Trong thời điểm cuộc xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng, tỷ phú Nga Roman Abramovich hồi tháng 4 đã thông báo rằng ông đã đạt được một bước đột phá với tư cách một nhà kiến tạo hoà bình.
Cụ thể, ông Abramovich nói rằng ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào giữa tháng 4 và đã đạt được sự nhất trí về việc sơ tán những người bị thương và người dân rời khỏi nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở Mariupol.
Tuy nhiên, khi Ukraine mong đợi những thông tin chi tiết về kế hoạch sơ tán người dân, họ chỉ nhận được sự im lặng từ phía Moscow. Kyiv nói rằng các lực lượng của Nga hiện vẫn tiếp tục pháo kích nhằm vào nhà máy Azovstal cho đến khi Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế thực hiện cam kết riêng với Tổng thống Putin về việc sơ tán người dân khỏi khu vực này trong đầu tháng 5.
Các quan chức nói rằng ông Abramovich không tham gia vào các cuộc thảo luận đó và ông đã không đưa ra lời giải thích nào về sự sụp đổ của kế hoạch mà ông đã thông báo.
Ông Abramovich, người đã xây dựng tài sản từ dầu mỏ của Nga và sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Anh, hiện đang bước vào tháng thứ 3 làm trung gian hòa giải giữa Điện Kremlin và Kyiv.
Theo các quan chức và chuyên gia Mỹ, cho đến nay, hoạt động hoà giải đó hoạt động tốt hơn cho ông Abramovich là với người dân Ukraine. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa 2 nước đã được thiết lập trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn với những cáo buộc cho rằng Nga có nhiều hành động bạo lực ở Ukraine. Sự tham gia của tỷ phú Abramovich trong vai trò người kiến tạo hoà bình đã góp phần bảo vệ ông khỏi hàng loạt các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đã áp đặt với giới tinh hoa của Nga.
Ông Gavin Wilde, người từng là giám đốc của Nga trong nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia cho đến năm 2019, nhận xét: "Đó là một nỗ lực có ích để giúp Abramovich giữ được mọi thứ. Khi các nỗ lực đàm phán đã giúp ông ấy tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ, tôi sẽ nói rằng điều này chắc chắn có lợi hơn với ông ta - và có lẽ cả Moscow - hơn là với Ukraine".
Các cộng sự của ông Abramovich khẳng định ông có mục đích chân chính tham gia vào hoạt động đàm phán, giúp giải quyết xung đột giữa 2 nước. Người này chia sẻ: "Bản chất của con người là nghĩ ai đó đang làm điều gì đó không phải vì anh ta là người tốt mà vì anh ta muốn điều gì đó. Nhưng ông Roma là người coi trọng mọi người".
Mô tả các tương tác của họ với tỷ phú Nga, đại diện Ukraine nói rằng họ đã thận trọng để không đặt quá nhiều niềm tin vào một nhà tài phiệt có mối quan hệ lâu đời với Điện Kremlin nhưng thừa nhận ông có vẻ là người duy nhất có thể đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin.
Một quan chức cho biết: "Đây là kênh đối thoại duy nhất hoạt động hiệu quả ở giai đoạn này".
Đồng thời, người nhận định dù ông Abramovich là người đáng tin cậy với nhà lãnh đạo Nga thì "việc ra quyết định chỉ thuộc về ông Putin".
Trong khi tự khẳng định mình là một nhà ngoại giao, ông Abramovich đã tiến xa hơn các nhà tài phiệt khác của Nga trong việc khai thác các mối quan hệ chính trị và kêu gọi ủng hộ để bảo vệ một đế chế tài chính đã chịu thiệt hại đáng kể sau khi xung đột xảy ra ở Ukraine. Đó là một canh bạc mà cuối cùng có nguy cơ phản tác dụng khi phơi bày các mối quan hệ của ông với tổng thống Nga - những mối quan hệ mà trước đây ông từng bác bỏ.
Ông Abramovich đã tranh thủ sự ủng hộ từ các bên không chắc chắn, bao gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã kêu gọi cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson dỡ bỏ cáccbiện pháp trừng phạt đối với ông trong khi ông ấy làm người đại diện đàm phán thay Tổng thống Putin.
Các quan chức cho biết ông Biden đã đồng ý bỏ lệnh trừng phạt với ông Abramovich sau yêu cầu người đồng cấp Ukraine. Cụ thể, vào tháng 3, ông Biden đã điện đàm với ông Zelensky để thông qua các biện pháp hỗ trợ Ukraine, bao gồm các lệnh trừng phạt nhắm vào danh sách người Nga. Các quan chức cho biết khi nghe thấy tên của ông Abramovich, ông Zelensky đã yêu cầu Mỹ dừng lệnh trừng phạt với hy vọng rằng nhà tài phiệt có thể đóng vai trò hữu ích trong các cuộc đàm phán với Điện Kremlin.
