nháo chờ khám bệnh phần nào được cải thiện, song có trường hợp nó được xem là một “vùng đất dữ” chứa đựng nhiều bất ổn đối với mỗi bệnh nhân khi đến bệnh viện và đằng sau đó là những góc khuất bi ai và nỗi đoạn trường mà nếu ai không may mắn gặp phải đều rơi nước mắt.

    Quyết thay đổi chất lượng khám chữa bệnh (KCB), mới đây, Bộ Y tế đã ban hành bộ 83 tiêu chí đánh giá “chuẩn” bệnh viện (BV), đặt mục tiêu “lấy bệnh nhân là trung tâm”. Theo đó, các yếu tố gắn với bệnh nhân (BN), chất lượng chuyên môn, chất lượng nhân lực đều có tiêu chí rõ ràng để đánh giá BV theo 5 thang điểm: Yếu kém, trung bình, khá, tốt và rất tốt.

    Rồi, lập đường dây nóng để nhận phản ánh trực tiếp từ người bệnh. Tưởng rằng, những việc làm đó sẽ phần nào chấn chỉnh lại quy trình, chấn hưng lại cung cách phục vụ cũng như chất lượng KCB tại các BV, thế nhưng, vẫn còn đó những nỗi đau của BN.

    Khám chữa bệnh vẫn là nỗi đoạn trường đối với mỗi bệnh nhân. (Ảnh: nguồn Internet)

    Máu chảy ruột mềm

    Ngay từ những ngày đầu năm Ất Mùi, nhóm PV thực hiện loạt bài điều tra liên quan đến công tác KCB đã ghi nhận một sự việc đau lòng tại bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Sáng 4/3/2015, anh Nguyễn Văn Hải (33 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đau buồn gọi điện cho PV việc chị Nguyễn Thị Yến L. (29 tuổi), vợ anh đã mất sáng 3/3.

    Trước đó, đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật nhận được thông tin về một trường hợp trẻ sơ sinh chết bất thường ngay sau khi sinh cùng với đó sản phụ Yến L. cũng rơi vào tình trạng nguy cấp phải chuyển lên BV tuyến trên cấp cứu, sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

    Trao đổi trực tiếp với PV, bác sỹ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Khi tiếp nhận, BN L. ở thể trạng bệnh rất nặng, mạch huyết áp không ổn định, hôn mê, thở máy; bị nhiễm độc máu nặng. Theo bệnh án, nguyên nhân là do BN này vừa được tiến hành phẫu thuật xử lý tình trạng băng huyết và đã bị cắt tử cung. Do diễn biến rất xấu sau phẫu thuật, BN Yến L. được chuyển tiếp lên bệnh viện Nhân Dân 115 - BV này có hệ thống lọc máu hiện đại nhất ở TP. HCM, và mất tại đây”.

    Theo nguồn thông tin riêng của PV, nhiều khả năng tình trạng BN Yến L. diễn biến xấu, bất thường có thể do cắt tử cung không kiểm soát được quá trình phẫu thuật, các dấu sinh hiệu không ổn định nên chuyển lên tuyến trên. Theo thông tin mới nhất PV cập nhật được, hiện tại bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã đình chỉ công tác kíp trực và hồ sơ bệnh án sản phụ L. cũng được chuyển lên cho Công an TP. Mỹ Tho và phòng chức năng của Công an tỉnh Tiền Giang điều tra làm rõ.

    Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế thì trong hơn 35 nghìn cuộc gọi đúng mục đích, có 28\% phàn nàn nhiều về tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất; 19\% cuộc gọi phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sỹ; phản ánh về các vấn đề liên quan đến viện phí và thủ tục KCB bảo hiểm y tế chiếm 16\%; phản ánh về tiêu cực như “vòi vĩnh”, đòi hối lộ của cán bộ y tế đối với BN và người nhà BN là 2.261/35.000 cuộc gọi.

    Ngoài đường dây nóng, hòm thư của báo Đời sống và Pháp luật cũng tiếp nhận được hàng loạt đơn thư của người bệnh phản ánh tình trạng “vòi tiền” của không ít các y tá, bác sỹ tại một số bệnh viện tuyến dưới, thậm chí cả những bệnh viện tuyến cuối trong KCB.

    Như trường hợp người nhà của BN Nguyễn Thị Q., 22 tuổi, đang nằm điều trị tại B3, tầng 3, khoa Ngoại chấn thương, BV V.Đ., tố cáo sự vô cảm của các bác sỹ và điều dưỡng tại BV Đa khoa H.Đ. (Hà Nội), nơi trước khi BN Q. chuyển viện.

    Những lá thư đẫm nước mắt gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế và báo Đời sống và Pháp luật.

    Theo đó, khi đến BV H.Đ., tại khoa Phục hồi và chức năng, khi làm thao tác kéo gập chân, cán bộ y tế ở đây đã “vô tình” làm gãy xương chân của BN. Sau chiếu chụp X-quang (thu của gia đình BN 500.000 đồng không có hóa đơn), cán bộ y tế đã vội đưa BN đi mổ luôn mà không làm bệnh án cũng như hỏi tiểu sử của BN trong khi trước đó bác sỹ đã đọc phim nhận định, BN chỉ bị rạn vùng xương gãy cũ, tự lành.

