Vì sao nói măng tây là “nữ hoàng bồi bổ sinh lý”
Măng tây chứa một lượng cao axit amin asparagine, chất này có khả năng kháng khuẩn và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu, giúp duy trì sức khỏe của hệ tiết niệu.
Ngoài ra, măng tây còn được cho là tốt cho sức khỏe sinh lý, nhất là với phái mạnh. Do loại rau này nhiều kali, vitamin B6 và folate có tác dụng tăng sinh nội tiết tố nam testosterone và gia tăng khoái cảm, giúp đời sống vợ chồng thêm thăng hoa. Ngoài ra, ăn nhiều măng tây giúp tăng hàm lượng histamine trong cơ thể, đây là chất có vai trò quan trọng trong việc duy trì ham muốn tình dục ở phái mạnh.
Các công dụng khác của măng tây
Tốt cho tim mạch
Măng tây có chứa nhiều kali. Việc bổ sung kali có thể giúp giảm huyết áp vì nó làm giãn thành động mạch giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng bài tiết natri từ thận. Ngoài ra, măng tây còn chứa vitamin A và vitamin C, các chất chống oxy hóa mạnh, giúp loại bỏ các gốc tự do lưu thông trong máu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề gây tổn thương hệ tuần hoàn, bao gồm xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch.
Giúp giảm nguy cơ mắc ung thư
Hoạt chất glutathione trong măng tây là một chất chống oxy hóa, có khả năng giải độc. Theo viện Ung Thư Quốc Gia Mỹ, măng tây cung cấp hàm lượng glutathione dồi dào, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do gây bệnh ung thư trong cơ thể. Bên cạnh đó, măng tây cũng rất giàu vitamin B và folate. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, vitamin B6 kết hợp với folate và methionine có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi.
Chưa kể, loại rau này giàu vitamin C, E và protein tăng cường khả năng kháng khuẩn, ngăn chặn những tác hại của gốc tự do đến tế bào, giúp miễn dịch khỏe hơn để chống lại ung thư.
Tốt cho đường ruột
Như đã nói, măng tây rất giàu chất xơ - một trong những thành phần quan trọng với hệ tiêu hóa, nhất là đường ruột. Mỗi 100g măng tây chứa 2.1g chất xơ, đáp ứng 7% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Quan trọng hơn, chất xơ trong loại rau này là chất xơ không hòa tan giúp nhu động ruột hoạt động trơn tru và đều đặn.
Nó cũng chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan có thể hòa tan trong nước và tạo thành một chất giống như gel trong đường tiêu hóa. Chất xơ hòa tan cung cấp thức ăn cho các vi khuẩn thân thiện trong ruột, chẳng hạn như Bifidobacteria và Lactobacillus. Việc tăng số lượng những lợi khuẩn trong đường ruột sẽ góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch và quá trình sản xuất các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B12 và K2.
Bảo vệ mắt
Một lợi ích khác của măng tây mà ít người biết là bảo vệ mắt, tốt cho thị lực. Đó là nhờ măng tây chứa các chất chống oxy hóa và đặc biệt là vitamin A. Bên cạnh đó, axit amin glutathione có trong măng tây cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể và quáng gà.
Tốt cho xương khớp
Măng tây có chứa phốt pho, sắt, vitamin K và canxi rất tốt cho xương khớp. Theo một đánh giá năm 2018 của tạp chí Nutrients, vitamin K có thể giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương. Ngoài ra, sắt, phốt pho, kali, kẽm và magie trong măng tây là những khoáng chất giúp cho xương chắc khỏe.
Cải thiện tâm trạng
Nhờ chứa nhiều folate và vitamin B12, nên ăn măng tây có khả năng cải thiện các tình trạng trầm cảm và căng thẳng. Măng tây cũng chứa hàm lượng tryptophan cao, một loại axit amin có liên quan tương tự đến việc cải thiện tâm trạng, tốt cho não bộ.
Món ngon với măng tây
Khi chế biến nên rửa thật sạch, kỹ lưỡng. Nên chẻ măng ra để nấu sẽ thấm gia vị nhiều hơn. Cách khác là: măng tây non rất giòn, có thể bẻ cong cọng măng để lấy phần non. Phần còn lại, có thể thêm chút đường phèn nấu nước uống, có tác dụng lợi tiểu và giải độc gan rất tốt. Nếu không thể nấu ngay, có thể phơi khô măng tây để dành.
Súp măng tây, bắp non: Măng tây thái và rửa sạch, ngô non thái miếng vừa ăn. Cho măng tây, ngô, thịt cua vào cùng, đảo nhanh tay, đổ nước dùng, gia vị vào và đun sôi. Trứng đập đổ từ từ vào nồi và khuấy nhanh cho tan đều, đổ nhẹ nhàng hỗn hợp tinh bột ngô hòa tan với ít nước vào nồi và khuấy đều. Đun sôi cho đến khi món ăn hơi sánh là được. Ăn nóng.
Măng tây xào ngô nấm: Măng tây, hạt ngô làm sạch, nấm đông cô rửa sạch, ngâm nước. Cho măng tây và nấm vào chần qua nước sôi. Băm tỏi nhỏ, phi thơm tỏi, cho ngô hạt vào chảo xào với dầu hào cho đến khi ngô gần chín thì cho nấm đông cô vào xào cùng. Sau đó cho măng tây vào xào nhanh là được. Ăn nóng.
Tôm xào măng tây: Măng tây rửa sạch, cắt khúc dài 6-7cm, chẻ đôi. Cải thảo cắt miếng dài 6-7cm. Cà rốt cắt xéo, sau đó cắt thành miếng dài 6-7cm. Tỏi xắt lát mỏng. Cho tỏi vào phi thơm rồi thêm tôm vào xào nhanh tay đến khi tôm chín thì xúc ra đĩa, để riêng. Cho cà rốt vào xào, thêm ít nước cho cà rốt mềm và không bị cháy chảo. Sau đó trút măng tây vào xào sơ. Cuối cùng cho cải thảo và tôm vào xào nhanh tay là được.