Có hôm nửa đêm đang ngủ, cô bồ õng ẹo, chồng chị phải bật dậy phóng xe đi, chị nằm ôm con mà nước mắt tuôn trào.
Đây là tình huống của một cô vợ ở nhà nội trợ mang danh "tầm gửi" vướng phải tình huống chồng có bồ.
Không chỉ bị chồng khinh miệt coi thường, những bà vợ mang danh “tầm gửi” còn bị chính những thành viên trong nhà chồng coi như ô sin. Khi hôn nhân không hạnh phúc, chia lìa, họ là những người gánh chịu nỗi bất hạnh và bị bố mẹ chồng coi là “kẻ đáng bị trừng phạt”.
Giá của hy sinh
Đầu tiên là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Nga (32 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội), sau khi tốt nghiệp đại học, chưa có nghề nghiệp ổn định, chị lên xe hoa về nhà chồng vì “bác sĩ bảo cưới”. Cũng vì lý do này mà chị bị nhà chồng coi thường, khinh miệt.
Tất bật với công việc nội trợ nhưng nhiều người vợ vẫn bị nhà chồng coi thường (Ảnh minh họa). |
Với chị Nga, sau hơn 2 năm kết hôn, không có tài sản gì ngoài 2 đứa con nghịch ngợm và ông chồng lười biếng, ít chí tiến thủ. Anh Đoàn-chồng chị Nga (31 tuổi), hiện đang làm hành chính cho một công ty điện lực. Lương của anh Đoàn mỗi tháng được 8 triệu đồng, nhưng anh chỉ đưa cho chị đúng 3 triệu/ tháng. Vì phải chăm sóc cho 2 đứa con nhỏ nên số tiền đó là quá ít, nhiều tháng chị phải sống trong cảnh “giật gấu vá vai”.
Chị kể: “Với chừng đó tiền, tôi phải lo chi tiêu trong gia đình, rồi còn tiền bỉm sữa cho 2 đứa con nhỏ. Vì thế, tháng nào cũng lâm vào cảnh bí bách và phải gọi điện cho bố mẹ đẻ ở quê vay tiền, kèm theo lời hứa: “Khi nào con đi làm con gửi trả bố mẹ”. Chính cái vòng luẩn quẩn đó khiến vợ chồng tôi luôn to tiếng với nhau. Tôi cảm giác, chồng luôn đưa tiền cho vợ giống kiểu “bố thí”. Nhiều lúc, tôi thấy tủi thân vô cùng, vì thế, tôi quyết định nghĩ cách kiếm tiền để trang trải thêm”.
Không chỉ lấy phải người chồng ki bo, tằn tiện với vợ con, chị Nga còn gặp phải bố mẹ chồng cay nghiệt, hà khắc. Dù không sống cùng bố mẹ chồng, nhưng mỗi lần ông bà đến chơi là cả một cơn ác mộng.
“Bố mẹ chồng tôi ở xa đến thăm cháu, nhưng cách họ thể hiện thì giống như kiểu đến để soi mói con dâu. Thấy tôi ngày ngày làm dưa muối, cà muối bán bố chồng mỉa mai: “Con làm thế có đủ tiền mua kẹo cho cháu không?”, “Con làm thế mỗi tháng kiếm được bao nhiêu tiền?”,... Khi tôi trả lời: “Con kiếm thêm để có đồng ra đồng vào thôi” thì ông gắt gỏng: “Cô dẹp đi để cháu tôi có chỗ chơi”. Nghe bố chồng nói, nước mắt tôi cứ trào ra”, chị Nga kể.
Đã thế, từng bữa ăn chị nấu đều bị mẹ chồng chê bai: “Tiền con trai tôi kiếm được tháng nào cũng đưa cô đều, thế mà cô chỉ nấu được nhiêu món đấy thôi sao?”. Dù đã cố gắng làm hài lòng, nhưng bữa ăn nào cũng bị mẹ chồng chê lên chê xuống.
Chồng chị vì bênh vực bố mẹ, nên cũng lên mặt chỉ trích vợ: “Bố mẹ chồng đến chơi, sao bữa nào cũng thịt kho mặn với dưa cà thế?”. Chị nói: “Với chừng đó tiền em còn biết mua gì?” thì bị chồng quát vào mặt: “Cô im đi, đồ ăn bám không biết chi tiêu”.
Con còn nhỏ, thường xuyên quấy khóc ban đêm, những khi đó, bố mẹ chồng mất ngủ liền đổ hết lỗi cho chị. Mẹ chồng chị lớn tiếng: “Cô chỉ ăn rồi ở nhà chăm con cũng không xong, con khóc thì phải biết cách mà dỗ dành chứ. Đêm nào cũng ầm ĩ sao mà thằng Đoàn ngủ được? Nó là lao động chính nuôi cả cái nhà này đấy. Sức khỏe nó không đảm bảo thì mẹ con cô có mà nhăn răng ra”.
Nghe mẹ chồng nói, nước mắt chị tuôn trào, chị chỉ mong sao bố mẹ chồng sớm thu xếp về quê để chị được chút yên ổn.
Cùng cảnh ngộ với chị Nga là chị Phương Lan (29 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng đang chịu nỗi khổ riêng khi bị cả nhà chồng coi là “ô sin cao cấp”. Chị Lan chia sẻ: “Sau ngày cưới, nghe lời bố mẹ chồng nên tôi lui về làm nội trợ chăm con. Cũng từ ngày đó, việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay tôi hết. Nhà chồng có cửa hàng tạp hóa nên tôi luôn trong tình trạng đầu tắt mặt tối. Bố mẹ chồng tôi không làm gì, chỉ ngồi xem phim và sai bảo con dâu. Nếu tôi có lỡ may chậm trễ thì ông bà lại kêu: “Có mỗi việc nhà mà cũng lo không xong”.
