Nồng độ cồn trong máu thể hiện lượng chất cồn chúng ta nạp vào cơ thể, sẽ được thể hiện qua hơi thở và lượng cồn lưu trong máu. Nồng độ cồn trong máu (BAC – Blood Alcohol Content) hay còn được xem là chỉ số được dùng để đo lường lượng rượu trong máu. Chẳng hạn, kết quả BAC 0,08% hay 0,80 mg/ml, nghĩa là có 0,08 gram rượu trong 100 ml máu.
Việc xác định chính xác lượng cồn trong máu có thể hỗ trợ rất nhiều cho công tác kiểm soát người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, từ đó có mức phạt vi phạm tương đương để nhằm đảm bảo an toàn.
Xác định mức độ nồng độ cồn trong máu cao hay thấp
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, lượng cồn trong máu sẽ tác động tương ứng với hành vi và tâm lý của con người như:
Nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml: Được xem là không có cồn theo quyết định của Bộ Y tế. Ngay cả khi không tiêu thụ rượu, bia hoặc các nước uống có cồn khác, cơ thể vẫn sinh ra một lượng cồn nhỏ gọi là cồn sinh học (từ việc ăn uống hàng ngày).
Nồng độ cồn trong máu dưới 70 mg/ml: Nồng độ cồn trong máu vừa đủ, khiến cơ thể đi vào trạng thái hưng phấn nhẹ.
Nồng độ cồn trong máu 80 - 120 mg/ml: Sự thay đổi cảm xúc (chẳng hạn bỗng nhiên vui, buồn, giận dữ…) có thể xuất hiện ở một số cá nhân. Đối với người điều khiển phương tiện, ở mức này đã có giảm năng lực lái xe, mất tập trung, hành vi thiên về cảm tính.
Nồng độ cồn trong máu 130 – 150 mg/ml: Cơ thể bắt đầu không thể đứng vững, gặp khó khăn khi nói chuyện, không thể tập trung, nhìn thẳng vào đối phương..
Nồng độ cồn trong máu 160 – 200 mg/ml: Ở mức độ này, thị lực và thính giác bị suy giảm nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện gần như đã không còn năng lực xử lý tình huống trong trường hợp khẩn cấp
Nồng độ cồn trong máu 210 – 300 mg/ml: Xuất hiện cảm thấy buồn nôn (triệu chứng ngộ độc rượu/cồn)
Nồng độ cồn trong máu 310 – 400 mg/ml: Ngộ độc rượu nặng, người uống có thể mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, thân nhiệt giảm sâu.
Nồng độ cồn trong máu 410 – 500 mg/ml: Mức độ đặc biệt nguy hiểm khi có thể dẫn đến hôn mê, suy giảm chức năng hô hấp, huyết áp tụt, hạ thân nhiệt, tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Nồng độ cồn ở mức bao nhiêu thì bị xử phạt cao nhất?
Thời gian qua lực lượng chức năng đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề vi phạm nồng độ cồn khi điều hiển phương tiện tham gia giao thông, ngăn chặn được nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, trước bối cảnh đó, Quốc hội đã quyết định quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tại khoản 5 Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đã quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng Ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu. Tại điểm IV "nhận định kết quả" có ghi:
- Trị số bình thường: < 10,9 mmol/l (tương đương 50 mg/100 ml).
- Ethanol từ 10,9 – 21,7 mmol/l: Biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; từ 21,7 mmol/l: Biểu hiện ức chế thần kinh trung ương; từ 86,8 mmol/l: Có thể gây nguy hại cho tính mạng.
Về mặt chuyên môn y tế, đây là sự phân loại các ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng.
Mức <10,9 mmol/l là biểu thị kết quả có nồng độ cồn trong máu nhưng ở mức nhỏ hơn 10,9 mmol/l (tương đương 50 ml/100 ml máu), không đồng nghĩa với cách hiểu "cho phép trong máu có cồn dưới 0.5023 mg/ml máu" hay "coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể".
Do đó, theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trường hợp lái xe có trị số nồng độ cồn trong máu <10,9 mmol/l là có nồng độ cồn trong máu và áp dụng theo quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2012/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.
Trường hợp tài xế điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì tất cả đều bị xử phạt nghiêm.
B.A