(ĐSPL) - Lấy vợ chưa được bao lâu nhưng vì muốn bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc, anh đã tình nguyện đi lính hải quân... Và anh đã hy sinh giữa biển khơi khi cùng đồng đội bảo vệ đảo Gạc Ma. Ngày biết tin anh mãi mãi không về, chị như chết lặng nhưng gạt thương đau, chị gắng gượng nuôi 2 đứa con là 2 giọt máu của chồng mình để lại.
Suốt 25 năm qua, chị Trần Thị Ninh, vợ liệt sỹ Trường Sa Phan Huy Sơn, ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn lặng lẽ chăm bẵm đứa con mắc bệnh tâm thần. Và, trong tận tâm hồn người phụ nữ này vẫn còn khắc khoải một nỗi đau khi nhìn vào di ảnh của chồng và những kỷ vật còn sót lại.
Mùa xuân ấy, anh đi…
Tuổi trưởng thành, cũng như bao lớp nam thanh, nữ tú trong làng, Phan Huy Sơn sớm kết duyên với cô gái cùng quê Trần Thị Ninh (SN 1963) khi họ vừa bước sang tuổi mười tám đôi mươi. Cùng học với nhau ở trường làng cho tới những năm cấp 3 trường huyện, qua những cánh thư thuở học trò thầm giấu kín trong ngăn bàn trộm gửi trao nhau, rồi tình yêu đôi lứa nảy mầm từ đó. Anh chị đến với nhau như một duyên tình đã thầm định ước. Tháng 10/1981, cô gái thôn quê Trần Thị Ninh về nhà chồng, sánh duyên cùng chàng trai cùng lớp Phan Huy Sơn sau ngày tốt nghiệp cấp 3. Họ đến với nhau chưa được bao lâu, thì mùa xuân năm 1982, Phan Huy Sơn phải tạm xa người vợ trẻ để ghi tên mình vào quân ngũ.
Chị Ninh bên những cánh thư người chồng để lại. |
“Ngày nhà trai đưa lễ lạt trầu cau đến xin cưới hỏi, tui vẫn còn là cô gái mới lớn nên chưa hình dung nổi phận làm dâu. Rồi cái ngày hạnh phúc nhất của hai đứa cũng đến. Nhưng ở với nhau chưa được bao lâu, anh ấy đã đi bộ đội. Ngày anh ấy ra đi cũng chừng thời gian vợ chồng sống với nhau - chỉ một mùa xuân đầu tiên. Âu cũng là nhiệm vụ của thanh niên và cũng là nghĩa vụ của tuổi trẻ phải lên đường nhập ngũ. Đêm hôm trước anh lên đường, tui chỉ biết úp mặt vào gối mà khóc trong nghẹn ngào. Vợ trẻ, chồng đi xa, ở nhà mình biết xoay xở như răng đây. Nhưng cứ nghĩ rồi tự động viên mình để chồng yên tâm lên đường vào bộ đội. Nhưng ai ngờ…”, chị Trần Thị Ninh, người vợ liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa năm 1988 đưa mắt nhìn lên di ảnh của người chồng nhớ lại về những tháng ngày xưa ấy.
Như bao người vợ, người mẹ khác có chồng, con vào bộ đội, chị Ninh vẫn nhớ như in cái đêm Rằm ngày 15 tháng 2 năm 1982. Trước đêm anh đi, cả hai vợ chồng cố nín lặng thương yêu nhưng bên trong, ai cũng như lưu luyến, mong cho đêm dài hơn nữa. Bở,i cả hai người vẫn còn xuân xanh và đều hiểu người mình yêu thương nhất ngày mai vào bộ đội. Chị Ninh kể, trước lúc anh Sơn lên đường là cả một quãng thời gian chồng phải ngày đêm làm công tác “tư tưởng” cho vợ để yên tâm ra đi. Cho đến lúc tiễn anh trên sân Ga Sy, chị như lặng người đi khi bóng hình chồng khuất xa trong sương sớm giá lạnh của mùa xuân năm ấy.
Sau thời gian huấn luyện ở một điểm đóng quân ven thành phố Vinh, chị Ninh mới biết chồng mình được biên chế vào quân chủng Hải quân vùng 4. Bao lần chuẩn bị, bao lần dự định sắp xếp thời gian vào thăm anh khi biết chồng đang đóng quân ở Cửa Hội thì chồng mình lại được phân công ra Hải Phòng học lớp y sỹ quân y.
Sau một năm trời đóng quân ở cảng Hải Phòng, anh Sơn mới được đơn vị cho nghỉ phép về thăm nhà. Niềm vui, hạnh phúc như vỡ oà sau một năm dài chờ ngóng tin chồng qua những cánh thư viết vội, chị Ninh gặp lại chồng mà rưng rưng nước mắt. Lần về phép đợt này, anh chị đã có với nhau một đứa con trai đầu lòng đặt tên là Phan Huy Hà. Mùa xuân 1983, có lẽ với đời chị, một người phụ nữ có chồng trong quân ngũ không có hạnh phúc nào hơn khi được mang một giọt máu của chồng.
