Dù bị chính cha đẻ xâm hại tình dục nhiều lần, thế nhưng G.T.T. (16 tuổi), trú tại một tỉnh miền núi phía Bắc, lại luôn chìm đắm trong tình trạng mình là người có lỗi vì đã đẩy cha ruột vào con đường tù tội...
Nạn nhân thường tự trách móc bản thân, tâm lý bất ổn (Ảnh minh họa). |
Ám ảnh
Ba năm công tác dưới Ngôi nhà bình yên (thuộc trung tâm Phụ nữ và phát triển, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), chị Nguyễn Thùy An (nhân viên công tác xã hội) đã có lúc muốn bỏ nghề vì nỗi ám ảnh khi tiếp xúc, lắng nghe và giúp các nạn nhân bị bạo hành gia đình, đặc biệt là bị xâm hại tình dục tái hòa nhập cộng đồng. Với người phụ nữ này, tâm lý bất ổn của các nạn nhân là điều khiến chị trăn trở nhất.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất tại trung tâm Phụ nữ và Phát triển, PV tạp chí ĐS&PL đã được chị An chia sẻ về một câu chuyện mà chị trực tiếp hỗ trợ cho nạn nhân bị xâm hại tình dục. Câu chuyện mà chị An kể khiến người nghe như PV thực sự bất an.
Theo lời chia sẻ của chị An, thời gian qua, Ngôi nhà bình yên có tiếp nhận một trường hợp là nạn nhân bị bố đẻ xâm hại tình dục: “Cô bé G.T.T. ở một tỉnh miền núi, lại là người dân tộc thiểu số nên khi cô giáo của em phát hiện ra sự việc, đưa xuống Hà Nội và tố cáo cha đẻ cũng chính là lúc em đã bị bố đẻ xâm hại nhiều lần”.
Lý do mà G.T.T. quyết định tố cáo bố đẻ chính là để bảo vệ hai người em gái, vì các em còn quá nhỏ và T. sợ rằng nếu mình không lên tiếng thì các em sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Chị An chia sẻ: “G.T.T. hát rất hay và vẽ đẹp, những ca khúc mà T. hát thường là hát về mẹ da diết tình cảm và chất chứa nỗi niềm, còn bức tranh mà T. thường vẽ là về một tảng đá. Sau này, T. tâm sự tôi mới biết tảng đá đó là nơi người cha đã thực hiện hành vi đồi bại”.
Khi quyết định tố cáo cha đẻ, chính G.T.T. lại bị người thân là mẹ ruột đổ lỗi, trách móc vì đã khêu gợi để cha nảy sinh dục vọng, đổ lỗi nạn nhân bị bỏ bùa ngải nên đã khiến cho bố đẻ phải đi tù. Điều này đã khiến cho T. rơi vào cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân.
“T. tìm đến trung tâm với mong muốn có cuộc sống bình thường, học tập tốt để chứng minh cho mọi người thấy nạn nhân không hề sai”, chị An cho hay.
Thậm chí, dùng dao lam rạch tay để cảm thấy thoải mái hơn (Ảnh minh hoạ). |
Tâm lý bất ổn
Trong quá trình trực tiếp hỗ trợ trường hợp này, chị An cho biết nạn nhân có tâm lý bất ổn, dè chừng, nghi ngờ, phòng vệ cao. Kể cả với những nhân viên hỗ trợ cho mình, G.T.T. không hề chia sẻ mà thường im lặng.
“G.T.T. luôn luôn nghĩ rằng mình bị gia đình đổ lỗi, xuống Ngôi nhà bình yên chỉ cần những ánh nhìn, ánh mắt của mọi người hay những lời lẽ mọi người trêu đùa nhau thì T. cũng nghĩ rằng các cô không quý mình. T. không chơi với ai mà chỉ ngồi trong phòng vẽ, hát cả ngày, cả đêm, thậm chí có đêm còn lên sân thượng hát rồi thổi sáo. Đến bữa, T. không ăn cơm vì sợ các mùi đồ ăn. Hoặc thậm chí là sợ mùi quần áo, nếu mùi nào khó chịu thì vứt luôn. Lúc ban đầu, ai cũng cảm thấy khó hiểu về điều đấy, nhưng sau quá trình làm việc thì T. có chia sẻ rằng khi ngửi thấy mùi rượu thì lại nghĩ đến cha, ngửi thấy mùi quần áo thì lại nghĩ rằng đấy là mùi của cha mình và bạn ấy rất sợ”, chị An kể lại về tâm lý bất ổn của nạn nhân.
