“Con cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Mẹ đang điều trị ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Bệnh tật mẹ đã đỡ nhiều, ở nhà có bố chăm sóc...”. “Anh yêu quý. Hôm nay đúng kỷ niệm 9 năm ngày cưới của vợ chồng mình. Quà em nhắn gửi cho anh là tin vui về quả thận mới mà em vừa thay đã ổn, 2 tuần mới phải đến bệnh viện 1 lần”. “Bố ơi, con được điểm 10 bài văn tả về cảnh sát biển”...
Đó là những tin nhắn của những người bố, người vợ, con của các chiến sĩ cảnh sát biển (CSB) đang làm nhiệm vụ ngoài điểm nóng Hoàng Sa khi PV Báo Lao Động mang quà từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến thăm, tặng quà ngày 28/5/2014.
Tin nhắn từ hậu phương
Bà Hoàng Thị Tự đã khóc rất nhiều khi hay tin có đoàn khách đến thăm. Đó là những giọt nước mắt cảm động bởi nghĩa tình đồng bào cả nước khi hướng về Biển Đông, giọt nước mắt tự hào vì trong lớp người đang hiên ngang bám biển, làm nhiệm vụ thiêng liêng của tổ quốc đó có con trai mình.
Với bệnh “ung thư thanh quản”, đã phẫu thuật, mổ hở nên tiếng khóc của bà Tự như nấc, nghẹn ngào đã làm những người có mặt trong phòng bệnh 307, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chiều 28/5 không cầm được nước mắt.
Con trai bà Tự là thượng uý Trần Kim Ba, đang phụ trách hàng hải (lái tàu) trên tàu CSB 4032. Từ cuối năm 2013 đến nay, bà Tự đã phải 2 lần nhập viện cấp cứu trong tình nguy kịch, rồi phẫu thuật, xạ trị đến 30 lần..., song anh Ba vẫn chưa có được lần ghé thăm mẹ. Riêng đợt công tác tại Hoàng Sa lần này, Trần Kim Ba đã cùng tàu CSB 4032 bám thực địa 28 ngày, chưa vào đất liền. Có người mẹ nào không rơi nước mắt...
Bà Tự càng xúc động hơn khi biết tôi cũng vừa từ điểm nóng Hoàng Sa vào đất liền. Đặc biệt, chiều 19/5, tôi đã cùng đại tá Võ Văn Kính, Phó Chính uỷ vùng CSB 2 theo xuồng cao su, ghé thăm các tàu CSB, đã lên 4032, gặp Trần Kim Ba ngoài vùng biển Hoàng Sa. Bà rất quan tâm những câu chuyện thời sự nóng bỏng ngoài thực địa, tình hình sức khoẻ, tâm tư của các anh từ “người đưa tin” trực tiếp là tôi.
Đại diện Quỹ TLV Lao Động đã đến thăm, tặng quà (20 triệu đồng) cho bà Hoàng Thị Tự, mẹ của CSB Trần Kim Ba. Ảnh: N.B |
Trong khi đó, bố của chiến sĩ Ba, ông Trần Kim Ngọ thì ngược lại, ông vững vàng hơn. “Các anh cho tôi nhắn gửi đến con trai là hãy yên tâm làm nhiệm vụ. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của người lính. Mẹ ở nhà đã có bố lo, các bác sĩ chăm sóc. Bệnh tình mẹ đã khá hơn nhiều”.
Giọng rắn rỏi của ông như ẩn chứa niềm tự hào lớn. Hỏi ra, mới hay, ông Ngọ cũng từng là lính hải quân ở Lữ đoàn 171. Đời binh nghiệp của ông gắn liền với vùng biển đảo Trường Sa, nên ông dễ dàng hiểu, thông cảm được với con trai mình.
Ông nói, nhìn hành động ngang ngược của Trung Quốc, mọi người đều căm tức. Tôi cũng là người lính, làm sao có thể chịu được uất ức này. Vì vậy, dẫu ở nhà có việc gì thì mình cũng lo chu toàn cho các con yên tâm làm nhiệm vụ ngoài biển khơi”.
Bi hùng trong từng căn nhà chiến sĩ
Khu tập thể quân nhân lính biển nằm trong con hẻm nhỏ, cạnh làng chài ven biển Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Gia đình chị Lê Thị An - vợ CSB Hoàng Quốc Đạt cũng ở trong khu tập thể này. Chị có vẻ khó nhọc thở khi quả thận mới thay vừa thích nghi với cơ thể mình.
An nói, giờ em đã qua cơn nguy kịch, anh Đạt có thể yên lòng mà làm nhiệm vụ rồi. An là con trong một gia đình nông dân nghèo, có đến 5 người con gái. Suốt khoảng đời tuổi thơ theo gia đình lên vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên.
Đến khi quen anh lính biển Hoàng Quốc Đạt ở Học viện Hải quân Nha Trang, rồi cưới nhau, về Đà Nẵng lập nghiệp. An làm công nhân xí nghiệp thuỷ sản, chưa được bao lâu thì lâm bệnh, triền miên nằm viện. Hơn 2 năm chạy thận, cả sức khoẻ An lẫn tài sản gia đình đều kiệt quệ.
