Nhiều PV, BTV đã từng được làm việc, phấn đấu dưới mái nhà chung ĐS&PL. Theo dòng chảy chung của đời sống báo chí, nhiều người đã chuyển đến những cơ quan khác để đảm nhiệm vị trí công tác mới, tuy nhiên, họ vẫn nhớ cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Chàng trai Nam tiến
Nhà báo Trần Tiến Dũng, Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam tạp chí Đời sống và Pháp luật |
Sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu từ Hà Nội, lãnh đạo báo ĐS&PL có chiến lược Nam tiến và nhà báo Trần Tiến Dũng là người được trao ấn tiên phong.
Nhận thấy nhiệm vụ khó khăn nhưng với trách nhiệm cao, nhà báo Trần Tiến Dũng đã xung phong đảm nhận thị trường đầy tiềm năng tại TP.HCM vào năm 2009. “Vạn sự khởi đầu nan” khi bủa vây là khó khăn vì hệ thống phóng viên, trụ sở của cơ quan phía Nam đều thiếu thốn, chưa đáp ứng được cho yêu cầu của công việc.
Nhà báo Trần Tiến Dũng xác định phương hướng tăng dần số lượng phát hành dựa trên nội dung hấp dẫn bằng việc kiện toàn đội ngũ nhân sự. Vào khoảng tháng 10/2009, đề xuất đưa tờ ĐS&PL Cuối tuần vào phía Nam của anh là quyết định mang tính mở đầu cho chặng đường dài và đầy thách thức.
Người Trưởng đại diện cơ quan phía Nam không thể quên những ngày ban đầu gian khó ấy: “Cứ 1h30 sáng, khi báo về đến công ty Vĩnh Phúc, tôi và Giám đốc đơn vị phát hành đã tiếp thị tận tay các đại lý, có nơi phải “mưa dầm thấm lâu” đến lần thứ ba mới giao kết được mối quan hệ phát hành. Rất may, bạn đọc đã mở lòng đón nhận từng số báo, tỉ lệ phát hành không ngừng tăng cao”. Thừa thắng xông lên, cơ quan đại diện phía Nam tiếp tục đưa tờ ĐS&PL Tháng đến tay bạn đọc.
Có sự khởi đầu thuận lợi, các ấn phẩm ngày vào thứ Hai - Tư - Sáu của báo nối tiếp nhau đến với phương Nam nắng ấm chỉ trong 1 năm sau. Thế nhưng, bài toán cạnh tranh ngày càng gai góc hơn vì các tờ báo khác đã chiếm thị phần từ trước. Anh Dũng đã đưa ra tiếp phương án xây dựng, đào tạo và gắn kết tập thể phóng viên, biên tập viên cùng đội ngũ cộng tác viên rộng khắp đáp ứng được yêu cầu nội dung phía Nam, trọng điểm là TP.HCM và các địa phương lân cận để luôn cập nhật sát sao tình hình địa bàn. Cứ thế, số lượng phát hành các ấn phẩm số sau tăng hơn số trước với tỉ lệ tiêu thụ tốt.
Lý giải về con đường đưa số báo Cuối tuần vào Nam trước rồi đến số Tháng, số ngày, nhà báo Trần Tiến Dũng khẳng định, đây là tầm nhìn đúng đắn của Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh: Đi từng bước chắc chắn chứ không ồ ạt nhằm đảm bảo thực lực của đơn vị cho từng nhiệm vụ phát hành.
Cùng với kế hoạch phát hành, Ban biên tập cũng chỉ đạo cơ quan phía Nam cân đối lượng tin bài trên từng số báo. Vì thế, đội ngũ nhân sự của cơ quan phía Nam luôn nỗ lực, sát cánh với tòa soạn trong việc đảm bảo nội dung của địa bàn chiếm khoảng 35%/số báo, thậm chí có khi lên đến 60%.
Để đúng phương châm “Hấp dẫn như đời sống - Đồng hành cùng pháp luật”, lượng phóng viên cố định của cơ quan phía Nam tương đối cao (từ 30 - 40 người) đã năng nổ bám sát, bao quát các phương diện từ thời sự, xã hội, pháp luật đến đời sống, văn hóa,...
Từ những thành công bước đầu này, tỉ lệ phát hành tại khu vực phía Nam từng bước ngang bằng và tiến đến gấp 5 lần so với tòa soạn tại Hà Nội. Đến nay, cơ quan đại diện phía Nam vẫn là bộ phận quan trọng, đóng góp ngày càng lớn cho thương hiệu, uy tín suốt nhiều năm qua của tờ tạp chí ĐS&PL.
Không khói hoàng hôn cũng nhớ Phòng!
Trương Ngọc Lan, Biên tập viên Nhà xuất bản Phụ nữ |
Mượn tứ thơ này để nói về phòng Thư ký của báo ĐS&PL, là vì, với tôi, phòng Thư ký có giờ cao điểm hơi trái ngược: Lúc các phòng khác tất bật thì phòng Thư ký thong thả, lúc các phòng khác lần lượt ra về thì phòng Thư ký “vắt chân lên cổ chạy”. Hôm nào ít tin hot thì còn được về sớm, hôm nào có tin hot thì thay tin đổi bài thì về lúc 1, 2h sáng là chuyện thường. Nên đã làm việc ở phòng Thư ký là phải xác định về muộn. Bởi thế, Phòng hình thành thói quen ăn bữa chiều, để có sức đợi tin “nóng” dành tặng độc giả mỗi sớm mai.
