Trong đợt tuyển sinh vừa qua, cô bạn Tăng Vân Khanh (học sinh lớp 12 Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) nhận được thông báo trúng tuyển từ 7 trường đại học khác nhau của Mỹ với tổng giá trị học bổng lên tới hơn 25 tỷ đồng.
Cụ thể, 7 trường là Đại học Gustavus Adolphus, Đại học Depauw, Đại học Augustana, Đại học Beloit, Đại học St. Lawrence, Đại học Nam Florida, Đại học Centre. Vân Khanh cũng nằm trong danh sách chờ của 5 trường đại học khác tại Mỹ là là Đại học Mount Holyoke, Đại học Rhodes, Đại học Connecticut, Đại học Gettysburg và Đại học St. Olaf.
Ngay từ năm lớp 10, Vân Khanh đã nung nấu ý định đi du học. Tuy nhiên thời điểm đó, việc chọn quốc gia du học, chọn trường đại học với nữ sinh rất mơ hồ.
Chỉ đến khi trải qua cú sốc trượt Đội tuyển Quốc gia môn Ngữ Văn, nữ sinh mới thực sự bắt tay tìm hiểu, vạch ra lộ trình cụ thể và quyết tâm săn học bổng du học.
"Mới vào cấp 3, em xác định mục tiêu là phải tham gia đội tuyển Quốc gia môn Ngữ Văn đầu năm lớp 11. Suốt năm lớp 10, em tập trung cao độ cho môn Văn nhưng trượt đội tuyển và không thể tham dự kỳ thi này. Thất bại này là động lực lớn nhất để em quyết tâm bứt ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm kiếm những cơ hội mới. Em tin rằng một kỳ thi không quyết định bạn là ai, quan trọng là bạn biết đứng dậy từ thất bại và vươn lên mạnh mẽ hơn", Vân Khanh tâm sự với VTC News.
Từ đó, Vân Khanh tự lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và bắt đầu chinh phục giấc mơ du học của mình bằng cách đăng ký học SAT I, SAT II (SAT - Scholastic Aptitude Test - một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường đại học của Mỹ). Hàng ngày, hết giờ học trên lớp, em vượt qua quãng đường hơn 60km từ Hải Dương lên Hà Nội luyện thi.
Bên cạnh việc ôn thi các chứng chỉ, đạt điểm cao trên trường thì nữ sinh còn chú trọng hơn cả là tham gia các hoạt động ngoại khoá. Đây từ lâu vốn được xem là một trong những tiêu chí rất lớn của phía các trường đại học Mỹ trong công tác đánh giá ứng viên.
"Em tự nhắc nhở bản thân phải chủ động tìm kiếm các cơ hội. Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa giúp em làm quen với nhiều bạn trong và ngoài nước cùng chí hướng với mình, cũng như rèn luyện và trau dồi các kỹ năng sống cần thiết cho tương lai. Phạm vi các hoạt động em tham gia không giới hạn trong trường, mà có cả quốc tế. Em tin nhờ những hoạt động này, em đã thể hiện cho ban tuyển sinh thấy được tố chất lãnh đạo, sự năng động và bứt phá của bản thân", Khanh nói.
Suốt gần 2 năm cuối cấp 3, Vân Khanh chọn tham gia chủ yếu là các hoạt động ngoại khoá liên quan đến lịch sử, vốn là lĩnh vực yêu thích của cô từ khi còn nhỏ. Cô bạn đã sáng lập nên website "Bảo tàng Triều đại Lịch sử Việt Nam lưu giữ các giai thoại về các triều đại trong lịch sử phong kiến và website "Di sản Văn hóa Hải Dương" nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo tại quê hương.
Không chỉ tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, Vân Khanh còn chăm chỉ nghiên cứu tài liệu cũng như đọc các bài nghiên cứu khoa học về lịch sử của nhiều nước khác như Mỹ, Đức... Cũng từ quá trình tìm hiểu về lịch sử các nước phát triển, cô bạn đã xác định Mỹ chính là điểm đến du học mơ ước.
"Khi xem YouTube, các bài viết về lịch sử nước Mỹ đã khơi gợi sự tò mò của mình về quốc gia này. Trong một lần đọc cuốn sách 'Đại gia Gatsby', mình thấy tác giả đề cập đến một 'giấc mơ Mỹ' đổ nát, nơi con người đầu tư vào vật chất nhưng lại suy kiệt về tinh thần và tâm hồn. Khi đó, mình tự đặt ra nhiều câu hỏi về người dân Mỹ, giá trị thực sự xoay quanh 3 chữ 'giấc mơ Mỹ'. Điều này đã thôi thúc mình chinh phục giấc mơ du học để thực sự trải nghiệm cuộc sống ở đây", Trí thức trẻ dẫn lời Vân Khanh.
Không chỉ khao khát được góp sức mình giữ gìn văn hóa dân tộc, Vân Khanh còn hứng thú với lĩnh vực giáo dục. Chính vì nỗi trăn trở này, ngay từ khi học lớp 10, Vân Khanh đã sáng lập nên dự án "Ideas Of Bliss" giáo dục trực tuyến giúp các bạn trẻ rèn luyện các kỹ năng cần thiết để hội nhập.
Ở bài luận gửi tới các trường Đại học Mỹ, Vân Khanh đã đề cập đến lĩnh vực mà mình yêu thích và tự tin nhất, chính là lịch sử dân tộc.
Để bài luận thực sự gây ấn tượng mạnh với phía tuyển sinh, Vân Khanh chọn chia sẻ góc nhìn mới mẻ về chiến tranh Việt Nam. Thông qua đó, nữ sinh muốn xoá bỏ định kiến của nhiều người nước ngoài khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam là chỉ có đau thương và mất mát.
Cũng nhờ quá trình viết bài luận, nữ sinh nhận ra sự phiến diện trong cách quan sát và đánh giá một vấn đề trước đây của mình. Vân Khanh và một số người bạn còn cùng viết nên cuốn sách "Chiến tranh Việt Nam: Vượt lên quầng sáng cuối trời". Cuốn sách là quan điểm của người trẻ về chiến tranh Việt Nam mà ít người nhắc đến và tái hiện lại cuộc sống của những người lính hậu chiến tranh với phẩm chất kiên cường. Để thực hiện cuốn sách, em cùng các bạn của mình đã gặp gỡ các cựu chiến binh trên khắp mọi miền tổ quốc.
Vân Khanh đã dành ra 9 tháng cùng với 20 bản nháp trước khi hoàn thành bài luận 650 từ chỉn chu nhất về chiến tranh Việt Nam. Với mong muốn bài luận truyền tải đúng nhất về vẻ đẹp lịch sử Việt, cô bạn đã nhờ nhiều lần tìm đến sự tư vấn và đồng hành của nhà sử học Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương.
Tháng 8 tới, cô bạn sẽ lên đường nhập học trường Đại học Nam Florida với học bổng 36.000 USD (khoảng 834 triệu đồng). Hiện tại, nữ sinh 2004 vẫn đang cố gắng ôn tập cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào tháng sau.
"Em lựa chọn học ngôi trường này bởi môi trường học tập đa dạng và năng động. Trường có nhiều du học sinh người Việt, điều này giúp em dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Đặc biệt, trường tọa lạc tại vịnh Tampa - trung tâm kinh tế của bang Florida (Hoa Kỳ), nơi thuận tiện cho ngành học Tài chính của em với nhiều cơ hội học tập phong phú", Vân Khanh nói.
Linh Chi(T/h)