Một cộng sự của ông Abramovich nói rằng Tổng thống Zelensky cũng yêu cầu Thủ tướng Johnson kiềm chế lệnh trừng phạt đối với nhà tài phiệt này, nhưng vì ông Abramovich có vị thế cao hơn ở Anh và áp lực chính trị đối với Thủ tướng Johnson đã khiến yêu cầu này không được thực hiện.
Theo đó, ông Abramovich đã công khai kháng cáo để tránh các lệnh trừng phạt của Anh. Nhưng một trong số những nỗ lực này đã phản tác dụng.
Hai ngày sau khi chiến dịch quân sự xảy ra, ông đã giao quyền kiểm soát đội bóng Chelsea của mình cho tổ chức từ thiện của câu lạc bộ, với hy vọng điều đó sẽ chấm dứt những lời kêu gọi ông từ bỏ quyền sở hữu đội bóng. Khi điều đó không thành công, ông đã lên kế hoạch bán câu lạc bộ và cam kết quyên góp số tiền cho các nạn nhân chiến tranh.
Hành động này đã khiến các quan chức Anh tức giận khi ông Abramovich có ý định tặng tiền không chỉ cho các gia đình ở Ukraine mà còn cả những gia đình ở Nga. Ông Kevin Hollinrake nhận xét: "Đối với tôi, điều đó không phải ủng hộ người Ukraine. Ông ấy không lên án hành động của ông Putin. Ông ấy không lên án chiến dịch quân sự. Theo quan điểm của tôi, khá rõ ràng là ông ấy ở phe Tổng thống Putin".
Kết quả là những nỗ lực của ông Abramovich đã bị trộn lẫn. Việc Mỹ nhẹ tay đã cho ông Abramovich thêm 2 tháng để bán tài sản đang nắm giữ, tích trữ tiền mặt và thực hiện các bước khác để bảo vệ tài sản của mình.
Tuy nhiên, các nỗ lực tại Anh của ông lại không có hiệu quả. Cuối cùng, ông đã buộc phải bán Chelsea theo các điều khoản do chính phủ Anh áp đặt nhằm ngăn cản ông kiếm lợi và sử dụng tiền thu được để giúp Ukraine.
Theo hồ sơ công khai, Abramovich đã chuyển giao quyền kiểm soát các khoản đầu tư vào các công ty niêm yết của Anh và các công ty đầu tư ra nước ngoài cho các cộng sự lâu năm, nhưng cuối cũng những cá nhân đó vẫn trở thành mục tiêu trừng phạt của Anh. Một số du thuyền và máy bay phản lực tư nhân của ông đã được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực pháp lý khác ngoài tầm tay của chính quyền phương Tây.
Các tài sản khác, bao gồm cả một dinh thự 15 phòng ngủ gần Cung điện Kensington, cũng đã bị đóng băng, có nghĩa là ông không thể bán tài sản. Hòn đảo Jersey, nơi phụ thuộc vào Vương quốc Anh từ lâu đã trở thành nơi trú ẩn thuế cho những người giàu có, đã đóng băng tài khoản ước tính 7 tỷ USD của ông Abramovich vào ngày 12/4.
Liên minh châu Âu cũng thực hiện các bước trừng phạt tương tự, trích dẫn "mối quan hệ lâu dài và chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin"và "đặc quyền tiếp cận tổng thống" của ông.
Tổng hợp lại, các biện pháp này đã thu giữ khối tài sản được ước tính lên tới 14,5 tỷ USD. Nhưng các chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể gây ra thiệt hại lớn hơn nữa vì vai trò lan tỏa của đồng USD trong các giao dịch toàn cầu.
Cổ phiếu của ông Abramovich ở Mỹ ước tính trị giá hàng tỷ USD. Ông có 29% cổ phần trong tập đoàn thép Evraz, điều hành 6 cơ sở sản xuất của Mỹ. Theo các tài liệu và báo cáo truyền thông, ông đã đầu tư một khoản tiền lớn vào các quỹ đầu cơ và vốn cổ phần tư nhân của Mỹ, đồng thời sở hữu các bất động sản sang trọng bao gồm một ngôi nhà rộng 14.000 foot vuông gần Aspen, Colo.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không chỉ đóng băng những tài sản này mà còn tước đi khả năng thực hiện các giao dịch bằng tiền Mỹ một cách hiệu quả.
Minh Hạnh (Theo Washington Post)