Ths.BS tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Viện Tâm lý học ứng dụng và phát triển MP, Hà Nội) chia sẻ vào dịp cận Tết nhiều bệnh nhân, nhất là chị em tìm đến nhờ bác sĩ tư vấn tâm lý rất nhiều. Chủ yếu do áp lực gia đình, giục chuyện sinh con, cưới hỏi, lo lắng tiền biếu Tết…
Theo BS Bách, những người đến thăm, khám thường trong tâm lý mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, stress, có người nặng hơn rơi vào trạng thái rối loạn lo âu.
"Những áp lực, căng thẳng dù là trong công việc hay cuộc sống cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, khiến trí tuệ giảm sút, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt… nhất là các dịp cận Tết", BS Bách nói.
Như trường hợp chị N.T.M (32 tuổi, quê Hải Phòng) hiện rõ nét buồn rầu, xen lẫn tiếng thở dài vì khi đến Tết chị sẽ phải nghe những câu hỏi rất khó nghe và khiến chị tổn thương: "Sao giờ này mãi chưa có mụn con?"...
Chị M tâm sự, chị cùng chồng kết hôn đã 7 năm tuy nhiên chưa có con. Những năm đầu còn đỡ, nhưng từ năm thứ 3 trở đi với chiếc bụng không có động tĩnh, mỗi lần về quê gặp họ hàng, bố mẹ chồng chị đều căng thẳng đến toát mồ hôi hột.
Gặp ai mọi người cũng hỏi thăm, người nhẹ nhàng thì chỉ nói vài ba câu, người nặng lời hơn thì bảo chị gà không biết đẻ trứng. Bố mẹ chồng mong cháu lâu cũng sinh bực tức, khi mãi chị chưa có em bé.
"Vợ chồng tôi kết hôn từ năm 25 tuổi, vì lo kinh tế nên cả 2 quyết định kế hoạch sinh con trong 2 năn đầu tiên. Đến năm thứ 3 thả nhưng ròng rã một năm vẫn không dính bầu. Đến khi đi khám phát hiện trứng của tôi rất ít, tinh trùng của chồng cũng gặp bất thường. Tuy vấn đề ở cả hai người nhưng mọi người đều đổ trách nhiệm lên tôi”, chị M than thở.
Chính vì thế, mỗi khi về ăn Tết là khoảng thời gian dài ngày nên khiến chị không muốn về quê chồng chút nào. Cảm giác cứ đặt chân đến cổng nhà, hết người nhà đến người làng qua lại hỏi thăm vấn đề sinh con. Có năm chị M nghe hàng xóm xúi mẹ chồng cưới vợ mới cho con ngay hôm 30 Tết.
“Tôi muốn bỏ về ngay, nhưng lại thương chồng, anh ấy rất thương tôi, mỗi lần có ai nói đến việc sinh con chồng tôi đều đứng ra bảo vệ vợ, thậm chí cãi lại bố mẹ. Việc này cũng khiến 2 vợ chồng mất ngủ trong thời gian dài”, người phụ nữ tâm sự.
Cũng chính vì điều này, chị đã nhiều lần phải tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý và phải sử dụng thuốc vì không thể ngủ được.
Theo BS Bách, những trường hợp như chị M nếu không được phát hiện, có sự can thiệp kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Ngoài ra, stress còn gây nhiều hậu quả, nhẹ nhất là mất ngủ trong thời gian ngắn. Khi giải quyết xong căn nguyên, được gia đình động viên, căng thẳng sẽ nhanh qua đi.
Stress kéo dài cộng với nhiều đêm mất ngủ sẽ biến một người khỏe mạnh, vui vẻ trở nên cáu gắt, nóng nảy, suy yếu cả về thể chất và tinh thần.
Khi bị stress, mọi người có xu hướng ngủ nhiều hoặc ít hơn so với bình thường, mất hứng thú, dễ quên, khó tập trung, thường cảm thấy cô đơn, dễ cáu kỉnh, tức giận, tách khỏi bạn bè, thích ở một mình. Nhiều người lạm dụng rượu bia, chất kích thích, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng hơn.
Trường hợp stress nhiều, không có bạn đời, gia đình động viên, căng thẳng chuyển thành lo âu, trầm cảm, giảm hiệu quả công việc. Nhiều người không muốn về quê, trốn Tết, đi du lịch để không phải đối mặt với áp lực. Có người về quê nhưng chỉ ở trong phòng hoặc lúi húi dưới bếp cho xong việc.
XEM THÊM: Người đàn ông gãy “của quý” sau vài ba chén rượu chúc Tết
Để giảm bớt căng thẳng, chuyên gia khuyên chị em nên đi khám sớm để được trị liệu tâm lý, cải thiện cảm xúc.
"Mỗi người cần tự mình gạt bỏ cảm xúc buồn bã, tiêu cực, hướng đến suy nghĩ lạc quan. Thay vì ở trong bếp, chị em có thể diện áo dài, đi chụp ảnh hoặc cùng cả nhà đi du xuân. Lên kế hoạch về những việc cần làm và thực hiện hợp lý, không nên quá cầu toàn. Tránh uống quá nhiều rượu bia làm trầm trọng thêm cảm giác tiêu cực", BS Bách nói.
Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng nên lắng nghe và tôn trọng mong muốn của nhau. Chị em không nên cô lập bản thân hay ở một mình, nên tìm đến người thân, bạn bè chia sẻ để được đồng cảm. Kết hợp đọc sách, nghe nhạc, thiền, yoga, tập thể dục để cải thiện tinh thần. Ăn đủ dưỡng chất, ưu tiên các dưỡng chất có lợi cho não như các vitamin C, B, D, E, chất kẽm, sắt, chất bột đường, chất béo tốt...
Trường hợp phát hiện người bệnh có dấu hiệu rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng, người nhà cần đưa đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời, tránh các hành vi tiêu cực.
Mộc Trà