Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT AlphaBooks
Giống như đối với phong trào giành độc lập, chúng ta có quyền và cần có niềm tin rằng chúng ta có thể đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển.
Hơn 10 năm trước, khi bắt đầu khởi nghiệp, chúng tôi gặp khó hơn nhiều so với hiện nay. Từ khía cạnh một doanh nghiệp, chúng tôi phải đương đầu với những đối thủ cạnh tranh, với thị trường xuất bản nhỏ bé, với số lượng độc giả ít ỏi và phần nào nghèo, rồi cả đương đầu với cả những nơi làm sách lậu, sách giả. Bên cạnh đó là các vướng mắc với những điều khoản đầy khó hiểu của các quy định. Năm 2007, những người làm sách tư nhân của chúng tôi dường như bế tắc với quy định bìa sách chỉ được in logo Nhà xuất bản, còn thân phận mình – đối tác liên kết chẳng hề xuất hiện bất cứ ở đâu trên cuốn sách. Không hiểu sao những sản phẩm do doanh nghiệp làm ra lại không được in logo, trademark của họ?
Là người tham gia xuất bản một số cuốn sách liên quan đến chủ đề nhà nước kiến tạo, tôi thường tự đặt câu hỏi: trong một nhà nước kiến tạo phát triển, những doanh nghiệp như của chúng tôi sẽ được nhà nước khuyến khích như thế nào?
Gần đây, thuật ngữ “Nhà nước kiến tạo phát triển” được nhắc đến nhiều. Đây cũng là khái niệm chưa rõ ràng. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam cũng thừa nhận chưa hiểu rõ bản chất của khái niệm và mô hình này. Năm ngoái, tôi có tìm hiểu thì sơ bộ thấy định nghĩa tương đối rõ nét là của Herbert Hoover - Tổng thống Mỹ (1929-1933), năm 1928 trong một bài phát biểu ông tuyên bố về khái niệm Nhà nước/Chính quyền kiến tạo. Dưới đây tôi tóm tắt mấy ý chính.
Theo Hoover, chính phủ kiến tạo là một một chính phủ thực thi được những công việc mà tiểu bang và người dân không thể làm được, để hỗ trợ và giúp đỡ cho dân chúng và xã hội phát triển thịnh vượng. Về cơ bản, có 3 mảng công việc mà chính phủ kiến tạo cần làm:
1. Xây dựng các công trình công cộng như giao thông, đường sá, nhà cửa, cầu cống…;
2. Thúc đẩy giáo dục, y tế công cộng, nghiên cứu khoa học, công viên công cộng, bảo tồn các tài nguyên quốc gia, nông nghiệp, công nghiệp và ngoại thương;
3. Trợ giúp người dân hợp tác với nhau và xây dựng không gian cho phép mọi người sử dụng nguồn lực xã hội vào các mục đích kinh tế và xã hội.
Như vậy, theo tôi hiểu, nhà nước kiến tạo là một nhà nước không chỉ kiểm soát người dân, không chỉ xây dựng những công trình công cộng, thúc đẩy giáo dục, y tế… mà xa hơn, là phải kiến tạo không gian (bao gồm môi trường, luật pháp, cơ chế, khuôn khổ...) cho phép và khuyến khích dân chúng phát triển hết khả năng và tiềm năng của mình vì các mục đích tốt đẹp của xã hội.
Khái niệm nhà nước kiểu cũ là điều hành và dẫn dắt người dân, kiểm soát và đặt ra các khuôn khổ, luật pháp. Nhưng trong một thế giới hiện đại, mô hình nhà nước và việc cầm quyền đã phải chuyển dịch lên một nấc thang mới, đó là kiến tạo, là hỗ trợ và giúp đỡ người dân phát triển hết tiềm năng của họ bằng việc thiết kế và kiến tạo ra khuôn khổ và cơ chế. Cũng giống như việc giáo dục con cái, trước đây, mô hình giáo dục kiểu cũ là cha mẹ bắt và chỉ bảo con cái làm việc này việc kia, ngày nay, các cha mẹ hiện đại và có giáo dục đã chuyển sang vai trò định hướng, dẫn dắt và khuyến khích trẻ em phát triển hết tiềm năng, tài năng...
Ngay gần Việt Nam, Singapore là một điển hình cho thành công của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Bên cạnh đó, để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, chúng ta cũng có thể tham khảo từ sự thành công của Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan - 4 con rồng châu Á đã được bàn đến từ thập niên 1990. 20 năm trước, mô hình thành công của các quốc gia này đã trở thành những bài học kinh điển, là nguồn khích lệ các dân tộc, các quốc gia khác về khả năng phát triển và thay đổi vận mệnh quốc gia mình không phải quá xa vời. Tôi muốn so sánh điều này với câu chuyện Việt Nam giành độc lập năm 1945 là một trong những ngọn cờ đầu cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Sự thành công của Việt Nam đã khích lệ nhiều quốc gia châu Á, châu Phi giành độc lập và được ca ngợi thì 50 năm sau, những câu chuyện thành công của Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng có tác động như vậy đến các quốc gia đang phát triển khác.
Một câu hỏi được đặt ra: Làm gì để “hiện thực hóa” mô hình nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam? Giống như đối với phong trào giành độc lập, chúng ta có quyền và cần có niềm tin rằng có thể đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển. Niềm tin - đối với tôi là quan trọng nhất. Nếu chứng kiến Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan làm được, chúng ta cũng cần có niềm tin rằng mình làm được, và trong một thời gian không dài. Chúng ta đi sau, có điều kiện học hỏi được vô số kinh nghiệm, bài học trong việc phát triển quốc gia từ các nước khác. Nó giống như việc một gia đình xây nhà 3 tầng ở nông thôn cách đây 20-30 năm sẽ gặp nhiều khó khăn, cần làm trong 1-2 năm, thì ngày nay, có thể rút ngắn được rất nhiều, và đẹp hơn, hiện đại hơn./.