Rồi mẹ chồng chị ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Vợ thằng Hoàng làm lương tháng hơn chục triệu. Vợ thằng Tuấn năng động mở shop thời trang. Vợ thằng Huy mới được phong danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố”...Cuối cùng, mẹ chồng chị chốt lại: "Con dâu nhà này chỉ quanh quẩn xó nhà, mà việc nhà làm cũng không xong”.
Cũng từ sau ngày cưới phải ngửa tay xin tiền chồng mỗi tháng nên tình cảm vợ chồng cũng đi xuống rõ rệt. Anh không còn coi trọng vợ như trước mà luôn cho rằng mình là kẻ bề trên vì là người lo kinh tế chính trong nhà. Mỗi lần nhờ anh việc nhà, mẹ chồng chị lại can thiệp: “Thôi cô làm đi, để cho nó nghỉ, cả ngày nó đi làm mệt rồi”, “Cô lấy tư cách gì mà sai bảo nó?”, ...
Có hôm, chị mệt, nhờ chồng nấu cho bát cháo, nhưng anh vừa vào bếp, mẹ chồng chị xuất hiện, thấy con trai lúi húi nhặt hành, băm thịt bà chửi ầm lên: “Ở nhà trông con, làm tí việc lặt vặt mà cũng kêu ốm. Không biết có ốm thật hay làm trò?”. Chị choáng váng đầu óc, nghe mẹ chồng quát tháo ngoài bếp, chị cũng phải bật dậy để làm cho xong chuyện.
Việc nhà cửa, cơm nước đều có con dâu lo hết nên mẹ chồng chị rảnh rỗi, thường xuyên tụ tập bạn bè, nói xấu con dâu. Nhiều lần, chị nghe người ta kể lại mẹ chồng chị đi đâu cũng bêu riếu con dâu vô tích sự, vụng thối, vụng nát, con dâu học ít nên không xin được việc... Biết trong mắt nhà chồng chị chỉ là kẻ ăn bám vô tích sự nên chị buồn vô hạn, chỉ mong sao con nhanh lớn để chị đi gửi trẻ rồi kiếm một việc làm ổn định.
Khi bài toán kinh tế chưa được giải quyết, chị Lan phát hiện chồng có người phụ nữ khác. Chị khóc trong tuyệt vọng, chị cứ nghĩ nếu biết chuyện này mẹ chồng chị sẽ có chút cảm thông, cùng chị kéo chồng về nhưng mẹ chồng chị thản nhiên: “Vì cô chỉ ở nhà ăn bám chồng, nên nó mới chán”. Nhìn ánh mắt của mẹ chồng, chị hiểu cái giá của sự hy sinh chỉ toàn là nước mắt...
Khi bà nội trợ “bùng nổ”
Nhẫn nhịn mãi cũng không được bố mẹ chồng coi trọng, chị Nga “bùng nổ” khi thẳng thắn nói chuyện với ông bà: “Việc con ở nhà chăm con chăm cháu là bất đắc dĩ không phải con muốn như thế mà là yêu cầu của con trai bố mẹ”. Bất chấp sự khó chịu của ông bà, chị Nga ngoài thời gian chăm con vẫn tập trung kinh doanh hàng online. Tới nay, chị đã có một lượng khách hàng thân thiết khá lớn. Ngoài mua hàng qua mạng, nhiều người còn tìm đến tận nơi để nhập sỉ.
“Nhiều lúc thấy mình ngồi máy tính, bố chồng cứ đi đi lại lại tỏ vẻ khó chịu. Còn mẹ chồng luôn miệng kêu: “Không biết nó làm cái gì mà đến giờ chưa cho cháu tôi ăn”, khi đó, tôi nhẹ nhàng mỉm cười nói: “Con xong rồi đây”. Tôi nghĩ, cũng không cần thiết phải cáu gắt mà dần dà, mọi việc sẽ tự đi vào nếp. Ông bà nói nhiều rồi cũng chán mà thôi”, chị Nga tâm sự.
Cũng theo chị Nga, ở với con được vài tháng, bố mẹ chồng chị chán quá liền về quê, cũng từ hôm đó, không khí gia đình chị lại trở lại như bình thường. Chồng chị vẫn tằn tiện, ki bo, nhưng ít ra, chị vẫn có thời gian để kiếm tiền, cải thiện cuộc sống con cái và không phải nghe lời cằn nhằn hay điều tiếng từ bố mẹ chồng.
Còn chị Lan, sau khi phát hiện chồng ngoại tình, chị đã cố gắng tìm cách níu giữ hạnh phúc mong manh của mình, nhưng vẫn không có kết quả. Khi chị hỏi chuyện còn bị chồng xỉ vả, chửi mắng. Anh ta nói một cách phũ phàng đã chán người vợ chỉ biết ăn bám chồng như chị và muốn chị chấp nhận sự thật.
Từ ngày bị vợ phát hiện ngoại tình, lại được bố mẹ hậu thuẫn, chồng chị ngang nhiên nhắn tin gọi điện cho bồ công khai. Có hôm nửa đêm đang ngủ, cô bồ õng ẹo, chồng chị phải bật dậy phóng xe đi, chị nằm ôm con mà nước mắt tuôn trào.
Cảm thấy không còn cố gắng được, chị đã viết đơn ly hôn và dọn khỏi nhà chồng sau một tuần suy nghĩ và quyết định. Ngày chị chuyển đi, bố mẹ chồng không ai nói một câu nào. Họ còn nói với theo: “Cô đừng hòng mong được nuôi cháu tôi”.
Thanh Bình