Nữ phi công Heather Penney từng nhận một nhiệm vụ nguy hiểm - ngăn một chiếc máy bay bị khủng bố chiếm giữ trong ngày đen tối của lịch sử nước Mỹ.
Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ. Những phần tử khủng bố Al-Qaeda đã chiếm quyền kiểm soát 3 chiếc máy bay và tấn công liều chết nhằm vào Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, có một chiếc máy bay khác mang số hiệu 93 đã giành lại quyền kiểm soát và lao xuống một một cánh đồng gần Shanksville, tiểu bang Pennsylvania.
Nữ phi công Heather Penney, một trong những anh hùng nhận nhiệm vụ quan trọng trong ngày 11/9. Ảnh: Airspace Magazine |
Câu chuyện về nữ phi công Heather Penney và chiếc máy bay 93 đã trở thành một trong những câu chuyện đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ.
Theo đó, trong sáng 11/9, nữ phi công Heather Penney nhận nhiệm vụ "liều chết" ngăn chặn chiếc máy bay thứ 4, mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines, bị không tặc chiếm giữ.
Vụ tấn công của kẻ địch trong năm 2001 xảy ra bất ngờ và lực lượng quân sự Mỹ không hề lường trước để có thể trang bị sẵn vũ khí như hiện nay, bởi vậy nữ phi công Penney chỉ có lựa chọn duy nhất để ngăn âm mưu tấn công là lao thẳng vào chiếc Boeing 757 đã bị chiếm giữ.
Kể lại nhiệm vụ ngày 11/9, bà Penny cho biết: "Chúng tôi không thể bắn kẻ địch mà chúng tôi sẽ đâm thẳng vào nó".
"Nữ phi công chiến đấu đầu tiên"
Năm 2001, bà Heather Penney mới là một tân binh và là nữ phi công đầu tiên của Phi đội máy bay chiến đấu số 121 thuộc Lực lượng Phòng không Quốc gia D.C. Cha bà từng là một phi công lái phản lực tại Việt Nam, bởi vậy bà Penney đã học hỏi được nhiều thứ từ cha mình về các loại phi cơ, máy móc...
Bà Penney là một trong những nữ phi công chiến đầu thế hệ đầu tại Mỹ. Ảnh: Airspace Magazine |
Trong một chương trình đào tạo sau đại học, Quốc hội Mỹ đã xem xét và quyết định thành lập một đơn vị phi công chiến đấu nữ và bà Heather Penney đã xuất sắc dành được tấm vé vào đơn vị với số điểm gần như cao nhất.
Bà cho biết: "Tôi đã đăng ký ngay khi biết thông tin về đơn vị nữ. Tôi đã luôn muốn trở thành một phi công chiến đấu giống như cha mình".
Nhiệm vụ "liều chết"
Vào ngày 11/9/2001, bà Penney cùng đồng nghiệp vừa hoàn thành khóa huấn luyện không chiến 2 tuần ở Nevada. Bà kể lại khi ấy, tất cả mọi người đang tụ tập sau giờ tập luyện và trông thấy một chiếc máy bay lao vào Tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới, họ cho rằng vụ việc trên là một tai nạn. Cho tới khi chiếc máy bay thứ 2 theo lộ trình tương tự đâm vào tòa tháp đôi, họ mới nhận ra đó là một cuộc tấn công.
Vụ việc trên đã khiến tất cả những người chứng kiến vô cùng bối rối và khó khăn để có thể đưa ra một chỉ đạo ngay lập tức. Không ai chuẩn bị trước cho một cuốc tấn công như vậy và các phi cơ vẫn còn đang được trang bị đạn giả trong các trận tập huấn. Chỉ dó duy nhất hai chiếc máy bay sẵn sàng để di chuyển vào thời điểm ấy, tuy nhiên chúng cũng không đang trang bị vũ trang.
Sau khi chứng kiến chiếc máy bay thứ 3 lao vào tòa nhà Lầu Năm Góc, các sỹ quan đều tin rằng sẽ có thêm ít nhất một đợt tấn công nữa đến từ các đối tượng khủng bố. Ngay lập tức, bà Penney và một phi công khác, ông Col. Marc Sasseville, đã leo lên máy bay nhận nhiệm vụ ngăn chặn đợt tấn công tiếp theo.
Nữ phi công Heather Penney đã xác định sẽ hy sinh vì nhiệm vụ. Ảnh: The Village Voice |
Chia sẻ về sự kiện trên, ông Sasseville cho biết: "Chúng tôi không được đào tạo để tấn công một máy bay khác. Khi khởi động máy bay và điều khiển nó tôi đã nghĩ mình nên nhắm tới buồng lái hoặc cánh chiếc Boeing 757 bị chiếm giữ kia".
Ông cũng đã nghĩ tới việc thoát khẩn cấp từ chiếc ghế phi công. Theo đó, ông Sasseville cho biết có thể khởi động động cơ và chỉnh hướng để máy bay tự lao vào mục tiêu, khi ấy ông và đồng nghiệp có thể thoát nạn.
Ông kể lại: "Tôi đã băn khoăn không biết liệu có một khoảnh khắc nào để thoát khỏi chiếc máy bay trước khi xảy ra va chạm không? Tôi đã hy vọng có thể vừa ngăn được chiếc máy bay thứ 4 của cuộc tấn công đồng thời có thể thoát hiểm an toàn. Dù tôi biết điều đó khó có thể xảy ra nhưng tôi đã lấy đó làm hy vọng".
Tuy nhiên, về phía bà Penney, bà lo ngại việc rời khỏi máy bay quá sớm có thể gây thất bại và trượt mục tiêu. Đối với bà, ý nghĩ về sự thất bại của nhiệm vụ này còn kinh khủng hơn cả cái chết.
Kết quả bất ngờ
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần hy sinh, nhưng bà Penney và đồng đội không ngờ rằng những vị khách mắc kẹt trên chuyến bay số hiệu 93 đã liều chết thay mình.
Trên chuyến bay ấy, toàn bộ hành khách đã cùng nhau chống trả lại hai tên khủng bố, chiếm lại quyền kiểm soát máy bay và di chuyển nó xuống một cách đồng vắng vẻ ở Pennsylvania. Toàn bộ phi hành đoàn trên chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines đã hy sinh để hạn chế thương vong cho người Mỹ trong vụ khủng bố 11/9.
Kể lại câu chuyện ấy, nữ phi công cho biết: "Tôi thật sự không phải anh hùng như mọi người vẫn ca ngợi. Những người ở trên chuyến bay đó mới là người hùng thật sự. Những gì tôi làm chỉ là chứng kiến sự kiện lịch sử đó xảy ra".
Sau đó, bà Penney và ông Sasseville đã dành cả ngày để dọn dẹp không phận và giải cứu Tổng thống. Chia sẻ lại khoảnh khắc sống còn trong ngày 11/9, bà cho biết: "Tôi thật sự nghĩ đó là lần cuối cùng tôi được bay trên trời nếu mọi thứ đúng như những gì chúng tôi tính toán".
Minh Hạnh(Theo Seattle Times)