+Aa-
    Zalo

    Những trường đại học nào đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2024?

    (ĐS&PL) - Mới đây, nhiều trường đại học đã đồng loạt công bố phương án tuyển sinh cho năm 2024, hầu hết phương án các trường đưa ra đều theo hướng đơn giản hóa theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

    Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

    Cụ thể, hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

    Các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

    nhung truong dai hoc nao da cong bo phuong thuc tuyen sinh nam 20240
    Nhiều trường đồng loạt công bố phương án tuyển sinh năm 2024.

    Theo VTC News, trên cơ sở yêu cầu của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo đã dần hoàn thiện phương án tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa như:

    Đại học Quốc gia Hà Nội: GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, kỳ thi Đánh giá năng lực (HAS) năm 2024 dự kiến tổ chức thành 6 đợt. Kỳ thi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6/2024, với quy mô dự tính khoảng 75 nghìn lượt thi.

    Theo kế hoạch, kỳ thi dự kiến tổ chức thi tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

    Cổng đăng ký dự thi tiếp nhận từ 18/2/2024. Thí sinh thi tối đa 2 lượt/năm, thời gian đăng ký dự thi giữa 2 ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (kể cả ngày nghỉ, lễ, cuối tuần) tùy theo nguyện vọng. Lệ phí dự thi Đánh giá năng lực năm 2024 là 500 nghìn đồng/lượt.

    Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy, gấp đôi năm nay, để lấy kết quả xét tuyển đại học 2024.

    Đợt thi đầu tiên dự kiến tổ chức ngay từ tháng 12 năm nay, trong hai ngày 2-3/12. Năm đợt thi còn lại được tổ chức trong năm 2024, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6.

    Thí sinh tham gia kỳ thi này sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi với thời hạn 2 năm và có thể sử dụng điểm số kỳ thi này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả.

    Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến địa điểm tổ chức thi gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… Nội dung, hình thức thi giữ nguyên như năm 2023. Theo đó, bài thi Đánh giá tư duy gồm ba phần: Toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tái hiện, suy luận và bậc cao).

    Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. Kỳ thi TSA không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi tư duy đã hình thành trong quá trình học.

    Đại học Kinh tế quốc dân công bố thông tin dự kiến về phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024.

    Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2024, phương hướng tuyển sinh của trường cơ bản giữ ổn định như năm 2023, nhưng dự kiến sẽ có điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển. Trường dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023), tăng tương ứng phương thức xét tuyển kết hợp lên 80% và dành 2% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng.

    Như vậy, trong 4 năm, trường ĐH Kinh tế Quốc dân giảm chỉ tiêu thi tốt nghiệp từ 70% xuống 18%. Đồng thời, trường cũng triển khai nghiên cứu, đơn giản hóa phương thức xét tuyển kết hợp, nhằm thực hiện Công văn 5155 của Bộ GD&ĐT, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

    Trường Đại học VinUni cũng chính thức mở cổng tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Nhà trường tuyển sinh đại học các khối ngành thuộc 4 viện.

    - Cử nhân Quản trị kinh doanh với 6 chuyên ngành: Tài chính, Marketing, Quản lý chuỗi cung ứng và vận hành, Quản trị khách sạn, Khởi nghiệp, Phân tích kinh doanh (Viện Kinh doanh Quản trị).

    - Cử nhân các ngành: Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Cơ khí, Khoa học Máy tính và Khoa học Dữ liệu (Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính).

    - Bác sĩ Y khoa, Cử nhân Điều dưỡng (Viện Khoa học Sức khỏe).

    - Cử nhân các ngành: Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Kinh tế (Viện Khoa học và Giáo dục khai phóng).

    Lộ trình tuyển sinh gồm 3 giai đoạn: Đợt tuyển sinh Early (kỳ sớm) từ ngày 15/10/2023 - 15/1/2024; Đợt tuyển sinh Regular (kỳ thường) từ 15/2 - 15/5/2024 và Đợt tuyển sinh Rolling (kỳ cuốn chiếu) từ 15/6 - 15/8/2024.

    GS David Bangsberg, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh VinUni cho biết, điểm khác biệt so với kỳ tuyển sinh năm 2023 là thay vì chờ đến cuối mỗi đợt tuyển sinh mới chốt và duyệt hồ sơ, năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ lọc và xét duyệt hồ sơ ngày 15 hằng tháng.

    Cách thức này linh hoạt hơn mọi năm bởi thời gian xét tuyển rõ ràng, gọn gàng khi ứng viên có thể biết kết quả học bổng sau 1 tháng, kết quả hỗ trợ tài chính sau 2 tháng. Xét duyệt hằng tháng cũng giúp ứng viên ứng tuyển dễ dàng, chủ động hơn trong việc lên kế hoạch nộp hồ sơ.

    Trường Đại học Thương mại: Dự kiến năm 2024, trường Đại học Thương mại đưa vào tuyển sinh 8 chương trình theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế. 

    PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường đồng thời cho biết, 8 chương trình gồm: Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh); Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn);

    Marketing thương mại (ngành Marketing); Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB - ngành Kế toán); Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Tài chính – Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính – Ngân hàng); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực).

    “Từ năm 2024, trường Đại học Thương mại đưa thêm 2 chương trình đào tạo chuẩn gồm: Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính – Ngân hàng); Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử)”, PGS.TS Nguyễn Hoàng thông tin và khẳng định, quan điểm nhà trường là đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đem lại kiến thức chuyên môn và kỹ năng thành thạo cho người học.

    Qua đó, người học có cơ hội việc làm đúng lĩnh vực đào tạo và có thể bắt tay ngay vào công việc. Ngoài ra, người học tốt nghiệp chương trình đào tạo định hướng chuyên môn nghề nghiệp quốc tế phải thành thạo ngoại ngữ, tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.

    Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên: Cần chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

    Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo ngành giáo viên cũng cần gắn kết chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo báo Tin tức.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-truong-dai-hoc-nao-da-cong-bo-phuong-thuc-tuyen-sinh-nam-2024-a596389.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan