+Aa-
    Zalo

    Những vụ thu hồi nợ “dở khóc dở cười”  mà công ty cho thuê tài chính gặp phải

    (ĐS&PL) - Công tác thu hồi nợ đã trở thành nỗi lo thường trực của các công ty cho thuê tài chính. Việc “đứng cho vay, quỳ thu nợ” đã trở nên ngày càng phổ biến và nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra với công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tín dụng.

    Gia đình ly tán vì vay hộ tiền

    Giống như ngân hàng nhà nước, các công ty cho thuê tài chính cũng kinh doanh hoạt động cho vay tuy nhiên thủ tục vay nhanh gọn hơn, vay chủ yếu là vay tín chấp không có tài sản bảo đảm, và lãi suất thường cao hơn mức mà hệ thống ngân hàng áp dụng. Chính vì những đặc điểm này, công tác thu hồi nợ đã trở thành nỗi lo thường trực của các công ty cho thuê tài chính, việc “đứng cho vay, quỳ thu nợ” đã trở nên ngày càng phổ biến.

    Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã chứng kiến và tận tay giải quyết những vụ thu hồi nợ được xếp vào dạng “dở khóc dở cười”.

    Có thể kể đến trường hợp người vay đi vay hộ cho người khác. Do cả nể, quen biết nên nhận giúp đỡ người khác, đến khi phải thanh toán nợ thì bên nhờ vay trở mặt, không chịu trả, cù nhằng mà bản thân người vay cũng không có điều kiện để trả nợ. Và kết quả là khoản nợ đó trở thành khoản nợ khó đòi khi người vay từ chối thanh toán.

    dfa

    Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội

    “Thậm chí, người vay hộ không trả được nợ khiến vợ chồng ly hôn như vụ ly hôn giữa bà P.H.M và ông P.T.V. Do tin tưởng bạn bè nên bà M đã giấu chồng đi vay hộ cho bạn. Tuy nhiên người bạn này sau đó vỡ nợ, bên cho vay liên tục thúc nợ bà M, biết được chuyện ông V rất bức xúc và mặc cho bà M khóc lóc, ông vẫn không thay đổi quyết định ly hôn với bà M”, Luật sư Tiền nhớ lại.

    Trường hợp người vay lợi dụng sự chủ quan của bên cho vay, cung cấp sai địa chỉ, thông tin liên lạc của bản thân và người nhà. Thậm chí, họ còn để số điện thoại của người nhà là số của chính nhân viên thu hồi nợ để rồi đến lúc liên lạc để thanh toán nợ thì người này chặn số hay gọi vào số mà người vay cung cấp lại chính là nhân viên công ty không hề quen biết người vay.

    “Không ít người vay lúc làm hợp đồng vay cung cấp địa chỉ và nơi làm việc một đằng, sau đó lại thay đổi một kiểu khiến bên cho vay không thể đòi nợ được. Bởi, trong hầu hết các hợp đồng tín dụng đều không có điều khoản thể hiện rằng, khi thay đổi địa chỉ, nơi làm việc thì theo hợp đồng vay, người vay phải có nghĩa vụ thông báo cho bên cho vay”, vị Luật sư chỉ rõ điểm bất cập.

    Nhân viên thu hồi nợ điêu đứng

    Luật sư Trần Xuân Tiền cũng nhắc tới trường hợp người vay không đọc kỹ hợp đồng vay, đặc biệt là về lãi suất vay. Đến khi nhân viên thông báo số nợ thì từ chối trả vì lãi cao, phát sinh nhiều. Nhân viên giải thích thì khách nói không biết, hợp đồng không ghi nên không có nghĩa vụ trả. 

    “Trường hợp nhân viên thu nợ phải đối mặt với khách vay có thái độ lừa dối. Khách hứa hẹn trả (nêu rõ cả thời gian và số tiền trả) nhưng đến ngày hẹn thì chặn số của nhân viên. Rồi khách bảo không vay khoản tiền này, không ký hợp đồng vay này, tại sao nhân viên lại gọi điện nhắc nợ, yêu cầu thanh toán. Hay gọi cho khách nợ thì không nghe máy, gọi cho người nhà thì họ thông báo người vay đã chết, đi tù... nhưng trên thực tế qua quá trình xác minh thì không phải vậy.

    Thậm chí, cả khách vay và người nhà đều bàn bạc, thống nhất cách trả lời khi có nhân viên thu nợ gọi đến như nhân viên gọi điện cho người thân là vợ/chồng thì họ trả lời đã ly hôn, không còn liên lạc; gọi điện cho bố mẹ thì họ nói con đi làm xa, đã lâu không liên lạc…”, Luật sư Tiền nói.

    Cá biệt, một số khách nợ còn sử dụng thủ đoạn xảo quyệt khi làm việc với nhân viên thu nợ. Họ gài nhân viên thu nợ bằng cách ghi âm, ghi hình, làm nhân viên tức giận dẫn đến có những hành động, lời nói không phù hợp, trái pháp luật sau đó tố cáo, khiếu nại đến công ty tài chính. Một số cá nhân, lợi dụng mạng xã hội, tung tin không đúng sự thật, làm hình ảnh của các tổ chức tín dụng bị méo mó, xuyên tạc, ảnh hướng đến ý thức, trách nhiệm trả nợ. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn lập ra các trang, nhóm trên mạng xã hội và chia sẻ cách vay tiền cũng như là trốn nợ, bùng nợ của công ty tài chính.

    “Trường hợp khách hàng yêu cầu giãn nợ nhưng sau khi được phê duyệt lại từ chối không nghe điện thoại của nhân viên hỗ trợ. Nhiều khách hàng không muốn tiếp tục trả nợ khi hết thời hạn đã được cơ cấu lại, bất chấp việc sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong tương lai. Thậm chí, người vay còn đe dọa sẽ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nhân viên thu hồi nợ và gia đình họ”, Luật sư Tiền phân tích.

    Có thể nói, những trường hợp “dở khóc dở cười” nêu trên là những tình huống không thể lường trước, đôi khi dẫn đến việc xử lý đi vào bế tắc, ngõ cụt. Nhưng không thể phủ nhận việc tiếp xúc với nhiều dạng khách hàng không những giúp các công ty tài chính tín dụng, các nhân viên thu hồi nợ có thêm kinh nghiệm, mà còn phát hiện ra các lỗ hổng, nguyên nhân để từ đó đưa ra các giải pháp hạn chế các tình trạng tương tự, góp phần xây dựng một môi trường vay tiêu dùng văn minh, đúng quy định của pháp luật.

    Đình Hoàn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-vu-thu-hoi-no-do-khoc-do-cuoi-ma-cong-ty-cho-thue-tai-chinh-gap-phai-a544359.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.