Nhân kỷ niệm 22 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (2/3/2001 – 2/3/2023), Đời sống và Pháp luật trân trọng được lắng nghe những lời chia sẻ, kỳ vọng về sự phát triển của tạp chí Đời sống và Pháp luật nói riêng và trong hệ thống báo chí nói chung từ các lãnh đạo, chuyên gia, ĐBQH.
Thực hiện chiến lược chuyển đổi số
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Tạp chí Đời sống và Pháp luật là một trong những cơ quan báo chí năng động tại Việt Nam. Trong thời gian qua, tạp chí có nhiều nỗ lực đổi mới để phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện đại, cả về nội dung và hình thức, nhờ đó các ấn phẩm lan tỏa khá rộng trong nhiều tầng lớp độc giả và tạp chí cũng đạt hiệu quả kinh tế báo chí.
Đời sống và Pháp luật đã lựa chọn đúng lĩnh vực sở trường của một cơ quan ngôn luận thuộc Hội Luật gia Việt Nam để gắn vấn đề pháp luật với những câu chuyện trong cuộc sống, vừa phản ánh được mọi mặt sinh động của đời sống, vừa đánh trúng nhu cầu của độc giả quan tâm đến lĩnh vực pháp luật, pháp lý mà họ chứng kiến, trải nghiệm và vấp phải trong công việc và cuộc sống thường ngày.
Tôi đánh giá khá cao tạp chí in Đời sống và Pháp luật cùng các ấn phẩm phụ về hiệu quả thương mại – điều mà không nhiều cơ quan báo in đạt được trong giai đoạn khó khăn của báo in vài thập niên vừa qua.
Thời gian tới, Tạp chí Đời sống và Pháp luật cần tìm ra giải pháp phù hợp để biến những thành công với phiên bản in trở thành hiệu quả với các sản phẩm digital. Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Thanh từng phát biểu rất đúng đắn hồi cuối năm 2019 rằng Đời sống và Pháp luật cần “phát huy những thế mạnh của loại hình tạp chí để truyền tải những thông điệp của cuộc sống, tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với bạn đọc một cách hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn và bổ ích hơn”.
Việc đi sâu vào nội dung phân tích, bình luận, cung cấp nội dung chuyên sâu đã tạo thế mạnh cho tạp chí trong thời buổi thông tin như vũ bão. Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm phải làm cho nội dung về đời sống luôn hấp dẫn, và việc định hướng “đồng hành cùng pháp luật” sẽ giúp cho tạp chí tiếp tục duy trì được lợi thế “thị trường ngách” của mình.
Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển dịch của người dùng lên các nền tảng digital, để tạp chí lan tỏa nội dung rộng khắp hơn và phát triển bền vững hơn thì không có con đường nào khác là thực hiện chiến lược chuyển đổi số song song với việc duy trì sản phẩm cốt lõi là tạp chí in.
Chuyển đổi số tạp chí không đơn giản chỉ đưa nội dung lên Internet mà là một quy trình từ vận hành tòa soạn cho đến sản xuất và phát hành nội dung cũng như đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, ứng dụng những công nghệ hiện đại để nắm bắt nhu cầu và hành vi của người dùng, đón đầu hoặc ít nhất là đuổi kịp độc giả trên những nền tảng mới.
Nội dung là vua, chân lý này luôn đúng, nhưng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, nếu không biết tận dụng công nghệ thì nội dung dù hấp dẫn có thể bị chìm trong cả biển thông tin bao la. Trước kia độc giả đi tìm tin tức nhưng bây giờ là lúc tin tức phải tìm độc giả”.
Đồng hành từ chính sách đến từng nhịp thở của cuộc sống
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định: “Báo Đời sống và Pháp luật trước đây và Tạp chí Đời sống và Pháp luật ngày nay là một cơ quan báo chí uy tín, chuyên nghiệp, có nhiều năm hoạt động hiệu quả. Trong những năm qua, Đời sống và Pháp luật đã tích cực chuyển đổi, bám sát các thông tin chính trị - kinh tế - xã hội, đồng hành từ chính sách đến từng nhịp thở của cuộc sống.
Đối với ngành giao thông vận tải, những năm qua, Đời sống và Pháp Luật đã tích cực phối hợp với Bộ GTVT, các tỉnh, thành phố, các Sở GTVT địa phương trong quá trình hoạt động, tích cực thông tin, tuyên truyền về ngành GTVT kịp thời, đa chiều, là cầu nối thông tin giữa ngành GTVT và người dân.
Bên cạnh đó, các phóng viên thông qua các bài viết của mình đã kịp thời phản ánh, góp ý với ngành GTVT những vấn đề còn bất cập để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, nhằm làm cho hoạt động GTVT được tốt hơn, hiệu quả cao.
Có thể nói, những kết quả đạt được của ngành GTVT luôn có sự đóng góp lớn của các cơ quan báo chí trong đó có vai trò tích cực của Đời sống và Pháp luật.
Hiện nay và trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục đảm nhận một khối lượng công việc “lớn chưa từng có” nhất là trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong cả nước. Tôi mong muốn, giai đoạn sắp tới ngành GTVT sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của Đời sống và Pháp luật, đồng thời Bộ GTVT cam kết sẽ kịp thời thông tin đến báo chí các hoạt động của ngành.
Nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày Đời sống và Pháp luật xuất bản số báo đầu tiên (2/3/2001- 2/3/2023), tôi xin gửi đến đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Đời sống và Pháp luật những lời chúc tốt đẹp nhất.
Chúc các anh/chị thật nhiều sức khỏe, giàu nhiệt huyết để gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng nền báo chí Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.
Để doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), ĐBQH đoàn Hà Nội: “Báo Đời sống và Pháp luật, nay là Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có sự phát triển không ngừng, được độc giả tin yêu. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19, báo chí nói chung và Tạp chí Đời sống và Pháp luật nói riêng đã góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, giúp Chính phủ huy động toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội ủng hộ vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Đời sống và Pháp luật đã có những bài viết biểu dương những tấm gương sáng, điển hình hay trong phòng chống Covid-19 cũng như trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh...
Tôi cho rằng, báo chí đóng vai trò quan trọng như một tấm gương giúp cho doanh nghiệp soi lại mình để định vị mình tốt hơn trong quá trình phát triển, có trách nhiệm hơn với cộng đồng...
Thời gian tới, tôi hy vọng Tạp chí Đời sống và Pháp luật tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, luôn có trách nhiệm, công tâm với những tin, bài, thông tin trước khi đưa lên mặt báo, để không làm cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị tổn thương.
Đồng thời, cũng không để cho các doanh nghiệp làm ăn bất chính, vô trách nhiệm với xã hội lợi dụng. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành giúp cho các doanh nghiệp phát triển tốt hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/no-luc-doi-moi-phu-hop-voi-su-phat-trien-cua-bao-chi-hien-dai-a595943.html