Hồi đầu, để có một bữa ăn chiều cho cả phòng, một người sẽ đứng ra gom tiền, ghi “order” và cử một người đi mua đồ. Rón ra rón rén vì sợ tiền bữa phụ lạm vào bữa chính của cả gia đình.
Sau rồi Phòng có sáng kiến mở một chuyên mục nhỏ trên báo, ghi lại những chuyện đời thường, những chuyện “nhòm qua lỗ khóa” mà độc giả nào cũng có thể nhẩn nha đọc để “trông người mà ngẫm đến ta”. Nhuận bút từ chuyên mục này được sung vào quỹ Phòng, để phục vụ cho bữa chiều.
Ban đầu, việc viết lách được chia đều cho từng thành viên trong Phòng, mà thực chất là các thành viên nữ. Cái khó là không phải ai cũng viết được, nên lại phải linh động phân công: Người không biết viết thì phải cung cấp câu chuyện cho người khác chắp bút. Chỉ chuyện có thật thì viết mới không bị “ngượng” bút. Ban đầu chuyên mục đi trơn tru. Vài tháng sau bắt đầu cạn nguồn nên phải kêu gọi cả cộng tác viên. Tuy nhiên, quanh đi quẩn lại thì các bài viết vẫn trông chờ chủ yếu vào đội quân chủ lực là các thành viên nữ trong phòng Thư ký.
Một ngày nọ, không khí buổi sáng trong phòng Thư ký trở nên khác thường. Mọi người nhớn nhác nhìn nhau, thì thầm to nhỏ ở góc này góc kia. Không phải lỗi morat. Không phải chú thích ảnh sai. Không phải bài báo nào đó bị nhân vật đòi “kiện ra tòa”. Sáng ấy thì khác. Căn nguyên của việc xôn xao từ đầu Phòng tới cuối Phòng là từ bài viết trong chuyên mục mà Phòng phụ trách.
Nhìn thái độ của mọi người đủ thấy mức “nguy hại” của bài báo kiếm bữa chiều cho phòng Thư ký lên cao đến độ sắp tuôn trào như núi lửa. Cuối cùng, căn cứ vào sự cạn kiệt nguồn tin, các tay bút của phòng Thư ký xin phép đóng chuyên mục “cải thiện bữa chiều”.
Ngồi ôn lại những ngày xưa cũ, khi còn là thành viên của phòng Thư ký của báo ĐS&PL, tôi luôn nhớ về những hoàng hôn bận rộn tối tăm mặt mũi. Nhớ ngày đầu tiên đi làm ở phòng Thư ký, trở về nhà lúc 21h, cô con gái 2 tuổi của tôi cứ đứng nhìn mẹ và khóc ròng, không nói được một lời nào. Nhớ cái cảm giác cô đơn lúc 2h sáng, đêm mùa đông tê má, một mình mở cửa vào nhà, thấy chồng hé mắt nhìn không hỏi thăm một lời nào, quấn thêm chăn và lạnh lùng quay lưng vào trong...
Từ giây phút đó, tôi đã quyết định làm đơn xin ra khỏi phòng Thư ký, vì tôi biết nếu kéo dài tình trạng đi làm về muộn, có thể, tôi sẽ không giữ được lửa ấm cho gia đình nhỏ bé của mình.
Tôi vô cùng ngưỡng mộ những người từng là đồng nghiệp của mình, cho đến tận khi tôi viết bài này, họ vẫn kiên tâm ở lại, gắn bó với công việc thầm lặng, bận rộn, lắm lúc căng thẳng, đau đầu, ở phòng Thư ký. Mong họ hạnh phúc, cả trong công việc và trong cuộc sống!
