Ngày 1/10, sau trận đấu tại giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia Liga 1, một thảm kịch đã xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, Đông Java. Theo đó, những cổ động viên quá khích của Arema FC đã không chấp nhận kết quả thua cuộc trước Persebaya Surabaya nên đã tràn xuống sân, dùng nhiều vật dụng ném về phía các cầu thủ và quan chức bóng đá.
Để kiềm chế đám đông hỗn loạn, cảnh sát Indonesia sau đó đã phải sử dụng hơi cay, khiến những người có mặt tại sân vận đông hoảng sợ, tìm đường thoát ra ngoài, kéo theo thảm kịch giẫm đạp khiến hàng trăm người thương vong. Theo số liệu được cập nhật, ít nhất 125 người đã thiệt mạng và hoen 320 người vị thương sau vụ việc.
Theo đó, ông Akmal Marhali, chủ tịch của Save Our Soccer (SOS - tổ chức phi chính phủ được thành lập với mục đích làm tốt đẹp bóng đá Indonesia), đã chỉ ra những dấu hiệu được xem là nguồn cơn của thảm kịch.
Trong đó, ông Akmal Marhali nhận định ban tổ chức sân Kanjuruhan đã vi phạm rất nhiều quy định an ninh, từ thủ thục đến quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP), cũng như các điều luật FIFA. Đầu tiên phải kể đến việc bán vé không đúng với quy định.
Cụ thể, sân Kanjuruhan chỉ có sức chứa 38.000 chỗ ngồi và phía an ninh đưa ra chỉ thị chỉ bán 25.000 vé. Nhưng trên thực tế, có tới 42.000 vé được in và bán. Điều này khiến sân vận động chật cứng người trong ngày diễn ra trận đấu. Ông Akmal nhấn mạnh đây là vi phạm rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông cũng đề cập tới việc cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Ông nói: "Cảnh sát phụ trách an ninh đã vi phạm các quy định về an ninh và an toàn sân vận động của FIFA".
Ông giải thích thêm, việc cảnh sát sử dụng hơi cay đã dẫn đến tình trạng chen lấn, hỗn loạn khi người hâm mộ tìm đường thoát ra ngoài. Ông chia sẻ thêm: "Hiệp hội bóng đá Indonesia có thể đã sơ suất khi không thông báo cho cảnh sát rằng các thủ tục an ninh tại một trận đấu bóng đá không giống với các thủ tục tại một cuộc biểu tình".
Minh Hạnh