Vẫn còn khá nhiều bất cập trong vấn đề giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cho dù đây không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành một vấn nạn xã hội. PV tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, đoàn Luật sư TP.Hà Nội xung quanh vấn đề pháp lý, thủ tục giải quyết, các quy định bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Nhiều kẻ thoát tội do thủ tục rườm rà
Thưa luật sư, luận bàn về xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta thấy đây là vấn nạn xã hội cần lên án, phê phán và cần phải xử lý nghiêm mới đảm bảo được sự răn đe, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, xác định loại tội phạm này không hề đơn giản. Suy nghĩ của luật sư về vấn đề này thế nào?
Những vụ việc nổi cộm trong thời gian qua như vụ ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng viện Kiểm kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng dâm ô cháu bé ở cầu thang máy tại một chung cư ở TP.HCM, mà phía cơ quan tiến hành tố tụng trả hồ sơ để giám định xem “tay trái ông Linh đặt ở đâu”. Tại sao phải giám định như vậy? Kết quả giám định như vậy có khách quan hay không?
Vụ ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô cháu bé ở cầu thang máy đã được xét xử với mức phạt 18 tháng tù dành cho bị cáo. |
Hoặc vụ việc cháu bé 9 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị hiếp dâm, nhưng tại sao Cơ quan Điều tra Công an huyện Chương Mỹ lại khởi tố bị can Trình về tội Dâm ô người dưới 16 tuổi xong cho đối tượng tại ngoại? Trước phản ứng của dư luận thì Cơ quan Điều tra Công an thành phố Hà Nội đã cho cháu bé đi giám định lại và khẳng định Trình có hành vi giao cấu để khởi tố Trình về tội danh Hiếp dâm người dưới 16 tuổi với tình tiết tăng nặng định khung là “Nạn nhân dưới 10 tuổi” và khung hình phạt từ 20 năm, chung thân, tử hình.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi có được tham gia cùng luật sư hướng dẫn thực tập của tôi một vụ án hiếp dâm xảy ra ở Điện Biên. Khi xảy ra vụ việc, cán bộ công an ở địa phương (không phải là điều tra viên) tự ý lấy bông thấm tinh trùng chảy ra từ người nạn nhân, nhưng vì không được thu thập theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nên không được coi là chứng cứ trong vụ án. Lúc kiểm tra, giám định lại thì không còn mẫu vật để giám định (do miếng bông thấm bị tiêu hủy vì không phải là chứng cứ của vụ án). Vụ án bị hủy đi, hủy lại nhiều lần và kết quả cuối cùng hung thủ thật sự thì thoát tội, người khác phải chịu thay.
Tôi dẫn ra ví dụ để thấy quá khó khăn khi thu thập chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án, nhiều đối tượng thoát tội Hiếp dâm để chỉ bị truy cứu với tội nhẹ hơn là Dâm ô, hoặc thoát tội vì không có đủ chứng cứ buộc tội.
Thưa luật sư, kết luận giám định là một trong những chứng cứ vật chất quan trọng nhất để chứng minh hậu quả thực tế của tội phạm. Những vụ án hiếp dâm đều phải qua thủ tục trưng cầu giám định. Nhưng dường như, thủ tục quá rườm rà đang là “vật cản” trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em?
Trong nhiều vụ án trong thời gian vừa qua, bị hại rất bức xúc về kết quả giám định khi nó không phản ánh đúng hậu quả vụ việc, bị hại không được giám định kịp thời, có những bị hại phải chờ đợi rất lâu mới được đưa đi giám định. Những dấu vết, hậu quả của các vụ án xâm hại tình dục có thể mất rất nhanh và rất khó xác định, kiểm tra lại nếu không kịp thời kiểm tra, giám định.
Dư luận đặt ra câu hỏi rất lớn trong vụ án “dâm ô với người dưới 16 tuổi” mà bị cáo là ông Nguyễn Hữu Linh. Cụ thể: Tại sao Tòa án Nhân dân quận 4 lại trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, yêu cầu làm rõ hơn tay trái ông Linh đặt ở vị trí nào? Có nhiều người đặt ra nghi vấn liệu có vấn đề tiêu cực, hay đây lại là “chiêu trò” tìm cách gỡ tội của ông Linh? Phía Cơ quan Điều tra Công an quận 4 đã tiến hành trưng cầu giám định và phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.HCM) đã có kết luận giám định nhưng không có cơ sở xác định tay trái ông Linh để ở đâu? Đến đây, dư luận lại tiếp tục đặt ra câu hỏi nghi vấn với kết luận như vậy liệu có đủ cơ sở kết tội đối với ông Linh hay không?
Tuy nhiên, phía cơ quan tiến hành tố tụng quận 4 vẫn truy tố ông Linh ra xét xử với quan điểm cho rằng cơ sở buộc tội ông Linh ở nhiều hành vi khách quan khác trong một chuỗi các hành vi của ông Linh như ôm, hôn vào má chứ không chỉ ở riêng hành vi tay trái của ông Linh. Rõ ràng trong vụ án này việc giám định cũng bị đặt ra câu hỏi nghi ngờ rất lớn về tính khách quan, chính xác, kịp thời của cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong vụ án hiếp dâm cháu bé 9 tuổi xảy ra ở Chương Mỹ cũng vậy, nếu chỉ dựa vào lời khai ban đầu của đối tượng Trình, rõ ràng không đủ cơ sở kết tội về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Lời khai ban đầu của cháu bé cũng mâu thuẫn nhau, không rõ ràng, xuất phát từ tâm lý e ngại, lo sợ, xấu hổ nên cháu bé không dám khai đúng sự thật. Nếu với cách làm cứ lấy lời khai, hỏi cung nhiều lần, làm việc bị động theo quy trình hiện nay rõ ràng các dấu vết quan trọng, chứng cứ chứng minh tội phạm sẽ không còn, rất khó để chứng minh sự thật khách quan của vụ án.
