+Aa-
    Zalo

    Nợ xấu tăng 3 con số, điều gì đang xảy ra tại Kienlongbank?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từng soán ngôi quán quân nợ xấu với tỉ lệ tăng 555%, ngân hàng đã từng của ông bầu Võ Quốc Thắng đang ì ạch về đích cuối năm với những dự liệu không mấy sáng sủa.

    Từng soán ngôi quán quân nợ xấu với tỉ lệ tăng 555%, ngân hàng đã từng của ông bầu Võ Quốc Thắng đang ì ạch về đích cuối năm với những dự liệu không mấy sáng sủa.

    Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Đồng Tâm group từng là ông chủ của ngân hàng Kiên Long

    “Bóng ma” mang tên nợ xấu

    Tại báo cáo tài chính quý 3/2020 của ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank – KLB) ghi nhận, lợi nhuận trước thuế đạt 144,6 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019 do thu nhập lãi thuần sụt giảm và trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh 95% so với cùng kỳ, ở mức 83 tỷ đồng.

    Đáng chú ý, nợ xấu tại ngày 30/9/2020 của Kienlongbank là hơn 2.240 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 9 tỷ đồng so với cuối tháng 6 và vẫn cao hơn 6,5 lần so với hồi đầu năm. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cuối tháng Chín ở mức 6,63% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%.

    Trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) lên tới 2.133 tỷ đồng, tăng 9 lần so với cuối năm 2019.

    Đây là một chỉ số u ám trên bản báo cáo tài chính, mặc dù ngày 30/9, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 55.592 tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng tăng 0,9% đạt 33.793 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 21,5% đạt 39.990 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp, câu chuyện nợ xấu trở thành tâm điểm chú ý của Kienlongbank trong hệ thống ngân hàng Việt.

    Trước đó, giới tài chính sửng sốt khi báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của ngân hàng này cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu có khả năng mất vốn) tăng vọt từ 238,9 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 2.126,9 tỷ đồng vào thời điểm ngày 31/3/2020, tương đương mức tăng tới 790%.

    Việc nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh khiến tổng nợ xấu của Kienlongbank tăng vọt từ con số 341,8 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 2.240,1 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2020 (tương đương mức tăng hơn 555%), kéo theo tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng gấp 6 lần, ở mức 6,62%.

    Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng số dư nợ xấu tới hơn 555% và tỉ lệ nợ xấu nhảy vọt tới 6 lần như tại Kienlongbank là rất cá biệt.

    Ôm “cục nợ” từ ngân hàng Sacombank

    Lý giải về con số nợ xấu “khủng” này, lãnh đạo của Kienlongbank cho biết, trong số dư nợ có khả năng mất vốn nói trên bao gồm 1.895,7 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ có khả năng mất vốn theo Quyết định 2595 của Ngân hàng Nhà nước ngày 18/12/2019 và các công văn khác có liên quan của Ngân hàng Nhà nước.

    Theo tìm hiểu của PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, số “tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác” mà đại diện Kienlongbank tránh nhắc đến đó chính là 176 triệu cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

    Trước đó, Kienlongbank đã nhiều lần rao bán “cục nợ” này nhưng chưa thành công. Cụ thể, từ 20/1 - 15/2/2020, Kienlongbank đăng ký chào bán 176.373.887 cổ phiếu STB (chiếm 9,36% vốn điều lệ của Sacombank) với giá 24.000 đồng/cổ phiếu để thu hồi nợ. Tuy nhiên, thời điểm đó do giá cổ phiếu STB trên sàn chứng khoán chỉ dao động quanh mức 10.000 đồng/cổ phiếu nên không có nhà đầu tư nào mua tài sản với giá cao hơn gấp đôi trên thị trường.

    Sau đó, từ 17/2 - 24/2, Kienlongbank tiếp tục chào bán khối lượng cổ phiếu STB kể trên với giá 21.600 đồng/cổ phiếu song vẫn không bán được, thậm chí thời điểm tháng 4/2020 có lúc giá đóng cửa của STB chỉ là 9.100 đồng/cổ phiếu, khiến khối tài sản này của Kienlongbank bị rớt giá 2.628 tỷ đồng.

    Được biết, không chỉ Kienlongbank mà ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu TP.HCM (Eximbank) cũng là “nạn nhân” của cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo cho một khoản vay, với số lượng là 75 triệu cổ phiếu. Hiện tại “cục nợ” này khiến kết quả kinh doanh của cả 2 nhà băng nói trên bị ảnh hưởng nặng nề.

    Cụ thể, trong nhiều năm trước có 7 khách hàng vay Eximbank 746 tỷ đồng để mua cổ phiếu Sacombank và không trả được nợ. Năm 2016, Eximbank đã khởi kiện nhóm khách hàng này lên tòa án để thu hồi nợ. Tòa án đã phán quyết 5 khách hàng phải trả cho ngân hàng 500 tỷ đồng. Riêng 2 khách hàng còn lại nợ 246 tỷ đồng, Eximbank đang chờ tòa án hoàn tất các thủ tục để đưa ra xét xử.

    Do Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Eximbank xử lý 75 triệu cổ phiếu Sacombank (STB) mà 7 khách hàng đã thế chấp nên dự kiến trong năm 2020, nếu các khách hàng không trả nợ, ngân hàng này sẽ phát mãi toàn bộ số cổ phiếu STB để thu hồi 746 tỷ đồng nợ vay.

    Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/9, giá cổ phiếu STB tăng trần lên mức 12.550 đồng/cp sau tin đồn công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương mua gần 176 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng/cp từ Kienlongbank. Tuy nhiên, ngay sau đó, cả Thaco, Kienlongbank và Sacombank đều phủ nhận tin đồn này.

    Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Kienlongbank từng cho biết khả năng sẽ hoàn tất bán 176 triệu cổ phiếu STB trong năm nay. Vị này cũng khẳng định ngân hàng sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cp, dù đang cần thu hồi nợ xấu.

    Ngân hàng Kiên Long trước đây gắn với tên tuổi của bầu Thắng – Chủ tịch HĐQT ngân hàng Võ Quốc Thắng, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group và là “ông bầu” của đội bóng đá Đồng Tâm Long An.

    Tuy nhiên, chấp hành luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, quy định chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác nên sau đó, ông Võ Quốc Thắng đã rời “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Kienlongbank để đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group.

    Khó hoàn thành kế hoạch năm

    Theo đánh giá của công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Kienlongbank rất khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 khi thực tế nợ xấu tăng đột biến, trong khi kế hoạch kinh doanh 2020 lúc đầu chưa tính đến các ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế và khó khăn cho ngành ngân hàng.

    “Chúng tôi cho rằng Kienlongbank chỉ có thể hoàn thành nhiều nhất 30 - 40% kế hoạch kinh doanh năm 2020. Chất lượng nợ diễn biến xấu và việc gia tăng trích lập dự phòng sẽ gây áp lực đáng kể lên lợi nhuận của ngân hàng” - BVSC nhận định.

    Hoàng Yến (t/h)

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 183

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/no-xau-tang-3-con-so-dieu-gi-dang-xay-ra-tai-kienlongbank-a346408.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan