Thông tin trên VnExpress, bác sĩ Trần Đức Cảnh ở khoa Nội soi và Thăm dò chức năng - Bệnh viện K Trung Ương cho biết, nội tang bao gồm những cơ quan của động vật mà con người dùng làm thực phẩm chế biến, tiêu thụ.
Phổ biến là nội tạng của bò, lợn, gà, vịt, cừu và dê. Nội tạng trong chế độ ăn mang đến nhiều lợi ích như bổ sung sắt, đem lại cảm giác no lâu hơn và duy trì khối lượng cơ bắp của cơ thể.
Thế nhưng, nội tạng động vật lại chứa nhiều đạm, axit bão hòa và cholesterol. Nếu cơ thể hấp thụ nhiều các chất này thì gây bệnh lý về thành mạch - xơ cứng thành mạch (đặc biệt mạch vành), cao huyết áp.
Vậy nên, theo các khuyến cáo, người lớn chỉ nên ăn nội tạng động vật 2-3 bữa/tuần, tương đương 50-70g/lần. Trẻ em chỉ nên ăn 1-2 bữa/tuần, tương đương 30-50g/lần.
Lưu ý, nếu bị gout thì nên tiết chế vì các loại thịt nội tạng đặc biệt chứa nhiều purin, nếu ăn nhiều thì có nguy cơ tăng axit uric, khiến bệnh nặng. Người cao tuổi, béo phì và có bệnh tim mạch không nên ăn nội tạng động vật.
VTC News dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Văn Tiến ở Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, nội tạng rất dễ bị nhiễm khuẩn nên khi mua về cần chế biến ngay để tránh tình trạng ôi thiu và nhiễm khuẩn.
Mọi người nên dùng chanh, giấm và muối hạt để làm sạch ruột non, dạ dày. Đối với những bộ phận khác như tim, gan và bầu dục, nên cắt bỏ phần hôi, rồi nặn hết máu đọng, đem trần qua nước sôi trước khi sử dụng.
Khi ăn, nên lựa chọn nội tạng còn tươi từ động vật không bị bệnh, tiến hành sơ chế cẩn thận, rửa sạch bằng muối và trần nước sôi trước khi nấu. Cần phải nấu chín kỹ nội tạng, không nên ăn tái.
Ngay cả khi đã nấu chính, nếu không ăn hết thì mọi người nên bỏ số nội tạng thừa đi, không nên sử dụng sau khi đã để qua đêm do rất dễ nhiễm khuẩn trở lại và gây ra ngộ độc.