+Aa-
    Zalo

    Công bố 20 ngành nghề cấm tư nhân tham gia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghị định 94 vừa được Chính phủ ban hành, hiệu lực từ 1/10 tới, có 20 ngành nghề Nhà nước thực hiện độc quyền trong hoạt động thương mại.

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, trong đó, có 20 ngành nghề tư nhân không được tham gia.

    Dân trí đưa tin, theo Nghị định 94 vừa được Chính phủ ban hành, hiệu lực từ 1/10 tới, có 20 ngành nghề Nhà nước thực hiện độc quyền trong hoạt động thương mại gồm:

    1- Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích, quốc phòng, an ninh;

    2- Sản xuất, mua, bán, xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp;

    3- Sản xuất vàng miếng;

    4- Xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng;

    5- Phát hành xổ số kiến thiết;

    6- Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế);

    7- Quản lý, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, bảo quản, bảo vệ hàng hóa thuộc Danh mục Dự trữ quốc gia;

    8- In, đúc tiền;

    9- Phát hành tem bưu chính Việt Nam;

    10- Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa;

    11- Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội;

    12- Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải (vận hành hệ thống đèn biển, vận hành hệ thống luồng hàng hải công cộng);

    13- Dịch vụ công ích thông tin duyên hải (quản lý, vận hành khai thác hệ thống đài thông tin duyên hải);

    14- Bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn);

    15- Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư (quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, không bao gồm bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt);

    16- Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; kè biển trong trường hợp giao kế hoạch;

    17- Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế thuê để bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường);

    18- Xuất bản (không bao gồm hoạt động in và phát hành) xuất bản phẩm;

    19- Quản lý, duy trì, khai thác mạng bưu chính công cộng;

    20- Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

    Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017.

    Vàng miếng là một lĩnh vực độc quyền nhà nước. Ảnh minh họa

    Trước, đó, Thời báo Kinh tế Việt Nam đăng tải nhận định của Bộ Công Thương cho biết, danh mục trên được xây dựng dựa trên chủ trương và chính sách của Nhà nước. Trong đó quy định doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, an sinh xã hội, doanh nghiệp nhà nước hoạt động về an ninh quốc phòng, truyền tải điện, nhà máy thuỷ điện có quy mô lớn, đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân hay hoạt động in đúc tiền, xổ số kiến thiết…

    Danh mục cũng được xây dựng trên cơ sở đóng góp của các bộ ngành, cơ quan địa phương, hiệp hội…

    Được biết, hồi tháng 2, ngay thời điểm Dự thảo được đưa ra, Báo Tuổi trẻ đã nêu phân tích về việc liệu Dự thảo độc quyền nhà nước có cản trở tư nhân phát triển. Trong đó, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đang đi ngược lại tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng về việc khuyến khích tư nhân phát triển.

    Lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân rất thành công trong lĩnh vực cấp thoát nước, xử lý nước thải cho biết rất quan tâm đầu tư sang lĩnh vực có liên quan là thủy lợi.

    Có kinh nghiệm nhiều năm về cấp thoát nước, vị này đặt câu hỏi tại sao một lĩnh vực có liên quan lớn đến nhiều người dân nông thôn lại không mở cửa để cho tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ tốt hơn, với chi phí rẻ hơn?

    Điều này đang đặt ra nhiều dấu hỏi liệu có đi ngược lại tinh thần thúc đẩy quyền tự do kinh doanh và cản trở tư nhân phát triển?

    Trong một thông báo phát đi chiều 14/2, Bộ Công thương tiếp tục nêu ra căn cứ để đưa ra dự thảo nghị định này là nhằm cụ thể hóa quy định của Luật thương mại năm 2005.

    Bộ này khẳng định dự thảo nghị định và danh mục được xây dựng với quan điểm chủ đạo là không mở rộng, không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền nhà nước đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với cam kết quốc tế.

    Cũng theo Bộ Công thương, trước khi đưa ra danh mục 20 lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, bộ đã phối hợp với các bộ ngành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để xác định các loại hàng hóa, dịch vụ.

    Theo đó, toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ được nêu ra đều là các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng độc quyền nhà nước, chứ không mở rộng hay tăng thêm lĩnh vực.

    Căn cứ đưa ra dự thảo nghị định này là trên cơ sở Luật thương mại, song khi trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đã chỉ rõ bất cập. Cụ thể, Luật thương mại 2005 có quy định: Nhà nước thực hiện độc quyền nhà nước “có thời hạn”. Tuy nhiên, nghị định này không xác định thời hạn độc quyền với 20 danh mục ngành nghề, tức là chưa phù hợp với Luật thương mại.

     (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-bo-20-nganh-nghe-cam-tu-nhan-tham-gia-a198855.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan