(ĐSPL)- Hơn 40 năm tuổi đời thì đã hơn 30 năm chị gắn bó với nghề võ. Ở người phụ nữ ấy, võ thuật đã chảy trong huyết mạch. Để giành được những thành quả đồ sộ, chị đã phải đánh đổi cả tuổi xuân, mồ hôi và thậm chí cả máu.
Cơ duyên với võ học
Trong làng võ cổ truyền Việt Nam, vào nửa thập niên 80 và suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, võ sư Ngô Thị Ngọc Chi (SN 1969, ngụ quận 4, TP.HCM) được mệnh danh là võ sỹ bất bại.
Ở con người gắn liền với nghiệp võ ấy, chị luôn thể hiện sự kiên cường trên sàn đấu, sở hữu những thành tích đáng nể. Bản thân võ sư Ngọc Chi luôn sẵn có một lòng nhiệt huyết, cống hiến trọn đời vì niềm tin yêu mãnh liệt vào võ thuật. Bởi thế, có được những kỳ tích, chị đã phải vượt qua biết bao chông gai, đổ mồ hôi và kể cả máu... Để rồi hôm nay, ở tuổi 46, chị nhìn và ôn lại những thành tích đã đi qua tuổi thanh xuân hơn 30 năm qua, với niềm tự hào và khẽ nói: "Thời gian trôi nhanh quá!".
Vào một chiều cuối thu, cô bé 13 tuổi Ngô Thị Ngọc Chi được cha cho đi dạo phố, tình cờ đến quận 1 (TP.HCM), thấy tấm bảng chiêu sinh môn võ dân tộc, trong cô như có một động lực thôi thúc. Cô năn nỉ cha cho được đến lớp võ. Thương và chiều ý con gái, một tuần sau, cô được cha dẫn đến gửi gắm cho vị võ sư quắc thước với bộ râu năm chòm, đó là võ sư Đặng Văn Anh (võ phái Kim kê môn). Bén duyên với võ thuật ở tuổi 13, Ngọc Chi được thầy và sư huynh hướng dẫn tận tình. Cô luôn chứng tỏ là môn sinh sáng dạ tiếp thu mau lẹ.
|
Một trận thượng đài của võ sỹ Ngọc Chi. |
Miệt mài học tập, sáng văn chiều võ, trong bảy năm, kể từ khi bắt đầu học võ với muôn vàn khó khăn từ vật chất đến tinh thần, nhưng ý chí và quyết tâm cao đã tiếp thêm động lực để Ngọc Chi vượt qua tất cả. Khoảng thời gian tham gia làng võ, võ sỹ Ngô Thị Ngọc Chi được sư phụ Đặng Văn Anh dẫn dắt và giới thiệu đến các đại sư Minh Cảnh, Huỳnh Tiền, Mai Thái Hoà, Nguyễn Hữu Tiết, theo chân các thầy đi đấu võ đài ở rất nhiều tỉnh thành. Với kỹ năng sẵn có, ý chí kiên cường với phương châm "phải đánh được tới cùng", giúp Ngọc Chi liên tiếp dành những chiến thắng tuyệt đối.
Cuối năm 1990, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp võ thuật của võ sư Ngô Thị Ngọc Chi. Khi ấy, đại hội võ thuật toàn quốc tổ chức tại Đầm Sen, võ sư Đặng Văn Anh giới thiệu, đề nghị cô và sư huynh qua thọ giáo võ sư Tô Đình Thanh (biệt hiệu Xuyên Sơn Nhạn), Chưởng môn phái Thiếu lâm - Nội quyền - Tây Sơn Nhạn, bởi ở đó, có nhiều bài chân truyền hay và tinh tế trong nhiều lĩnh vực. Cơ duyên đã đến, cô được môn phái Thiếu lâm - Nội quyền - Tây Sơn Nhạn tiếp nhận trong niềm vui và sự đầm ấm.
Vốn bản tính chịu khó, niềm nở, nhiệt tình trong sinh hoạt cũng như học tập, Ngọc Chi sớm chiếm được cảm tình của các bậc trưởng lão vốn khó tính trong môn phái như võ sư Tống Văn Nhịn, võ sư Ngô Văn Trừ (Phi Hùng), võ sư Châu Văn Ngọc (Bạch Ngọc Sơn Nhạn), võ sư Lê Đức Minh (Lưu Hương Nhạn), sư huynh, võ sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn) và truyền thụ nhiều kỹ thuật của Tây Sơn Nhạn.
Kể từ khi qua môn phái Tây Sơn Nhạn, võ sư Ngô Thị Ngọc Chi được mở mang thêm kiến thức cũng như kỹ năng võ thuật. Đặc biệt, cô đã được võ sư Tô Đình Thanh giảng dạy về võ đạo, võ y và thuyết âm dương. Ở thế võ nào võ sư Ngọc Chi cũng đều học rất nhanh. Mặc dù thân hình bé nhỏ, nhưng Ngọc Chi sở hữu được kỹ năng chiến đấu tốt, thân bộ thủ pháp, cước pháp, uyển chuyển, linh hoạt, công thủ cân đối nhịp nhàng, trong phòng thủ thì kín kẽ, trong tấn công thì dũng mãnh quyết liệt. Trong chiến đấu, võ sư Ngọc Chi biết vận dụng chiến thuật, chiến lược nhịp nhàng, cương nhu một cách tinh tế.
|
Võ sư Ngọc Chi bên chuỗi thành tích đồ sộ của mình. |
Nữ võ sư giàu thành tích vẫn một cõi đi về
Nhờ sự nhiệt huyết và phương pháp chiến đấu ngoan cường, võ sư Ngô Thị Ngọc Chi luôn giành các phần thắng trong thi đấu. Năm 1990 võ sư Ngọc Chi vinh dự được cử đi biểu diễn tại Nga. Đến năm 1996, chị được cấp chuẩn võ sư (cấp 17/18) và vinh dự được đại diện nước nhà tham dự lễ hội võ thuật thế giới tại Bangkok - Thái Lan.