Đưa báo đến với bạn đọc phía Nam: Những ngày đầu gian khó
Đối với những người làm công tác phát hành, việc đưa một tờ báo mới, lạ đến tay bạn đọc là một hành trình vô cùng gian nan, vất vả. Trong những ngày đầu đưa tờ báo, nay là tạp chí ĐS&PL tiếp cận thị trường phía Nam, công ty Mỹ Phúc chính là đơn vị đầu tiên đồng hành với tờ báo trong công tác phát hành. Thời điểm đó, ĐS&PL là một cái tên xa lạ với bạn đọc phía Nam. Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc - Giám đốc công ty Phát hành Mỹ Phúc - chia sẻ, lúc đó, thị trường phía Nam đã có hơn trăm tờ báo được phát hành và được bạn đọc lựa chọn. Vì vậy, việc đưa một tờ báo mới từ miền Bắc vào tiếp cận thị trường là một việc vô cùng khó khăn. "20 nhân viên của chúng tôi mỗi ngày đều phải chạy khắp các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM để tiếp thị cho tờ báo. Có những nơi họ không chịu nhận, có nơi nhận thì lại đặt báo vào những góc khuất. Chúng tôi liên tục thuyết phục, hỗ trợ các đại lý để tìm cho tờ báo một vị trí đẹp trên sạp. Nhờ đó, bạn đọc có thể tiếp cận với báo dễ dàng hơn", chị Ngọc chia sẻ. Nhờ đội ngũ làm công tác phát hành năng động và đầy tâm huyết, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ĐS&PL đã dần tiếp cận được với bạn đọc miền Nam qua từng số báo. Tiếp nối những thành công ban đầu, đội ngũ phát hành nhanh chóng đưa tờ báo vượt ra khỏi địa bàn TP.HCM, tiếp cận đến bạn đọc ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang,... Giám đốc công ty Mỹ Phúc cho biết, chị không thể quên những ngày đội nắng lúc 2h chiều ở ga Sài Gòn để kịp đưa báo lên tàu đi Đà Nẵng. "Đích thân tôi phải ra ga xe lửa để cùng với anh em xếp báo vào thùng, chất lên tàu, kịp thời vận chuyển tờ báo đến với bạn đọc Đà Nẵng. Dù khó khăn, cực nhọc nhưng luôn luôn phải đảm bảo thời gian. Nếu tờ báo đến với bạn đọc trễ, coi như mình thất bại". Chính nhờ những cố gắng không ngừng nghỉ ấy mà chỉ sau một thời gian, tờ báo đã được bạn đọc phía Nam quan tâm, lựa chọn. Đã có lúc, ĐS&PL là một trong những tờ bán chạy nhất trên thị trường phía Nam. "Sự thành công của tờ báo và sự tin tưởng, yêu quý của bạn đọc chính là động lực để những người làm công tác phát hành chúng tôi có thêm sức mạnh hoàn thành tốt công việc. Chúng tôi vẫn luôn tự hào về hành trình đưa tờ ĐS&PL đến với bạn đọc phía Nam trong những ngày đầu gian khó ấy". Hành trình kết nối bạn đọc với người làm báo
Trong những năm làm công tác phát hành tờ ĐS&PL, điều tâm huyết nhất đối với ban Giám đốc công ty Phát hành Trường Phát, là sự kết nối giữa người làm báo và bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Ngay từ khi tiếp nhận công tác phát hành, BGĐ công ty Trường Phát đã dồn toàn lực tìm ra những định hướng, giải pháp để có thể mở rộng, phát triển quy mô và giúp tờ báo đến với thị trường mới. Đồng thời, công ty Trường Phát cũng đóng vai trò như một cầu nối giữa bạn đọc và Ban Biên tập. Chị Huỳnh Thị Kim Phụng - Giám đốc công ty Trường Phát cho biết: "Để tòa soạn và bộ phận phát hành có thể cộng tác với nhau một cách toàn diện, chặt chẽ, điều quan trọng nhất là sự đồng cảm và chia sẻ trong công việc. Khi làm việc với Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Thanh, chúng tôi tìm thấy được hướng đi chung và những sẻ chia cần thiết để thúc đẩy công việc phát triển một cách tốt nhất. Chúng tôi thấy được sự nhiệt huyết của BBT là rất lớn. Mọi người luôn cố gắng hết sức để đảm bảo nội dung và tìm mọi cách để tiếp cận được với bạn đọc. Đó cũng là động lực khiến chúng tôi tự dặn mình phải làm sao cho công tác phát hành được tốt nhất". Đúng như một lời hứa, Trường Phát đã tiên phong mở rộng thị trường. Đó là những ngày tháng mà BGĐ công ty phải liên tục di chuyển giữa các tỉnh, thành trên cả nước để tổ chức các hội nghị khách hàng. Nhờ đó, những người phát hành, những người làm báo và bạn đọc có thể ngồi lại với nhau sẻ chia và trao đổi. "Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, điều quan trọng nhất trong công tác phát hành là phải có sự gắn kết với bạn đọc mỗi ngày. Nếu kết nối được bạn đọc, những người làm báo và Ban Biên tập lại với nhau thì sẽ mang đến một sức mạnh rất lớn", chị Phụng nhấn mạnh. Vị lãnh đạo của công ty Trường Phát cho biết, không bao giờ quên những năm tháng làm công tác phát hành trong đêm. Mỗi tháng luôn có 1 ngày Ban Biên tập và PV phải đến công ty vào lúc 1h sáng để thức với những người phát hành và người đến lấy báo. Chị Phụng cũng cho biết, trong những năm tháng làm việc cùng nhau, sự nhiệt huyết, bản lĩnh của lãnh đạo tòa soạn là điều quan trọng nhất để giúp tờ báo được bạn đọc đón nhận và tin tưởng. "Khi làm báo anh phải biết dấn thân, trăn trở và chấp nhận những khó khăn để cho ra những trang báo chất lượng, không phụ lòng bạn đọc. Đó là những vấn đề mà BBT phải nỗ lực rất lớn. Tôi rất may mắn được làm nhà đối tác, cộng sự với tờ Đời sống & Pháp luật", chị Phụng bộc bạch. An Bình |
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số