    Nhận thấy có điều không bình thường trong KCB tại BV này, gia đình đã xin chuyển người thân lên BV tuyến trên (BV Việt Đức-PV). Tuy nhiên, BV không chấp nhận và gây khó khăn, “dọa” sẽ không chuyển BHYT cũng như ký giấy chuyển viện cho BN.

    Hay lá đơn của chị Nguyễn Thị Lan H. (38 tuổi), ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, có đơn gửi Báo, tố cáo các sai phạm của bác sỹ bệnh viện Đại học Y Hà Nội khiến chị buộc phải bỏ thai.

    Theo đơn, chị đi tiểu thấy có máu nên đã tìm đến BV này để khám. Sau đó, kết quả phân tích nước tiểu cho thấy, có hồng cầu trong máu, còn thử thai ra âm tính (tức là không có thai). “Cầm tờ kết quả, bác sỹ tại BV nói rằng, tôi bị viêm bàng quang và kê đơn cho tôi uống thuốc kháng sinh liều cao”, chị H. nói.

    Sau 5 ngày, chị H. thấy cơ thể mệt mỏi nên đã đến tái khám và lại được bác sỹ M. cho đi chụp CT cắt lớp ổ bụng. Khi có kết quả phim chụp, bác sỹ M. cầm đọc nhưng không chắc chắn nên đã mang đi hội chẩn cùng 3 bác sỹ khác, tất cả đều nói rằng, tử cung bình thường. Sau các đợt điều trị ở BV Đại học Y Hà Nội, chị H. sang bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám lại.

    Bác sỹ cho kết quả, tôi đã có thai gần 2 tháng nhưng khuyên nên “bỏ” vì đã chụp cắt lớp ổ bụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi”, chị H. trình bày. Theo điều tra của PV, liên quan đến lá đơn này, bộ Y tế đã yêu cầu phía BV Đại học Y Hà Nội giải quyết đơn thư của chị H.. Tuy nhiên, theo chị H. phản ánh lại với PV thì, chị và gia đình chưa đồng tình với cách xử lý từ phía BV.

    Video xem thêm:


    Gia đình sản phụ thai nhi tử vong tố bệnh viện chậm trễ

    Nỗi lo bác sỹ “nhờn thuốc”

    Theo số liệu PV có được, cho thấy, trong thời gian qua bộ chủ quản cũng đã “mạnh tay” xử lý với những trường hợp nhân viên y tế “dính chàm”. Cụ thể, qua đường dây nóng, trong năm 2014 có 6.807 cán bộ bị nhắc nhở, 137 cán bộ bị khiển trách, 116 cán bộ bị cắt thi đua, 18 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác sang bộ phận khác, 6 cán bộ bị cách chức và 4 cán bộ bị nghỉ việc.

    Khi PV đề cập, có việc “làm tiền” BN, đặc biệt đối với những trường hợp sản phụ, tại không ít các khoa sản một số BV như bác sỹ có thái độ “thờ ơ”, không “mặn mà” trong việc chăm sóc các sản phụ nếu không được “lót tay”? Và, phải chăng, chính điều này đã gây ra những “tai biến” không mong muốn cho các sản phụ. Đại diện văn phòng bộ Y tế cho biết, cũng có trường hợp như vậy.

    Như vụ việc tại BV Đa khoa trung tâm An Giang liên quan đến sản phụ Lê Thị Kim L., phường Bình Chánh, TP.Long Xuyên, An Giang khi sinh bé trai 2,9kg, do sự tắc trách của bác sỹ đã dẫn đến tử vong. Được biết bác sỹ đã thiếu trách nhiệm, bỏ mặc sản phụ trong lúc chuyển dạ để sang hỗ trợ sản phụ khác?!

    Xem xét xử lý trách nhiệm về vụ việc này, Hội đồng kỷ luật bệnh viện đã tiến hành xử lý kỷ luật cảnh cáo và không bố trí làm công tác phẫu thuật trong thời gian 3 tháng đối với bác sỹ Hồ Công Khanh; xử lý kỷ luật khiển trách đối với nữ hộ sinh Trần Thị Như Hoa và xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với y sỹ Lý Ngân Kiều.

    Thêm trường hợp sản phụ tử vong bất thường tại bệnh viện

    Ngày 9/3, ghi nhận một trường hợp xảy ra tại BV Đa khoa huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Theo phản ánh của anh Trương Trọng Xuân (34 tuổi, trú tại Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An; chồng sản phụ V.) cho biết: Trước đó, chị Võ Thị V. (30 tuổi) được gia đình đưa vào trạm xá xã để sinh. Tại đây, các bác sỹ đã viết giấy chuyển viện để khám và theo dõi.

    Đến chiều cùng ngày, chị V. được gia đình đưa vào BV Đa khoa huyện Diễn Châu. Sau khi thăm khám, các y bác sỹỹ cho biết, do chị V. chưa ra huyết hồng nên cho về nhà để theo dõi. Khoảng 11h trưa ngày 8/3, anh Xuân tiếp tục chở vợ vào BV Diễn Châu để làm thủ tục nhập viện chờ sinh. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành làm các xét nghiệm nước tiểu, máu, siêu âm và chị V. được cho về phòng chờ sinh của khoa Sản và nhận được thông báo tử vong sau đó ít giờ.

    Hiện tại , phía bệnh viện đã báo cáo lên Sở Y tế, cơ quan chức năng và trực tiếp làm việc với người nhà để xác định làm rõ nguyên nhân của vụ việc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nuoc-mat-benh-nhan-va-noi-doan-truong-kham-chua-benh-a87123.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan