+Aa-
    Zalo

    Nội tạng làm phân bón thành... món khoái khẩu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lục phủ ngũ tạng của gia súc gia cầm ở một số nước được đưa vào diện cần tiêu hủy, hay làm phân bón cho thực vật, nhưng lại được nhập lậu về nước ta.

    (ĐSPL) - Lục phủ ngũ tạng của gia súc gia cầm ở một số nước được đưa vào diện cần tiêu hủy, hay làm phân bón cho thực vật, nhưng lại được nhập lậu về nước ta. Tuy nhiên, khi lô hàng này sắp được xuất kho, thì đã bị đoàn kiểm tra liên ngành thú y huyện Hóc Môn (TP.HCM) phát hiện...

    11 tấn thịt, nội tạng thối đầu độc người dân

    Ngày 1/4, đại diện phòng Thanh tra chuyên ngành của chi cục Thú y TP. HCM cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các ban ngành chức năng huyện Hóc Môn kiểm tra và phát hiện hai kho lạnh (tại địa chỉ 1/95, tổ 64, ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM), chứa hơn 11 tấn thịt trâu đông lạnh, xương bò đông lạnh nhập khẩu và nhiều phụ phẩm ngũ tạng khác như: tim, gan, phổi không rõ nguồn gốc, trong đó có gần 6,7 tấn thịt trâu, bò nhập lậu.

    thuc-pham-lau-dem-tieu-huy

    Hơn 11 tấn thực phẩm ngoại lậu đã bị tịch thu tiêu hủy (Ảnh do chi cục thú y TP.HCM cung cấp).

    Qua kiểm kê lượng hàng thực tế tại kho ghi nhận, tổng khối lượng tang vật vi phạm là 11.081kg, trong đó có 3.118kg chân trâu bò, 83kg gân trâu bò, 300kg gan trâu bò, 600kg phổi trâu bò , 372 thùng thịt trâu nhập khẩu  với 6.696kg và 284kg xương bò đông lạnh nhập khẩu. Bên cạnh đó, còn có da, gân bò trâu và nhiều loại khác, nhưng đều bốc mùi nồng nặc. Theo chân đoàn kiểm tra, PV ghi nhận hai kho lạnh chứa hàng thực phẩm này, và  khu vực xung quanh đều rất dơ bẩn. Bản thân chân bò còn nguyên lông đựng trong các bao tải. Việc sơ chế các loại phụ phẩm trâu bò được thực hiện ngay sau nhà.

    Đại diện chi cục Thú y TP.HCM cho hay, theo quy định thịt nhập khẩu phải còn hạn sử dụng trên 2/3 thời gian thì mới được cấp phép. Quá trình thịt nhập lưu thông trên thị trường phải được quản lý chặt chẽ của thú y địa phương và lực lượng quản lý thị trường, hàng khi xuất bán phải có giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm. Tuy nhiên, đối với trường hợp này là nhập lậu 100\% nên không có bất kỳ một giấy tờ nào. Chính vì thế, sau khi lô hàng được kiểm tra phát hiện sai phạm đã bàn giao cho Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hóc Môn kiểm tra và lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Theo tìm hiểu của PV, một số doanh nghiệp sau khi nhập được số thịt ngoại lậu với giá rẻ sẽ đem về tìm các cơ sở sơ chế nhỏ lẻ để “tút” lại toàn bộ, “hô biến” chúng thành những thực phẩm tươi ngon. Sau đó, số thực phẩm ấy được phân phối đến các khu chợ, nhà hàng, quán xá để người dân tiêu thụ. Trao đổi với PV, bà Tuyết (chủ một quán nhậu trên đường Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay: “Đa phần các mồi nhậu từ cánh, chân gà cho đến da heo, trâu bò, lòng heo... trên bàn nhậu, đều được chúng tôi lấy từ các doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh”.

    Theo bà Tuyết, giá bán của các thực phẩm mà bà này nhập vào khá rẻ như chân gà chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg, nội tạng trâu bò cao lắm thì cũng chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg nên khi bán tới thực khách giá cũng bình dân. Khách hàng cứ thấy mồi nhậu rẻ, ngon là thích, chẳng ai quan tâm gì đến xuất xứ, nguồn gốc. Hiện nay, một số nhà hàng, quán ăn thậm chí cả trường học cũng vì ham rẻ, vì lợi nhuận, thiếu hiểu biết mà mua phải thực phẩm kém chất lượng, mang mầm bệnh này. 

    Phụ phẩm thức ăn chăn nuôi... bán cho người?

