Ngày cưới đã định, nhưng dịch COVID-19 bùng phát và vì lời kêu gọi cho tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân đã hoãn cưới để xung phong vào điểm nóng.
“Chuyện cá nhân gác lại sau cũng được”
Năm Canh Tý 2020 là năm vô cùng đáng nhớ đối với bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân - Khoa Phục hồi chức năng - bệnh viện Phổi Quảng Ninh vì chị đã 3 lần hoãn cưới để lao vào điểm nóng chống dịch.
Ôn lại chuyện năm cũ, bác sĩ Ngân nhớ lại, những ngày đầu năm Canh Tý đã có kế hoạch tổ chức đám cưới cùng chồng đang công tác tại bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh. Tuy nhiên dịch bệnh bất ngờ bùng phát, không một chút ngần ngại chị đã ngay lập tức tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Quảng Ninh.
“Đợt dịch đầu tiên, tôi vào viện từ giữa tháng 2/2020, lúc đấy cũng không xác định thời điểm nào sẽ trở về nhà, chỉ nghĩ là cùng các đồng nghiệp đồng hành chống dịch đến khi nào các bệnh nhân khỏi bệnh mới chịu rút quân và khi tôi hết thời gian cách ly thì đã là tháng 5/2020”, bác sĩ Ngân nhớ lại.
Sau khi đợt dịch đầu tiên đã được kiểm soát, còn chưa kịp lo toan chuyện cưới xin, đợt dịch mới tại Hải Dương lại bùng phát vào hồi tháng 8/2020, nữ bác sĩ tiếp tục tham gia công tác chống dịch, tuy nhiên lần này chị không phải cách ly. Thế nhưng, chồng chưa cưới của chị quê ở Hải Dương và vì ổ dịch “Thế giới bò tươi” nên vợ chồng chị không thể tổ chức đám cưới.
Tưởng chừng như đám cưới đã 2 lần lỡ dở sẽ được tổ chức êm đẹp, thì một lần nữa dịch bệnh lại ập tới đầu năm nay, tâm dịch lần này ở Quảng Ninh và Hải Dương, bệnh viện Phổi Quảng Ninh – nơi chị công tác trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Bác sĩ Ngân chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Phổi Quảng Ninh. |
Gác lại những nỗi niềm riêng, chị và chồng sắp cưới lại cùng nhau tham gia công tác chống dịch, người vòng trong, người vòng ngoài.
“Đám cưới lại thêm một lần trì hoãn, vẫn chưa biết khi nào mới có thể tổ chức được. Nhưng vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vì vậy câu chuyện cá nhân của bản thân có thể gác lại sau cũng được. Chỉ mong sao góp chút sức lực nhỏ bé cùng Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi được đại dịch”, nữ bác sĩ tâm sự.
Trò chuyện cùng chúng tôi trong ngày đầu năm mới, với tinh thần lạc quan, bác sĩ Ngân nói: “Trước đây mỗi người một khoa, cứ đi làm rồi về không có thời gian trò chuyện với nhau. Lần này cùng nhau điều trị bệnh nhân COVID-19 rồi cùng ăn ở ngay trong viện, mọi người có dịp để trò chuyện và hiểu nhau hơn. Ban Giám đốc bệnh viện còn tổ chức chuyến xe cứu thương đặc biệt ngày 30 Tết chở khoảng 30 cán bộ y bác sĩ chỉ ngồi trên xe đi một vòng thành phố ngắm không khí Tết rồi quay về viện”.
Với bác sĩ Ngân, đây sẽ là một cái Tết rất đặc biệt, không thể nào có lần thứ 2 trong sự nghiệp khoác áo blouse trắng.
Lá thư tay gửi “chiến binh” áo trắng
Là ba bệnh nhân đầu tiên được công bố khỏi bệnh tại Hải Dương vào ngày 6/2 là BN1664, BN1665, BN1669, họ không thể không cảm phục trước sự vất vả của các bác sĩ trong “trận chiến” lần này. Sau khi rời khỏi bệnh viện, bệnh nhân H.T.H. (sinh năm 1974, TP. Chí Linh, Hải Dương) đã gửi tới các y bác sĩ một bức thư tay.
Bệnh nhân này chia sẻ phần mở đầu của bức thư tay: “Thời gian điều trị tại bệnh viện chúng tôi được các y bác sĩ chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Giờ khỏi bệnh rồi, tôi muốn gửi vài dòng tâm sự đến họ để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Đây cũng như là một món quà năm mới tri ân đến những người mà chúng tôi biết ơn”.
Đây là lần đầu tiên trong đời chị H. viết thư tay. Trong lá thư chị viết có đoạn: “Điều may mắn và hạnh phúc nhất đối với bản thân tôi là được cách ly tại bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Trong thời gian cách ly và điều trị, tôi và các bạn có kết quả dương tính với Covid-19 nhưng tôi được các bác sĩ, các bạn điều dưỡng, sinh viên tận tình chăm sóc...”.
Nét chữ còn chưa được nắn nót, ngữ pháp còn chưa được chuẩn xác, nhưng sự chân thành là điều có thể thấy qua lá thư chị viết. Cũng là 1 trong 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, anh D.M.T. lại có những lời tâm sự giản dị: “Tôi cảm thấy các bác sĩ như người thân trong gia đình vậy. Họ luôn che chở, lo lắng cho tôi, giúp tôi lấy lại tinh thần để chiến đấu chống lại dịch bệnh”.
Tương tự, bệnh nhân N.T.D. cũng đã bày tỏ những tình cảm chân thành đến các y bác sĩ đồng thời gửi lời cảm ơn: “Tôi không biết nói gì hơn, cảm ơn Đảng và Nhà nước, bộ Y tế Việt Nam, sở Y tế Hải Dương, các y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai... Chúc cho các chiến sĩ áo trắng luôn có sức khỏe giúp nhân dân cũng như các bệnh nhân nhiễm virus SAR- CoV-2 khỏi bệnh để trở về với gia đình. Chúc các bác sĩ một năm mới Sức khỏe - An khang - Thịnh vượng”.
Những lá thư chính là món quà tinh thần, sự ghi nhận của bệnh nhân trước sự hy sinh, cống hiến của hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên y dược trong cuộc chiến không cân sức với Covid-19.
“Không ngăn sông cấm chợ” "Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, ở những địa bàn chưa có ca nào dương tính với COVID-19 càng không chủ quan, lơ là. Cần tiếp tục tuyên truyền tới người dân về nguyên tắc phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của bộ Y tế, kiểm soát chặt tại các khu công nghiệp khi công nhân trở lại làm việc trên tinh thần không ngăn sông cấm chợ nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch" - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu". |
Nhóm PV Y tế
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (29)