Những ngày gần đây, trên mạng internet xuất hiện thông tin về một nữ sinh ở Quảng Bình có tổng số điểm thi đại học 29 điểm. Mặc dù có số điểm cao như vậy, nhưng thí sinh đó vẫn trượt đại học.
29 điểm vẫn trượt đại học?
Nhà của thí sinh Bùi Kiều Nhi (SN 1997) ở xã Đức Hóa, thuộc huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình). Từ đầu xã, hỏi đường tới nhà Nhi không ai là không biết, bởi cô bé nổi tiếng có số điểm thi đại học cao nhất nhì huyện nhưng vẫn bị trượt đại học.
Nhà Nhi có 4 chị em, Nhi là con gái thứ hai. Bố của Nhi mất cách đây hai năm, nên mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn lên vai mẹ. Thấy mẹ vất vả, chị gái đầu của Nhi là Bùi Kiều Nhung (SN 1993) học trung cấp tại một trường ở Đà Nẵng ra không có việc, đành xin vào làm cho một công ty thuốc lá ở miền Nam để lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học.
Nhi và mẹ buồn bã vì không trúng tuyển trường Học viện Chính trị Công an Nhân dân. |
Ý thức được điều đó, Nhi chăm ngoan, học giỏi, trong đầu Nhi lúc nào cũng có nguyện vọng được vào học hai ngành công an hoặc bộ đội. “Được học ngành công an, cháu không chỉ thực hiện được ước mơ của mình mà còn giúp gia đình cháu không phải lo lắng nhiều về chi phí trong suốt quá trình học tập tại đây”, Nhi tâm sự về ước mơ của mình.
Khi làm hồ sơ thi tuyển đại học, Nhi đăng ký vào trường Học viện Chính trị Công an nhân dân. Nhi thi tại Hội đồng thi Đại học Huế với số điểm thi 3 môn: Ngữ văn: 8,75 điểm, Lịch sử: 9 điểm, Địa lý: 9,75 điểm, tổng điểm thi: 27,5 điểm, cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực thành 29 điểm.
“Trong bảng kết quả trúng tuyển của trường Học viện Chính trị Công an nhân dân, em xếp thứ hai (chưa cộng điểm khu vực). Còn ở huyện, nghe nói em là người có số điểm thi cao nhất”, Nhi cho biết.
Ngày biết tin mình trúng tuyển, mẹ con Nhi mừng rơi nước mắt, bởi ước mơ, hoài bão của Nhi đã trở thành hiện thực. Con đường đền đáp công ơn của ba mẹ đang ngày một gần hơn.
“Biết tin con đậu đại học, tôi mừng rơi nước mắt. Đi đâu, gặp ai cũng hỏi thăm, chúc mừng cháu”, bà Phạm Thị Thanh Bình (SN 1971) mẹ của Nhi chia sẻ.
Tuy nhiên, niềm vui gắn chẳng tày gang, một ngày đầu tháng 9, Nhi bỗng nhận được Công văn của Công an huyện Tuyên Hóa thông báo về việc hồ sơ của Nhi không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân.
Đâu là nguyên nhân thực sự?
Theo nội dung công văn cho biết, dựa trên hệ thống thông tin nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Bình cũng như hồ sơ lưu trữ tại Cơ quan Tòa án nhân dân Tuyên Hóa thì năm 1992, bố của Nhi từng bị Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa xử phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Nhưng trong phần khai lý lịch của Bùi Kiều Nhi khai về bố lại không có án tích và đã cam đoan, chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật.
Đối chiếu với quy định của lực lượng Công an nhân dân về bản thân Nhi và các thành viên có trách nhiệm trong gia đình thiếu trung thực trong khai lý lịch, xét về phẩm chất, đạo đức không đảm bảo, về hồ sơ của Nhi không đủ điều kiện để nhập học các trường Công an nhân dân.
Nói về lời khai của mình trong hồ sơ, Nhi cho biết: “Chuyện xảy ra với ba từ thời ba còn là thanh niên. Từ khi sinh ra và lớn lên, em chưa từng nghe ba kể về chuyện này, ba chỉ thường nhắc đến chuyện đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở biên giới phía bắc từ năm 1984, đến năm 1987 thì ba về lại địa phương sinh sống. Nên thực sự em không hề hay biết, đã khai trong lý lịch bố không có án tích”.
Nhi nhớ lại: “Khi ba còn sống, em thường nói với ba sau này sẽ cố gắng học hành thật tốt để thi vào hai ngành Công an và bộ đội, những lúc đó, em thấy ba rất vui mừng và đồng tình với ý định của em”.
Bà Phạm Thị Thanh Bình buồn bã giải thích: “Ba Nhi phạm tội từ trước khi lấy tôi, nên tôi cũng không hề hay biết về chuyện này. Suốt hơn 20 năm qua, nếu biết thì tôi đã nói với con hoặc tìm đến Tòa án huyện Tuyên Hóa xin giấy xóa án tích cho ba Nhi rồi chứ không phải để chuyện xảy ra như thế này”.
Khi biết tin mình đậu đại học, Nhi vui mừng và hạnh phúc bao nhiêu thì lúc cầm tờ Công văn trên tay, Nhi lại buồn và tuyệt vọng bấy nhiêu. Trước đó, Nhi cùng với mẹ đã lên biết bao nhiêu kế hoạch và dự định cho ngày nhập trường. Trong giấc ngủ, Nhi cũng mường tượng đến cảnh được học trong môi trường mới, được thủ sức với cuộc sống tự lập mới... thế mà bây giờ, mọi chuyện lại đảo nghịch theo một hướng hoàn toàn khác.
Nói về hoàn cảnh của Nhi, một người hàng xóm tiếc nuối: “Cái Nhi ở nhà ngoan và chăm học lắm. Biết tin cháu thi đậu đại học với số điểm cao, trong làng ai ai cũng mừng cho cháu. Thế mà chuyện ở đâu bỗng nhiên ập đến khiến cháu không được học ngành đã đăng kí nữa, chỉ mong sao các cơ quan chức năng, nhà nước cho cháu một cơ hội được theo học ngành yêu thích”.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Nhi tâm sự về nguyện vọng của mình: “Em nhận được thông báo về việc không được nhập học các trường Công an nhân dân vào ngày 4/9, khi đó còn 3 ngày để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng nhưng các trường em thích đã hết chỉ tiêu, em không còn cơ hội để được đi học ở các trường đó nữa. Bây giờ trong thâm tâm em vẫn muốn được đi học các trường Công an nhân dân. Còn nếu trường hợp không được, em vẫn có nguyện vọng học Sư phạm tiểu học tại trường Đại học sư phạm Huế”.
Nhìn ánh mắt của Nhi, chúng tôi biết em vẫn đang ngày đêm nung nấu một khát khao cháy bỏng được theo học tại các trường Công an nhân dân. Giường như em đang ngày đêm mong chờ một phép nhiệm màu sẽ đến với mình...
Theo Người đưa tin
[mecloud]fYHJZYkOki[/mecloud]