(ĐSPL) - Nhiều hộ nông dân vùng chè Đà Lạt đang lâm vào cảnh mất ăn mất ngủ vì hầu như tất cả các đơn vị chế biến trà ô long đứng chân trên địa bàn TP Đà Lạt đã tạm ngưng việc thu mua trà nguyên liệu trong dân.
Trong khi đó, hàng trăm hecta chè ô long đang bước vào kỳ thu hoạch cũng chỉ được thu hoạch cầm chừng vì chè hái xuống... không biết đổ đi đâu.
Nguyên liệu chè ô long Cầu Đất phục vụ chủ yếu cho các nhà máy sản xuất trà cao cấp đứng chân trên địa bàn của các đơn vị nước ngoài và trong nước như Công ty TNHH Hà Linh, Công ty TNHH Fusheng, Công ty TNHH HaiYih, Công ty cổ phần chè Cầu Đất...
Tuy diện tích và sản lượng không lớn so với cả tỉnh nhưng vùng trà Cầu Đất có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là vùng nguyên liệu chè cao cấp tập trung của tỉnh để chế biến trà ô long xuất khẩu với các giống chè nhập ngoại như ô long, kim xuyên, thanh tâm, tứ quý, thúy ngọc... (tổng diện tích cây chè của Đà Lạt chỉ 500ha so với 24.000ha chè của cả tỉnh Lâm Đồng).
Hơn thế, sản phẩm trà ô long Cầu Đất - Đà Lạt được đánh giá là có chất lượng cao nhất VN, còn hơn cả sản phẩm trà ô long của một vài vùng của một số nước truyền thống về trà ô long ở châu Á.
Mới đây nhất, Công ty TNHH Fusheng ra thông báo: “Hiện nay, ngành trà đang gặp nhiều khó khăn. Trước nhưng khó khăn đó, mặc dù Công ty đã rất cố gắng để duy trì thị trường, duy trì đầu ra cho trà thành phẩm nhưng Công ty lực bất tòng tâm.
Vì vậy, Công ty quyết định thu hẹp quy mô sản xuất... Vì thế, Công ty xin chính thức thông báo: Bắt đầu từ tháng 1/2016, Công ty ngưng thu mua trà tươi từ các hộ nông dân.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ phát triển sang lĩnh vực trồng và chăm sóc lan vũ nữ...”.
Vùng chè Cầu Đất (Xuân Trường, Đà Lạt, Lâm Đồng) - vùng trà ô long số một của VN. |
Còn với Công ty cổ phần chè Cầu Đất trong suốt vài tháng qua đã gần như đóng cửa đầu vào nguyên liệu vì đang “thay ngôi đổi chủ” và đang nâng cấp hệ thống dây chuyền chế biến.
Riêng với HaiYih, việc thu mua nguyên liệu chè ô long trong dân cũng không vượt quá giới hạn “liên kết” (chỉ vài chục hecta) bởi quy mô chế biến của đơn vị này không lớn.
Trong khi đó, trên 40 hộ ký hợp đồng cung cấp chè ô long nguyên liệu cho Công ty TNHH Hà Linh tại các xã Trạm Hành, Xuân Trường (Đà Lạt) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do việc giám đốc công ty này, bà Hà Thúy Linh bất ngờ qua đời tại Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Công ty cũng chỉ hoạt động cầm chừng để chờ lo tang lễ xong cho bà Hà Thúy Linh mới tổ chức sản xuất ổn định trở lại.
Ông Lâm Quang Khôi, Quản lý xưởng sản xuất Công ty TNHH Hà Linh cho biết, số tiền đang nợ các hộ dân công ty cam kết sẽ trả đầy đủ. Công ty vẫn có các đơn đặt hàng, chờ khi lo xong tang lễ cho bà Hà Thúy Linh, công ty sẽ hoạt động lại bình thường và cam kết thu mua hết trà cho người dân.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng, UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với công ty này tiếp tục duy trì mọi hoạt động. Các bên đã thống nhất cử ông Trương Quang Quý, người được bà Hà Thúy Linh thuê tư vấn pháp lý trước đó tạm thời điều hành mọi hoạt động của công ty.
Trước đó, vào giữa năm 2015, phía Đài Loan đã trả lại nhiều công ty trà ở Lâm Đồng khoảng 80 tấn trà thành phẩm. Nhà chức trách sở tại đưa ra nguyên nhân số trà này có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép. Tương tự, từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 2.000 tấn trà khác của các doanh nghiệp tại Lâm Đồng đang tồn kho, không thể xuất đi Đài Loan được. Lượng trà bị trả lại và tồn kho tập trung chủ yếu tại 6 doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến trà tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Sản lượng trà đen xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh. Sản phẩm trà xuất đi nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan) bị kiểm tra khắt khe hơn trước đây. Đến giữa tháng 7, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thông báo, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), nơi tiêu thụ tới 95\% sản lượng chè olong của Lâm Đồng, vừa có thông báo 100\% mẫu loại chè ô long xuất vào Đài Loan đến thời điểm này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, để khắc phục dứt điểm tình trạng trên, Sở đã cập nhật danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng trên trà, bổ sung và thực hiện mô hình khảo nghiệm các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật có tiềm năng tốt nhằm thay thế thuốc Fipronil để khuyến cáo cho nông dân sử dụng. Tổ chức và triển khai cho nông dân cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Fipronil trên cây trà.
Ngọc Anh(Tổng hợp)