Jonathan Walker (18 tuổi)- một nam sinh ở bang Florida (Mỹ) vừa trúng tuyển cả 27 trường mà em ứng tuyển. Walker từng theo học trường Trung học Rutherford ở thành phố Panama, bang Florida, Mỹ. Cậu thông minh, hiếu học và còn tham gia đội bóng đá của trường.
"Thật tuyệt vời khi nghĩ đến việc tôi đã nộp đơn vào tất cả đại học đó và trúng tuyển. Chuyện này khá hiếm nhưng thực tế, nó đã xảy ra. Tôi rất hào hứng", Walker chia sẻ.
Theo UPI, lúc rảnh, Walker thường cặm cụi nghiên cứu để chế tạo các thiết bị giúp người mù hoặc điếc sinh hoạt dễ dàng hơn và mong muốn có được cấp bằng sáng chế.
"Tôi thích việc chế tạo thiết bị hỗ trợ mọi người và muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực này", chàng trai 18 tuổi tâm sự.
Các trường còn đề nghị cấp học bổng cho Jonathan Walker với tổng giá trị lên đến 4 triệu USD. Chia sẻ về thành công ở kỳ tuyển sinh năm nay, Walker cho biết nhờ có gia đình, cậu đạt được thành tích này.
"Tôi thực sự ngưỡng mộ mọi người trong nhà vì mọi người giúp tôi nhận ra cuộc sống với niềm đam mê với thứ gì đó sẽ ra sao", nam sinh 18 tuổi cho hay.
Mỗi đại học Mỹ, gồm cả trường công và tư, đều tự chủ chỉ tiêu, cách thức và yêu cầu tuyển sinh để phù hợp với mục tiêu phát triển, nguồn lực của mình. Cũng như thi tốt nghiệp, Mỹ không tổ chức một kỳ thi đại học chung toàn bang hay cả nước mà các trường sẽ chủ động xét tuyển.
Các trường dùng hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến, trong đó phổ biến nhất là Common Application với khoảng 900 trường tham gia với hơn một triệu học sinh nộp hồ sơ mỗi năm, kế đó là Coalition khoảng 150 trường. Nhiều trường khác có hệ thống nộp hồ sơ riêng như hai đại học California, Texas.
Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, các trường thường yêu cầu học sinh nộp bảng điểm kết quả học tập bốn năm 9, 10, 11 và 12, thư giới thiệu của giáo viên, điểm SAT hoặc ACT, bài luận và phỏng vấn. Tuỳ trường và hoàn cảnh cụ thể, những yêu cầu này có thể được bỏ bớt hoặc bổ sung điều kiện chi tiết hơn. Học sinh quốc tế muốn nộp hồ sơ vào đại học Mỹ cần thêm chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL để chứng minh năng lực tiếng Anh.
Mộc Miên (T/h)