(ĐSPL) - Ngày giáp Tết, đang bận túi bụi, một người bà con của Phó tôi quê Hà Tĩnh vừa gọi điện khoe: Chú đừng tưởng chỉ có cán bộ các chú, ông này bà nọ mới được nhận phong bì nhé. Nông dân quê tôi chừ cũng oách rồi, cán bộ báo đi họp, họp xong, bà con cũng được nhận phong bì, có tiền hẳn hoi.
Hỏi ra mới biết, nhằm khuyến khích người dân dự họp lấy ý kiến về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị xã mới, vừa qua, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chi hơn 2,5 tỉ đồng “hỗ trợ” cho gần 53 ngàn hộ dân địa phương. Biết đi họp có phong bì nên người dân rất phấn khởi, suốt 3 ngày liền bà con có mặt đông đủ, ngồi chật cả hội trường, nhiệt tình góp ý. Đó là việc có lẽ lần đầu tiên, người dân chân lấm tay bùn đi họp có phong bì nên Phó tôi có cảm xúc thật lạ.
Được biết, số này dùng để hỗ trợ cho dân, gọi là tiền chi để bà con uống nước, được trích trong khoản kinh phí phục vụ cho điều chỉnh địa giới hành chính mà tỉnh đã duyệt, số tiền chừng 20 tỉ đồng. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã thông qua thường vụ huyện, sau khi triển khai xong sẽ trình xin tỉnh.
Lý do thật đơn giản, các buổi họp đa số tổ chức ban ngày, người dân phải bỏ việc đồng áng, chợ búa, thậm chí có hộ còn nghỉ cả kinh doanh, đóng cửa hàng đến dự, nên việc hỗ trợ bà con là hợp lý, nên làm. Theo Phó tôi, nếu lấy tiêu chí cái gì có lợi cho dân thì đây là sáng kiến đáng hoan nghênh và là một tin mừng, nếu việc này không sai nguyên tắc tài chính!
Phó tôi rất mừng, nhiều người biết chuyện cũng mừng vì từ xưa đến nay, hai chữ “phong bì” chỉ dành cho cán bộ đi hội họp, hội thảo, dự án mà người ta thường gọi chệch đi là “tài liệu”. Vậy mà giờ đây, tại vùng quê nghèo, trước khi quyết định vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, lãnh đạo địa phương mời dân đến xin ý kiến, người nông dân còn được nhận phong bì! Lần đầu tiên được thưởng thức cái gọi là hương vị phong bì trong đời, người bà con của Phó tôi vừa kể vừa sụt sùi vì sướng, vì bất ngờ.
Suy cho cùng, tiền cũng là của dân, từ dân mà ra. Vấn đề là giờ đây không chỉ “đầy tớ” được nhận bổng lộc. Số tiền hỗ trợ nông dân Kỳ Anh, cá nhân bà con nhận được không nhiều, nhưng cái lớn hơn là nó mang lại niềm vui, nông dân tự hào vì thấy mình được tôn trọng, bình đẳng…