Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là chân lý không có gì phải bàn cãi. Hoàng Sa là ngư trường, là không gian sinh tồn hàng bao đời nay của các thế hệ người Việt. Cơ sở pháp lý và các chứng cứ lịch sử không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới - trong đó có lịch sử Trung Quốc đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng rồi, chính Trung Quốc lại chiếm Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực, lợi dụng cơ hội để gặm nhấm, cưỡng chiếm và hoàn thành việc xâm lược toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng một trận hải chiến đẫm máu vào đầu năm 1974. Hành động đó của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, bị nhân dân Việt Nam và quốc tế lên án, không công nhận.
Hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế |
Ngày 21/6/2012, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Biển, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam khẳng định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982. Với truyền thống hòa hiếu, tôn trọng những thỏa thuận quốc tế và sự thống nhất chung giữa lãnh đạo hai nước Việt - Trung (tháng 11/2011), chúng ta đã hết sức kiềm chế, thậm chí nhún nhường để giữ nguyên hiện trạng, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình. Nhưng phải chăng, chính vì thế mà Trung Quốc đã ngày càng lấn tới, coi thường tất cả, đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa một đội tàu với đủ mọi lực lượng và chủng loại kèm theo để bảo vệ giàn khoan bất hợp pháp này. Cùng đó là sự hung hăng trấn áp các lực lượng chấp pháp, ngư dân của chúng ta.
Hành vi gây hấn của Trung Quốc lập tức đã vấp phải làn sóng phản đối quyết liệt không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Hoàng Sa của chúng ta đã thật sự tỏa sáng. Chưa bao giờ những tư liệu lịch sử, những chứng cứ và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa được tập hợp, trưng bày và phổ biến công khai rộng khắp nhiều, phong phú đến thế. Và ngược lại, bản chất bành trướng, phi nghĩa cùng những âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc lại bị cộng đồng quốc tế bóc trần đến như vậy. Và cũng chưa bao giờ không gian sinh tồn của biết bao thế hệ người Việt, của hàng triệu ngư dân Việt Nam từ đời này qua đời khác gắn liền với Hoàng Sa được khẳng định rõ ràng, trân trọng, tôn vinh và thật sự thu hút nhân dân cả nước đến như vậy. Bởi, họ là những cột mốc chủ quyền từ bao đời nay tự giác giữ gìn cương thổ cho nước Việt thân yêu nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Hàng ngàn tàu thuyền, hàng vạn ngư dân với lá cờ Tổ quốc tung bay vẫn tiếp tục ra khơi, đến với Hoàng Sa, Trường Sa bất chấp đe dọa, hiểm nguy, sát cánh cùng lực lượng Kiểm ngư, các chiến sỹ Cảnh sát biển dũng cảm bám trụ thực thi nhiệm vụ khẳng định chủ quyền đất nước.
Hoàng Sa tỏa sáng đã thật sự khơi dậy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước trước họa xâm lăng. Cả dân tộc hướng về Hoàng Sa, sẵn sàng sẻ chia, cùng thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chính nghĩa Hoàng Sa, chính nghĩa Việt Nam tỏa sáng đã được hầu hết các nước, các dân tộc, các tổ chức quốc tế ủng hộ, lên án hành vi gây hấn bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp sự thật lịch sử, bất chấp đạo lý của Trung Quốc trong việc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay, rút không điều kiện giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.