    Sáng 1/4, hơn 11 tấn thịt ngoại lậu đã được chuyển đi, dọn sạch, nhưng mùi hôi thối vẫn bốc nồng nặc. Khi PV hỏi đến cơ sở chế biến thịt này, thì người dân quanh đây ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, bởi sự việc này người dân đã phản ánh từ lâu. Chủ của cơ sở này chính là ông Nguyễn Văn Hoàng, đến đây thuê lại mảnh đất của ông Nguyễn Quang Thuật đã được vài ba tháng nay, để thực hiện việc sơ chế thực phẩm của một số doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, toàn bộ số thực phẩm ngoại không rõ nguồn gốc này vốn không phải của ông Hoàng. Thực ra ông Hoàng nhận hợp đồng sơ chế cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận 12 (TP.HCM). Hằng ngày, ông Hoàng nhận hàng chục tấn thịt  đem vào sơ chế. Sau đó, số thịt này sẽ được trả lại cho doanh nghiệp để mang đi chế biến sử dụng.

    “Đây là nơi chế biến, chứa các thực phẩm đó chứ không phải là nơi ở của ông Hoàng, nên mùi hôi thối, ô nhiễm người dân phải chấp nhận. Cứ sau mỗi đợt, ông Hoàng lại nhập kho hàng chục tấn thịt các loại để chế biến, nên lâu dần, nơi này đã trở nên rất nặng mùi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Người dân ở đây vẫn thường gửi ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa có sự giải quyết thỏa đáng”...


    Hôm trạm thú y của huyện xuống kiểm tra cơ sở chế biến của ông Hoàng, nhiều người dân cùng chứng kiến. Toàn bộ số thịt không biết như thế nào, từ đâu tới đều đang trong quá trình phân huỷ, bốc mùi nồng nặc.

    Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Văn Bình (Giám đốc trung tâm Thú y vùng VI) cho biết, đa phần, các lô hàng nhập từ nước ngoài đều đã quá hạn sử dụng. Những đợt trước, cơ quan này cũng đã bắt được nhiều vụ nhập lậu thịt bò từ các nước như Úc, Mỹ... sau khi kiểm tra, biết được số lượng thịt đó không đảm bảo chất lượng. Những lô hàng như thế đã bị cơ quan chức năng đem đến tiêu hủy tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM). “Đến nay tình trạng nhập lậu thịt ngoại của một số doanh nghiệp ngày càng tăng. Doanh nghiệp nhập khẩu thịt dưới danh nghĩa nhập về làm thức ăn chăn nuôi, phân bón nhưng sau đó lại chuyển đến các khu dân cư sơ chế để rồi bán ra thị trường nội địa làm thức ăn cho người dân”, ông Bình nói.

    Ông Bình cũng cho biết thêm, ở các nước châu Âu và châu Mỹ, các loại phụ phẩm gia súc và gia cầm đều bị buộc phải tiêu hủy hoặc làm phân bón. Nhiều siêu thị nước ngoài để cả phụ phẩm gia súc, gia cầm tại cửa siêu thị mong người dân lấy đi để không tốn tiền tiêu hủy. Nhưng Việt Nam lại ăn hàng thải loại của họ. Mỗi năm, các cảng ở TP.HCM tiếp nhận khoảng 100 nghìn tấn thịt đông lạnh nhập khẩu và gần 70 nghìn tấn phụ phẩm gia súc, gia cầm . Sau khi thông quan, một số đơn vị nhập khẩu trà trộn thịt và phụ phẩm bẩn vào hàng đã kiểm dịch ở kho lạnh để qua mặt cơ quan thú y nhằm đưa ra thị trường tiêu thụ.

    Người dân có thể khởi kiện?

    Luật sư Nông Minh Đức (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, đối với việc các cơ sở nhập các loại thịt thối như vậy sẽ bị tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm. Ngoài ra, chủ cơ sở sẽ bị phạt hành chính cũng như đình chỉ hoạt động. Trong trường hợp số thịt đó đã được bán ra thị trường, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì các cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng,... Ngoài ra, có thể khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình được quy định tại khoản 7, điều 8 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Nguy cơ ngộ độc cho người dân

    Bác sỹ Nguyễn Thị Mai (thuộc chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM) cho biết các loại thịt động vật không đạt chuẩn thường bị nhiễm các loại vi khuẩn như: E.coli hay Campylobacter jejun. Đây là hai loại vi khuẩn thường có nhiều ở ruột và nội tạng của động vật. Khi ăn phải các loại thực phẩm có chứa vi khuẩn này rất dễ xảy ra ngộ độc với biểu hiện tiêu chảy, nôn và làm hư thận. Ngoài ra, các thực phẩm này ngoài bị nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc, các loại phụ phẩm gia súc, gia cầm bẩn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ thường bị ngâm tẩm hóa chất, các phụ gia độc hại nên khi ăn phải các loại thực phẩm này rất nguy hiểm đến sức khỏe.

    HẠ DU

    Xem thêm clip: Ngộ độc thực phẩm, hơn 130 công nhân Công ty Cy Vina nhập viện

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-tang-lam-phan-bon-thanh-mon-khoai-khau-a89620.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan