Công an quận Hà Đông, TP.Hà Nội vừa phối hợp tổ chức hội nghị “Tập huấn công tác phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Hà Đông".
Theo đó, vào chiều 11/4, tại hội trường Công an quận Hà Đông, hơn 300 đại biểu dự khán Chương trình “Tập huấn công tác phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Hà Đông” đã cùng tương tác, chia sẻ, trao đổi và ngẫm nghĩ về những vấn đề hết sức ý nghĩa, nhân văn, hướng đến mục tiêu chung tay bảo vệ con trẻ trước những mặt trái xã hội và “lằn ranh đỏ” của pháp luật.
Cùng với đại diện lãnh đạo phòng chức năng Công an TP.Hà Nội, UBND quận Hà Đông và các phòng, ban, ngành đoàn thể quận, chiếm số lượng lớn đại biểu tham dự Chương trình là các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, Bí thư đoàn, Liên đội trưởng các trường học, đến từ hơn 40 Trường THPT, THCS, Trung cấp, Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên…trên địa bàn quận Hà Đông.
“Bảo vệ con trẻ”, “Nhận diện và chặn những nguy cơ xâm hại đến con trẻ”, đó là nhận thức và quyết tâm chính trị lớn đã và đang được Công an quận Hà Đông triển khai bằng nhiều hình thức.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng Công an quận Hà Đông chia sẻ, căn cứ tính chất địa bàn, từng thời điểm diễn biến tình hình, từ năm 2020 đến nay, Công an quận đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng giáo dục, đào tạo quận, Ban giám hiệu các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tọa đàm phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật, tập huấn kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường, gắn với mô hình chuyên đề “Mái trường an toàn”.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, lực lượng công an quận Hà Đông đã phối hợp triển khai 146 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 200.000 lượt học sinh, sinh viên với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, nội dung thiết thực, phù hợp với lứa tuổi như: Luật an toàn, an ninh mạng; phòng chống bạo lực học đường; phòng chống ma tuý; đảm bảo an toàn giao thông; phòng chống tai nạn, thương tích; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...được các thầy cô giáo, phụ huynh và các cháu học sinh đồng tình, ủng hộ, góp phần làm giảm tình hình học sinh vi phạm trong năm 2023.
Cũng theo Công an quận Hà Đông, thời gian gần đây, địa bàn TP.Hà Nội nói chung và quận Hà Đông đã xảy ra một số vụ việc phức tạp về ANTT liên quan đến thanh thiếu niên, trong đó có một số em đang là học sinh học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận; ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT và môi trường giáo dục trên địa bàn.
Theo đó, được sự đồng ý của Công an TP.Hà Nội, Công an quận Hà Đông đã tổ chức tọa đàm: “Phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Hà Đông” để trang bị thông tin, kiến thức đồng thời tập huấn những kỹ năng cho các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh, cũng như chính các em học sinh.
Đây cũng là hoạt động hiết thực nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 26/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; và Kế hoạch số 62 / KH-UBND, ngày 15/2/2024 của UBND TP. Hà Nội về Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới trên địa bàn TP. Hà Nội.
Xuyên suốt Chương trình, các đại biểu đã xem tình huống kịch; nghe, tương tác, trao đổi và khám phá những câu chuyện – vấn đề xoay quanh con trẻ, do Trung tá, PGS, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thuý Hạnh - Giảng viên chính khoa CSHS, Học viện CSND, Bộ Công an làm Báo cáo viên.
Đó là những vấn đề về phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật; là giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác quản lý, giáo dục học sinh; giải đáp các nội dung kiến nghị giữa nhà trường, phụ huynh và lực lượng Công an quận.
Thông tin, tình hình mà Báo cáo viên Nguyễn Thị Thúy Hạnh mang đến, về các dấu hiệu nhận biết về bạo lực học đường; về hiện tượng học sinh tham gia các hội nhóm xấu độc trên không gian mạng, hay sử dụng ma túy, thuốc lá điện tử, vi phạm quy định về ATGT. Từ đó, để “bật” ra trách nhiệm, kỹ năng xử lý, giải pháp đối với giáo viên, phụ huynh, các cơ quan có liên quan trong công tác phối hợp, quản lý, giáo dục học sinh, phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật...
Cùng với Báo cáo viên Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Chương trình đã dành nội dung quan trọng để chỉ huy các đội nghiệp vụ, Công an phường, qua thực tiễn công tác, trao đổi giải đáp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong công tác phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, phòng chống tai nạn, thương tích, bạo lực học đường; phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật, tham gia các hội nhóm xấu, độc trên không gian mạng; sử dụng thuốc lá điện tử, ma túy trá hình dưới hình thức thực phẩm; phòng chống đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; trách nhiệm của phụ huynh khi giao phương tiện cho học sinh (người chưa đủ tuổi điều khiển)….
Trong phát biểu kết thúc chương trình, Phạm Thị Lê Hằng - Trưởng phòng Giáo dục, đào tạo quận Hà Đông, cùng với việc phân tích nguyên nhân dẫn tới học sinh vi phạm pháp luật, đã nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm của Phòng Giáo dục, đào tạo trong phối hợp Ban Giám hiệu các nhà trường; cùng những đề nghị, mong muốn mà ngành Giáo dục đặt ra đối với các đơn vị thuộc Công an quận Hà Đông, đối với Ủy ban nhân dân các phường, với Ban Tuyên giáo Quận ủy, Trung tâm văn hóa thông tin – thể thao, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ…để thấy rõ đây là yêu cầu cấp bách, hướng đến nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý giáo dục học sinh, phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, mà ở đây, trách nhiệm không nhỏ thuộc về người lớn.