Sáng 20/9, báo Dân Trí đưa tin, lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 4, địa phương này tiếp tục có mưa vừa, mưa to kéo dài.
Các xã ở vị trí thượng nguồn như Sơn Kim1 và Sơn Kim2, mưa rất to từ đêm 19/9 đến sáng 20/9 khiến nước khe suối chảy xiết. Lũ đổ về khiến mực nước sông Ngàn Phố dâng cao, chỉ cách mép cầu tràn Phố Giang (nối xã Sơn Giang và thị trấn Phố Châu) khoảng 1-1,5m. Một số xã như: Sơn Hồng, Sơn Lĩnh bắt đầu bị ngập cục bộ.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ông Trần Bình Thân, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, chỉ đạo các thành viên ban chấp hành phòng, chống thiên tai bám địa bàn được phân công, trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai.
Các địa phương chủ động phương châm "4 tại chỗ", kịp thời ứng phó mưa lũ, đặc biệt là kiểm tra các cầu, cống, tràn, các điểm ngập lũ, hồ đập nước dâng cao..., tổ chức cắm biển cảnh báo, làm rào chắn ngăn người qua lại.
Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cũng chỉ đạo các địa phương tuyên tuyền, kiểm tra, nhắc nhở, cảnh báo người dân tuyệt đối không qua lại các tuyến đường bị ngập nước, không đánh bắt cá khu vực nước ngập sâu, không trục vớt củi trên các sông suối đảm bảo tuyệt đối tính mạng.
Cũng theo nguồn tin, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này kiểm tra, nắm tình hình, xem xét quyết định cho học sinh trên địa bàn nghỉ học sớm ở các khu vực có nguy cơ ngập lũ, lũ quét.
Theo báo Hà Tĩnh, tại huyện Hương Sơn, để đảm bảo an toàn cho các em vùng bị chia cắt do ngập lụt, đã có hơn 800 học sinh 3 trường: Mầm non Sơn Lĩnh, Mầm non Sơn Kim 2, Tiểu học Sơn Kim 2 phải nghỉ học.
Trong khi đó, tại huyện Hương Khê, ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Do một số tuyến đường đến trường bị ngập nên toàn huyện có gần 11.000 học sinh ở 24 trường từ mầm non đến THCS phải nghỉ học. Trong đó, bậc mầm non gần 4.000 em; tiểu học gần 4.500 em, THCS hơn 2.500 em”.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo các phòng GD&ĐT trên toàn tỉnh đã chỉ đạo các hiệu trưởng theo dõi sát tình hình mưa lũ để có các biện pháp xử lí kịp thời, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên; bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lũ để tránh hư hại.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật, báo cáo thông tin lên trang thông tin của nhà trường, sổ liên lạc điện tử, zalo...; trường hợp cho học sinh nghỉ học phải làm văn bản báo cáo đến các tổ chức, cá nhân liên quan; phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khắc phục hậu quả kịp thời và có phương án hỗ trợ học sinh học tập, củng cố kiến thức sau khi mưa lũ kết thúc.