Kể lại kỷ niệm này chị nói: "Đoàn Việt Nam qua Thái tham dự lễ hội, lúc ra chào khán giả, tôi đã có một hành động táo bạo. Lúc bấy giờ tôi mặc áo dài, đi giày cao gót, nhưng chợt nảy ra ý nghĩ quảng bá võ thuật và con người Việt Nam yêu dân tộc, tôi đã cầm lá cờ Việt Nam chạy quanh sân. Lúc này cả sân chợt tắt điện, ánh đèn duy nhất rọi vào tôi, trong sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả nước nhà và khán giả các nước".
Để đạt được những thành tích ấy, theo võ sư Ngọc Chi, đó là cả quá trình chị được thầy Chưởng môn Tô Đình Thanh giảng dạy. Trong quá trình thi đấu, chị lãnh hội được nhiều kinh nghiệm, không chỉ thi đấu bằng võ mà còn phải có chiến thuật, chiến lược để nhận định và biết được khả năng của đối phương. "Trong các loại hình thi, từ quyền thuật cho đến binh khí, đấu luyện tay không với tay không, tay không với binh khí, binh khí với binh khí, mỗi năm đều yêu cầu cao. Có những năm để đạt được một tấm huy chương, các vận động viên cả nam và nữ phải loại được từ 18 đến 25 vận động viên khác. Qua rất nhiều gian nan, vận động viên phải có ý chí và tinh thần thép cũng như kỹ thuật giỏi thì mới đạt được những tấm huy chương danh giá. Không có con đường nào mà không có chông gai, thắng hay thua đều phải trải nghiệm", chị tâm sự.
Từ năm 1988, võ sư Ngọc Chi đã là thành viên Ban huấn luyện cấp 8-cấp 9 thuộc Liên đoàn võ cổ truyền TP. Hồ Chí Minh cho đến nay. Năm 2003, chị đã đạt đẳng cấp võ sư Quốc gia (cấp 18/18). Võ sư Tô Đình Thanh (Chưởng môn phái Thiếu lâm - Nội quyền - Tây Sơn Nhạn) cho biết, võ sư Ngọc Chi (biệt hiệu Xuyên Vân Nhạn) là một trong những võ sư nòng cốt của môn phái với nhiệm vụ là trưởng ban biểu diễn, phó ban huấn luyện. Cũng chính những thành tích ấy, võ sư Ngọc Chi vinh dự được Bộ trưởng bộ VH-TT&DL cấp Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào năm 2011. Với bề dày kinh nghiệm, võ sư Ngọc Chi chia sẻ: "Võ học như toán học, phải biết tính toán (quan sát) kỹ lưỡng khi phòng thủ hay tấn công phải nhanh, mạnh, chính xác (quyền đáo tất lực đáo)".
|
Võ sư Ngọc Chi được Bộ trưởng bộ VH-TT-DL tặng Kỷ niệm chương. |
Hiện tại, võ sư Ngọc Chi sống chung với cha mẹ, anh em, quây quần đầm ấm. Chị có thêm nghề may gia công, lấy ngắn nuôi dài, làm phương tiện phụ trợ cho sự nghiệp đam mê võ thuật.
Được hỏi về cuộc sống tình cảm, võ sư Ngọc Chi mỉm cười: "Có được niềm yêu thương với võ thuật, đặc biệt khi ở môn phái Tây Sơn Nhạn với sự gắn bó, tình đồng môn tương trợ, yêu thương, đùm bọc nhau, nhất là lúc hoạn nạn lại thêm gắn bó... Về nhà, vui chung niềm vui với đại gia đình, như thế đã là viên mãn lắm rồi. Còn chuyện riêng tư, cũng còn... tùy duyên".
Biệt danh Xuyên Vân Nhạn Hỏi về biệt hiệu Xuyên Vân Nhạn, võ sư Tô Đình Thanh (Chưởng môn phái Thiếu lâm - Nội quyền - Tây Sơn Nhạn) cho biết: "Mỗi khi người học trò đã đạt được trình độ chuyên môn tốt, đạo đức tốt sẽ được phong biệt hiệu tương ứng với đặc điểm chuyên môn. Như võ sư Ngọc Chi, dáng người tuy nhỏ nhưng cô ấy sở hữu được kỹ năng tốt, đạo đức tốt, được phong biệt hiệu Xuyên Vân Nhạn, có nghĩa là con nhạn xuyên qua mây". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-vo-su-xinh-dep-duoc-phong-xuyen-van-nhan-van-mot-coi-di-ve-a45753.html