Trong quá trình tiếp xúc với T. tại trung tâm, ban đầu rất vui vẻ, nhưng chỉ một phút sau T. có thể giận các cô chỉ vì mặc cảm cho rằng ai cũng ghét mình.
Ý định của T. sinh hoạt ở Ngôi nhà bình yên là đi học, nhưng sau một thời gian học tập, không theo kịp các bạn thì T. lại so sánh rồi chán học, không chơi với bạn bè. Hay khi được ăn uống đầy đủ tại Ngôi nhà bình yên thì T. lại nghĩ về gia đình và khóc lo cho mẹ, các em ở quê không biết ăn gì.
Chị An cho biết, các nhân viên tại trung tâm đã phải thu điện thoại để T. không liên lạc với gia đình nữa nhưng gia đình vẫn lén gọi điện và theo hướng trách móc, nói cha sắp chết khiến T. cảm thấy có lỗi hơn, tâm trạng trầm trọng hơn.
“T. có hành vi tự hại bản thân, có ý định treo cổ tự tử. Cùng với thời điểm có ý định tự tử, T. trang điểm rất đậm, mặt trắng toát, lông mày đen, môi đỏ, ngày nào cũng ngồi trang điểm như vậy, nhưng là khi không có nhân viên ở đó. Sau đấy, T. lấy được một chiếc dao lam của một người bạn cùng lớp, mỗi lần đi tắm thì T. đã rạch hết cả hai tay mình. T. mặc áo dài tay để che đi, đồng thời chia sẻ rạch tay vì cảm thấy thoải mái, dễ chịu, thấy vui khi nhìn các vết rạch. Chúng tôi đã phải đưa T. đến bệnh viện cấp cứu, điều trị một thời gian dài”, nữ nhân viên xã hội nhớ lại.
Theo lời của chị An, chị không dám khai thác thông tin trực tiếp qua nạn nhân mà qua công an, luật sư, thầy cô, bạn bè vì nạn nhân không sẵn sàng và không chia sẻ được. Về thủ tục pháp lý, nhân viên của trung tâm cũng đã giúp gửi công văn về toà án, cung cấp thông tin về pháp luật để T. hiểu và cảm thấy bớt mặc cảm.
“Liên quan đến vụ việc nêu trên, người cha bị kết án hơn 15 năm tù. Trước đó, chúng tôi phải nhờ luật sư giải thích thì T. mới quyết định theo vụ kiện, nhưng sau đó T. lại chủ động làm đơn xin giảm án để đỡ cảm thấy đau xót hơn”, chị An kể thêm.
Đó là câu chuyện mà chị Thùy An nhớ nhất trong quá trình tham gia hỗ trợ nạn nhân. Với chị An, mỗi một nạn nhân bị xâm hại tình dục khi tìm đến Ngôi nhà bình yên là chị cũng như các nhân viên tư vấn khác lại nỗ lực để các nạn nhân thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Khó khăn khi khai thác thông tin nạn nhân “Những nạn nhân bị xâm hại tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, từ 12-14 tuổi khi đến trung tâm đều trong trạng thái rất hoảng sợ, không tin tưởng vào ai, tự kỷ, có ý định tự tử, tự đổ lỗi cho bản thân, hay có những nạn nhân không chịu nói gì cả, chỉ ngồi một góc, không tiếp xúc với ai. Việc khai thác thông tin của các nạn nhân, đặc biệt là trẻ bị xâm hại tình dục vô cùng khó, các em không “ muốn nói về những chuyện mình đã trải qua”, chị Thuỳ An bày tỏ thêm. |
Thanh Lam - Hải Yến
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 118