Thương em, chị gái của An đã nhường một quả thận của mình. Ca mổ diễn ra tốt đẹp hơn 2 tháng trước. Bây giờ, sức khoẻ của An đã bình phục, quả thận của người ruột thịt đã chấp nhận cơ thể mới. Những giây phút sinh tử đời người như vậy, An phải đối đầu một mình vì chồng phải bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Thông qua Quỹ TLV Lao Động, Cty dệt - may 29/3 - Đà Nẵng đã tặng 100 triệu đồng cùng 5.000 chiếc khăn cho CSB và kiểm ngư. |
Bà Phan Thị Chung, mẹ của Hoàng Quốc Đạt cho biết: “Gia đình tôi ở Diễn Châu (Nghệ An), nhưng khi con dâu ốm đau, chồng nó vắng nhà nên bố mẹ già phải thay nhau vào chăm con, đưa cháu đi học. Nhà tôi không chỉ có Đạt đang bám biển ngoài Hoàng Sa, mà có những 3 đứa.
Hai con rể là Nguyễn Đức Hạnh và Lê Hùng đều là CSB đang ngoài đó với Đạt. Có bà mẹ nào không sốt ruột khi thấy các con mình đương đầu với sự hung hãn của Trung Quốc. Nhưng, vì tổ quốc thì chúng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả. Bố nó và tôi phải thay nhau đến giúp gia đình các con gái, con dâu, kể cả vào viện chăm bệnh, giặt áo quần cho con...”, bà Chung tự hào.
Điều hết sức cảm động, khi Quỹ Tấm lòng Vàng (TLV) Lao Động đến thăm, tặng quà (10 triệu đồng) chiều 28/5, đúng dịp kỷ niệm 9 năm ngày vợ chồng Đạt - An cưới nhau. An nói, nếu gửi được lời nhắn ra biển, thì cho em gửi món “quà” là tin vui về quả thận mới mà em vừa thay đã ổn rồi. Bây giờ, 2 tuần mới phải đến bệnh viện 1 lần để điều trị. Con gái Hoàng Lê Phương Uyên của bố được điểm 10 bài văn tả về CSB...
15 ngày tuổi đã xông trận
Trước đó, sáng 28/5, chúng tôi đã thay mặt Quỹ TLV Lao Động mang món quà trị giá 100 triệu đồng đến thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ CSB vùng 2 và lực lượng kiểm ngư tại Đà Nẵng. Thượng tá Trần Quang Tuấn, Phó chỉ huy trưởng Vùng CSB 2 rất xúc động khi Báo Lao Động, Quỹ TLV Lao Động đã làm cầu nối kịp thời, gắn liền hậu phương với tiền tuyến.
Đặc biệt là việc thăm hỏi trực tiếp, động viên kịp thời gia đình thân nhân các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài Biển Đông. Những chia sẻ cảm động này không chỉ kết nối được tình quân dân, giúp các chiến sĩ ngoài thực địa yên lòng làm nhiệm vụ, mà còn tăng tinh thần đoàn kết dân tộc.
Một chỉ huy quân sự rắn rỏi, can trường như thượng tá Tuấn cũng đã phải nghẹn ngào, bỏ lửng câu nói cảm ơn khi nhắc đến các trường hợp còn khó khăn ở quê nhà của các chiến sĩ.
Ông Hoàng Thanh Lâm, lãnh đạo Chi đội số 3 của kiểm ngư vùng 2 tại Đà Nẵng cho biết, quá bất ngờ trước tình cảm đồng bào cả nước. Đặc biệt, sự vào cuộc kịp thời của truyền thông, trong đó chiếc cầu nối là Báo Lao Động và Quỹ TLV Lao Động. “Chúng tôi vừa mới 15 ngày tuổi đã phải lập tức ra khơi, xung trận. Tuy nhiên, thử thách lớn ban đầu đã làm cho cán bộ chiến sĩ trưởng thành nhanh”.
Lời ông Lâm chợt làm tôi chạnh lòng, nhớ hình ảnh những con tàu kiểm ngư của Việt Nam mang đầy “thương tích” mà tôi đã gặp trên Biển Đông chỉ mấy hôm trước.
Lực lượng kiểm ngư Việt Nam chính thức thành lập, ra mắt ngày 15/4/2014. Chức năng chính của kiểm ngư là thực hiện kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thuỷ sản trên các vùng biển Việt Nam, đồng thời góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản...
Thế nhưng, họ chưa kịp ra biển để thực hiện công việc bình thường thì đã phải “lao vào điểm nóng”, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên trên vùng biển Hoàng Sa. Có lẽ chính vì lý do này mà đồng bào cả nước rất yêu quý, cảm động, có những chia sẻ kịp thời với các anh.
Thông qua Quỹ TLV Lao Động, Cty may 10 tặng 500 triệu đồng cho gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá Đna - 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: N.B |
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Cty dệt - may 29/3 Đà Nẵng cho biết, chúng tôi rất cảm phục các chiến sĩ CSB, các kiểm ngư viên khi đọc những thông tin, hình ảnh nói về các anh trên báo Lao Động. Chính vì vậy, khi Quỹ TLV Lao Động có chương trình hỗ trợ các lực lượng bảo vệ vùng biển Hoàng Sa và ngư dân miền Trung, chúng tôi đã lập tức tham gia.
Trong suốt thời gian các anh bám biển làm nhiệm vụ, chính tay các công nhân của Cty dệt - may 29/3 cũng đã dệt riêng 5.000 chiếc khăn bông với dòng chữ hướng về Biển Đông cùng bản đồ Việt Nam để hôm nay mang đến tặng các anh. Dù tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, song cán bộ công nhân viên Cty dệt - may 29/3 Đà Nẵng cũng đã đóng góp được 20 triệu đồng để thông qua Quỹ TLV Lao Động gửi tặng các anh CSB, kiểm ngư viên.
Đây cũng chính là tấm lòng của đồng bào cả nước, của hậu phương hướng về các anh nơi tuyến đầu tổ quốc. Và ông ví, Quỹ TLV Lao Động như một nhịp cầu nối biển và bờ, nối hậu phương ra Hoàng Sa.