Thực tế vụ ở Chương Mỹ, sau hơn 1 tuần, cơ quan tiến hành tố tụng mới đưa nạn nhân đi giám định, cụ thể là Cơ quan Điều tra Công an huyện Chương Mỹ ra quyết định và thực hiện trưng cầu giám định kiểm tra dấu vết xem cháu có bị xâm hại tình dục không? Sau đó, khi chuyển hồ sơ lên thì Cơ quan Điều tra Công an thành phố Hà Nội lại tiếp tục thực hiện trưng cầu giám định lại một lần nữa. Tuy nhiên, tính khách quan của kết luận giám định ảnh hưởng rất nhiều, đương nhiên các bên tham gia vụ án này có nhiều lý lẽ để lập luận, phản bác lại kết luận giám định.
Vì thế, chúng ta cần có quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ và phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù của tội phạm xâm hại tình dục. Trên cơ sở nguyên tắc: Nhanh chóng – Kịp thời – Chính xác – Khách quan mới đảm bảo được việc đấu tranh, phòng ngừa, xử lý các hành vi tội phạm xâm hại tình dục.
Quy trình giám định đừng rườm rà
Từ thực tế này, luật sư có kiến nghị đối với quy trình giám định?
Quy định bắt buộc về thủ tục giám định rút gọn, đưa nạn nhân đi giám định ngay khi có tin báo về hành vi xâm hại tình dục, không cần phải có thủ tục lấy lời khai, xác minh về nội dung vụ việc. Cán bộ điều tra/thụ lý có trách nhiệm hướng dẫn cho nạn nhân, gia đình nạn nhân về việc lựa chọn/từ chối về việc giám định.
Giám định tổng thể nạn nhân, không phụ thuộc vào lời khai ban đầu của nạn nhân, tránh mọi trường hợp bỏ sót dấu vết trên nạn nhân.
Thủ tục giám định chỉ cần có giấy giới thiệu của cơ quan điều tra – nơi đang tiếp nhận vụ việc. Việc giám định trong trường hợp này không cần phải có Quyết định phân công điều tra viên, Quyết định trưng cầu giám định, phê duyệt của Viện Kiểm sát...
Cơ quan có trách nhiệm đưa nạn nhân đi giám định là cơ quan điều tra đầu tiên tiếp nhận vụ việc, không phụ thuộc vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ đầu tiên hay không.
Trên thực tế, việc lấy lời khai của bị hại, bị can/bị cáo, người làm chứng và những người liên quan khác trong một vụ án xâm hại tình dục trẻ em là thủ tục bắt buộc nhưng không hề đơn giản. Vậy chúng ta có thể điều chỉnh những gì để khắc phục vấn đề được không?
Bản chất tội phạm thường khai báo gian dối, chối tội và không trung thực. Bị hại thì bị tác động bởi nhiều yếu tố, có thể khai báo tăng mức độ, làm trầm trọng hóa vấn đề hoặc vì lý do khách quan không dám khai báo sự thật.
Tôi nhớ, quá trình điều tra, khi cán bộ điều tra gửi giấy mời cho gia đình cháu bé 9 tuổi ở Chương Mỹ lên trụ sở Cơ quan Điều tra Công an thành phố Hà Nội lấy lời khai thì nạn nhân càng hoảng sợ, không dám đến cơ quan điều tra để khai báo sự việc. Tâm lý chung là không ai muốn đến đó cả, ai đến cũng đều sợ.
Để cùng phối hợp, hoàn thiện hồ sơ, lấy lại lời khai bị hại, phía luật sư kết hợp cùng với trung tâm Tư vấn tâm lý và cơ quan tiến hành tố tụng thỏa thuận việc lấy lời khai tại phòng hỏi cung thân thiện (tức là gia đình bị hại lựa chọn địa điểm lấy lời khai như tại phòng giáo viên, phòng làm việc của luật sư hoặc tại phòng làm việc của trung tâm Tư vấn tâm lý).
Thực tế, gia đình bị hại ở Chương Mỹ đã lựa chọn phòng làm việc của luật sư và phòng làm việc tại trung tâm Tư vấn tâm lý để làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng và được phía cơ quan tiến hành tố tụng – thành phố Hà Nội chấp nhận.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kiến nghị giải pháp hỏi cung, lấy lời khai
“Áp dụng các thủ tục rút gọn trong việc lấy lời khai các bị can/bị cáo, bị hại, người làm chứng và những người có liên quan. Quy định rõ thời gian tối đa để lấy lời khai các bên và thực hiện tất cả các nghiệp vụ cần thiết để hoàn thiện việc lấy lời khai, đối chất giữa các bên. Hoặc quy định thời gian chậm nhất bao nhiêu lâu phải có lời khai ban đầu của bị hại, bị can. Nên quy định về việc bị hại, gia đình bị hại được quyền lựa chọn địa điểm lấy lời khai phù hợp, thân thiện. Cần quy định phải có chuyên gia tâm lý đi cùng, tư vấn tâm lý cho nạn nhân trước khi tiến hành lấy lời khai. Trong những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nếu như hồ sơ đầy đủ, bắt được đối tượng thì cần thiết áp dụng thủ tục rút gọn để sớm đưa ra xét xử đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Vụ việc để càng lâu sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, phức tạp, ảnh hưởng tâm lý của bị hại cũng như gia đình bị hại. Đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam để ngăn ngừa, đấu tranh, phòng chống loại tội phạm xâm hại tình dục, quấy rối tình dục” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng. |
Dương Thu - Hoàng Bích
Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (105)