Reuters đưa tin, ngày 5/4, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 250 xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 phiên bản mới nhất từ Mỹ trị giá 4,75 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Błaszczak đã ký thỏa thuận dưới sự chứng kiến của Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski.
“Chúng tôi đang củng cố quân đội Ba Lan nhằm đối phó với các nguy cơ an ninh tiềm tàng”, ông Błaszczak nói. Hợp đồng mua xe tăng Abrams sẽ đưa Ba Lan trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên sở hữu dòng xe tăng này.
Tăng Abrams của Mỹ đã 40 tuổi nhưng thể hiện tốt trong thực chiến, là một trong những dòng xe tăng uy lực nhất thế giới. Loại xe tăng dài 9,7 m, rộng 3,7 m và cao 2,4 m này đã khắc phục các vấn đề nảy sinh trong quá trình chiến đấu trước đây, như cải tiến động cơ, tích hợp hệ thống bảo vệ chống thiết bị nổ và bổ sung các thiết bị mới cho tổ hợp động lực, cải thiện khả năng sống sót trên chiến trường.
Abrams được trang bị pháo nòng trơn M256 cỡ 120 mm có thể bắn đạn xuyên giáp M829 và đạn chống tăng có sức công phá cao M830. Ngoài ra, xe tăng còn được gắn súng Browning M250 12,7 mm, 2 khẩu M240 7,62 mm.
Với trọng lực gần 70 tấn, Abrams thuộc loại xe tăng nặng nhất thế giới với kíp xe 4 thành viên; tuy nhiên, nhờ có động cơ AGT-1500 đa nhiên liệu kiểu turbine khí Honeywell AGT1500 (công suất 1.500 mã lực), M1 Abrams có thể tăng tốc từ 0 lên 32 km/h chỉ trong vòng 7 giây và đạt vận tốc lớn nhất gần 70 km/h.
M1A2 SEPv3 (M1A2C) là phiên bản xe tăng Abrams mạnh nhất được Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài, biến thể này được tích hợp hệ thống APS Trophy do Israel sản xuất, tăng cường khả năng tự vệ trước các loại vũ khí chống tăng phổ biến hiện nay và được bổ sung một súng máy 0,5 inch điều khiển từ xa; trọng lượng chiến đấu 73,6 tấn.
Mặc dù vẫn giữ lại pháo nòng trơn cỡ 120 mm L/44, nhưng vũ khí mới có khả năng chịu áp lực trong nòng cao hơn, cho phép bắn các loại đạn xuyên động năng đặc biệt, kết hợp cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân giúp tăng độ chính xác của hỏa lực; cùng nhiều trang thiết bị bổ trợ tiên tiến.
Ba Lan giáp Nga và Belarus cùng Ukraine. Với vị trí chiến lược như vậy cùng bối cảnh căng thẳng hiện tại, việc Mỹ củng cố quan hệ quân sự với Ba Lan là điều không khó hiểu.
Gần 5.000 binh sĩ Mỹ đã được triển khai tới Ba Lan, tăng gấp đôi quân số của Mỹ tại nước này so với trước căng thẳng Nga - Ukraine. Trong tương lai, Ba Lan sẽ có một căn cứ phòng thủ tên lửa của NATO, đóng vai trò như lá chắn của tổ chức này ở Đông Âu.
Không quân Mỹ cũng triển khai các tiêm kích F-15 tới căn cứ Lask của Ba Lan trong nỗ lực tăng cường kiểm soát vùng trời gần Nga.
Mộc Miên (Theo Reuters)