Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) mới đây đã thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) theo quyết định ngày 7/10/2022.
Cụ thể, HoSE cho biết sẽ giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG với lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2023 của công ty là -2.959 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023.
Cũng tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên năm 2023, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh lưu ý đến khoản lỗ luỹ kế 2.959 tỷ đồng của HAGL tại ngày 30/6/2023, đồng thời tại ngày này công ty cũng ghi nhận khoản nợ ngắn hạn đang vượt tài sản ngắn hạn 2.004 tỷ đồng. Ngoài ra, HAGL cũng chưa thanh toán các khoản nợ gốc vay và lãi trái phiếu đến hạn. Điều này khiến Ernst & Young thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Cụ thể, theo báo cáo soát xét, dư nợ của HAGL tính đến ngày 30/6/2023 là 15.690 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay ghi nhận 8.085 tỷ đồng, gồm 4.115 tỷ đồng vay ngắn hạn và 3.970 tỷ đồng dài hạn.
Đi sâu vào cơ cấu nợ của HAGL, công ty hiện đang có dư nợ 1.225 tỷ đồng vay ngắn hạn tại 3 ngân hàng là Sacombank, TPBank và BIDV; 1.175 tỷ đồng vay dài hạn tại 4 ngân hàng là Eximbank, LaoVietBank, TPBank và Sacombank.
Tuy nhiên, tại cuối tháng 6/2023, HAGL vẫn chưa thanh toán khoản vay đến hạn với tổng giá trị 279 tỷ đồng theo lịch cam kết với Eximbank, khoản vay 116 tỷ đồng với Ngân hàng Lào - Việt và khoản vay 9,5 tỷ với Sacombank Lào.
Bên cạnh đó, HAGL cũng đang sở hữu khoản nợ trái phiếu với trị giá 5.544 tỷ đồng, trong đó, 1.960 tỷ đồng là số tiền công ty đến hạn trả trong vòng 1 năm. Khoản vay trái phiếu này nhằm bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của công ty.
Tại phần thuyết minh, doanh nghiệp của bầu Đức cho biết chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn tại ngày 30/6/2023 với tổng giá trị 2.656 tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề này, HAGL cho biết tại ngày lập báo cáo soát xét, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Chuối và sầu riêng của HAGL vẫn xuất khẩu bình thường sau thông tin nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị “tuýt còi”
Trước diễn biến bất thường của thị trường nông sản cụ thể là hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long... chuẩn bị xuất sang Trung Quốc bất ngờ bị dừng lại với lý do nhận được công văn từ cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng xuất khẩu vì vi phạm quy định bảo vệ thực vật.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề trên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, việc xuất khẩu của công ty vẫn đang tiến hành bình thường. Hầu hết diện tích trồng trái cây của HAGL đã được cấp mã vùng trồng, là tiêu chí quan trọng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thông thường, những bất trắc xảy ra khi xuất khẩu sang quốc gia láng giềng là do mã vùng trồng vị này nhận định.
Trước đó, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai tổ chức Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư lần 2 năm 2023 tại khách sạn Rex (Tp.HCM) với sự tham dự của hơn 100 quý cổ đông và nhà đầu tư. Tại hội nghị, ban lãnh đạo công ty đã chia sẻ, trao đổi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, cập nhật tình hình triển khai dự án và chiến lược phát triển công ty trong thời gian tới. Theo Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức, HAGL xác định 3 mảng kinh doanh chính là: trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo ăn chuối.
Theo tìm hiểu, hiện nay Hoàng Anh Gia Lai là một trong những đơn vị có vùng nuôi trồng rất lớn với gần 1000 ha sầu riêng và khoảng 7000 ha chuối. Sản lượng nông sản của Hoàng Anh Gia Lai hầu hết được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua cảng Sài Gòn.