Lặng lẽ chịu đựng mọi khổ đau
Năm 1984, lúc đứa con trai đầu ra đời chưa được ôm ấp trong hơi ấm của người cha dù chỉ một ngày cũng là lúc anh Phan Huy Sơn có lệnh ra phục vụ, công tác tại đảo Gạc Ma, thuộc lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân. Dù biết mình ra đảo là thiệt thòi, là gian khổ nhưng anh vẫn cố gắng biên thư đều đặn cho người vợ, để nơi quê nhà chị yên tâm chăm sóc con. Kể từ lúc chồng ra đảo làm nhiệm vụ biền biệt 3 năm liên tục, mãi đến tháng 9/1987, chị Ninh mới gặp lại người chồng của mình bằng da, bằng thịt sau những ngày anh Sơn được đơn vị cho về nghỉ phép tại quê nhà.
Và, cũng như nhiều đôi vợ chồng trẻ có chồng đi xa mới về, niềm vui, hạnh phúc với anh Sơn, chị Ninh những ngày gặp lại khiến căn nhà nhỏ thêm phần ấm áp. Ngày anh Sơn ở đảo về nghĩ phép, đứa con trai đầu vẫn còn lạ lẫm với người cha phảng phất vị mặn của biển cả. Mãi thời gian sau, anh chị đau đớn khi biết con mình dù đã 3 tuổi nhưng vẫn không thể gọi tên bố, tên mẹ dù chỉ nửa lời.
Gần 30 năm qua, đứa con trai đầu vẫn phải một tay chị tự chăm sóc |
Bước sang năm 1988, dù còn tới 15 ngày phép nữa nhưng vì tuân theo lệnh của đơn vị nên anh Sơn phải ra đảo gấp. Trên đường hành quân vào Nam chuẩn bị ra đảo, anh chỉ còn kịp viết vội gửi lại vợ những dòng tin ngắn ngủi. Trong cánh thư gửi về, anh cũng chỉ biết nhắn nhủ vợ gắng gượng nuôi con rồi đợi ngày về sẽ đưa con trai mình đi chữa bệnh. Và còn bao điều muốn nói, anh cũng đã dặn dò vợ mình cho đến ngày chị Ninh nhận được tin chồng mình đã ngã xuống giữa biển khơi.
Ngồi trầm lặng một lúc bên từng cánh thư và những bộ quần áo của chồng đã ố mòn theo thời gian, chị Ninh rưng rưng tâm sự: “Ngày anh ấy trở lại đảo chưa được bao lâu thì tui mang thai đứa con thứ 2. Thương lắm, muốn chồng mình ở lại lắm nhưng vì nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc giao phó, tui không đành lòng giữ bước chân chồng mình. Anh ấy cùng đồng đội mình vừa ra đến đảo Gạc Ma thì hung tin bị chìm tàu, toàn bộ đã hy sinh. Ngày nhận giấy báo tử và tư trang chồng để lại, tui vẫn không tin mình đã mất anh ấy”. Và rồi, sự thật đau đơn ấy cũng đến với chị Ninh sau bao tháng ngày vật vã với nỗi đau phải chịu cảnh goá chồng. Ngày 17/3/1988, có lẽ là ngày ám ảnh đối với người phụ nữ thôn quê khi chị hay tin chồng mình đã vĩnh viễn gửi lại thân xác nơi biển cả.
Những cánh thư viết vội gửi cho vợ trước lúc liệt sỹ Phan Huy Sơn ra Trường Sa |
“Anh vẫn ở bên cạnh mẹ con tôi”
Ở miền quê ấy, dù đằng đẵng mấy chục năm sống đơn côi, lẻ chiếc nhưng chị vẫn luôn ôm ấp bóng hình của người chồng. Đứa con trai đầu đã gần bước qua cái tuổi 30 nhưng vẫn như đứa trẻ. Suốt ngày, con trai anh chị chỉ biết ú ớ rồi đi lang thang trên từng đường làng, ngõ xóm mãi khi đèn điện sáng lên mới về nhà. Từng ấy thời gian, chị vẫn lẳng lặng một mình ở vậy thờ chồng, nuôi con. Mỗi lần nhắc lại chuyện của mình, chuyện của chồng hy sinh, chị Ninh lại oà về bao cảm xúc xót thương, tủi phận.
Di ảnh của liệt sỹ Trường Sa Phan Huy Sơn. |
Nay, đứa con trai đầu, chị vẫn phải ngày ngày chăm bẵm bón từng thìa cháo, miếng cơm. Như một phần động viên, san sẻ với hoàn cảnh của người vợ có chồng là liệt sỹ Trường Sa, năm 2006, Bộ tư lệnh Hải quân đã vận động, quên góp xây cho mẹ con chị một căn nhà tình nghĩa trên nền đất cũ. Bây giờ, đứa con gái thứ 2 là Phan Thị Trang đã học năm thứ 3, trường Đại học Y khoa Vinh. Dù cuộc sống còn nhiều gánh nặng mưu sinh nhưng chị vẫn cố gắng vươn lên để sống tốt với đời và để cho con mình hiểu nghĩa cử của người cha đã không tiếc máu xương vì biển trời của Tổ quốc. Đối với chị, anh vẫn luôn cạnh bên chị mỗi ngày.
25 năm ấy, cứ mỗi độ tết đến xuân về, chị lại hương khói cho chồng rồi tự mình hướng về phía biển như ngóng trông, hy vọng một điều gì đó rất đỗi linh thiêng. Nơi ấy, có thân xác anh gửi vào biển cả của Tổ quốc và linh hồn chồng mình vẫn còn mãi nơi quê nhà.