Ngày 2/10, Phó Thống đốc tỉnh Đông Java của Indonesia, ông Emil Dardak, cho biết số người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang là 125 người, thay vì 174 người như con số đưa ra trước đó.
Theo ông Dardak, dữ liệu của cảnh sát và 10 bệnh viện địa phương cho biết, trong số 125 người thiệt mạng có 124 người đã xác định được danh tính. Số nạn nhân thiệt mạng được điều chỉnh giảm do "nhầm lẫn trong quy trình nhập dữ liệu khi chuyển viện".
Bạo lực bùng phát trên sân vận động Kanjuruhan sau khi trận đấu giữa đội bóng Arema và Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2 - 3 nghiêng về đội khách.
Cổ động viên đội Arema tràn xuống sân, tấn công cả các cầu thủ đội nhà, buộc cảnh sát phải triển khai lực lượng chống bạo động để đối phó, khiến đám đông càng giẫm đạp lên nhau.
Vụ bạo loạn này thực sự là cú sốc với nền bóng đá Indonesia. Trong những năm qua, bóng đá xứ Vạn đảo đã không ít lần "tổn thương" vì tình trạng bạo lực ở sân bóng.
Bình luận về vấn đề này, tờ Bola cho rằng vụ bạo loạn ở sân Kanjuruhan là "một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử túc cầu". Họ nêu ra hàng loạt thảm kịch khác như vụ bạo loạn ở Estadio Nacional (Peru, 328 người thiệt mạng), thảm họa tại sân Accra (Ghana, 126 người thiệt mạng), thảm họa Hillsborough (Anh, 96 người thiệt mạng).
Bên cạnh đó, tờ Bola còn đặt câu hỏi về việc cảnh sát có làm đúng nhiệm vụ hay không khi xịt hơi cay vào đám đông hung hãn, dẫn tới tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Tờ báo này viết: "Việc giải tán đám đông bằng hơi cay không được FIFA cho phép. Tại điều 19 khoản B về quy định an toàn và an ninh ở sân vận động, lực lượng an ninh không được phép sử dụng súng hay hơi cay".
Tờ Suara bình luận: "Bi kịch ở sân Kanjuruhan khiến cả đất nước chìm trong bầu không khí tang tóc". Trong đó, tờ báo này dẫn lời của chuyên gia Frans Watu cho rằng Ban tổ chức sân đã không chú ý tới vấn đề an toàn ở trận derby Đông Java.
Tờ Bola Sport thừa nhận bóng đá Indonesia sẽ bị ảnh hưởng lớn trong tương lai vì không đảm bảo được vấn đề an ninh: "Đây là ngày mà chúng ta không thể quên. Một thảm kịch xảy ra ở Kanjuruhan.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Yunus Nusi xác nhận Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) đã liên lạc với PSSI sau khi biết sự việc qua truyền thông. Phía FIFA cũng yêu cầu PSSI báo cáo về sự việc và để ngỏ khả năng áp hình phạt.
Người đứng đầu PSSI cho biết đã cử một nhóm quan chức đến hiện trường và hy vọng sẽ thoát được án phạt của FIFA.
Theo một số nguồn tin, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đang xem xét nghiêm túc việc tước quyền đăng cai U20 World Cup 2023 của Indonesia vì thảm kịch này.
Trong quy định chung về trận đấu, FIFA có điều khoản riêng cấm cảnh sát, nhân viên an ninh sử dụng súng bắn hơi cay hoặc khí đốt để kiểm soát đám đông. Sân Kanjuruha đã vi phạm nghiêm trọng điều này, khiến FIFA nghi ngờ khả năng tổ chức các sự kiện lớn hơn của Indonesia.
Ngoài ra, sự quá khích của các cổ động viên Indonesia cũng làm dấy lên lo ngại cho sự an toàn của người hâm mộ nước ngoài trong thời gian diễn ra giải đấu.
Theo kế hoạch, U20 World Cup 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 11/6/2023 tại 6 thành phố lớn của Indonesia. Trong đó, Bandung, Surakarta và Surabaya là các khu vực nằm gần Kanjuruha.
Hoa Vũ (T/h)