Sắc lệnh Độc lập năng lược của Tổng thống Trump có thể khiến ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ vấp phải những khó khăn, trong khi đó, Trung Quốc lại tìm lợi thế cho họ...
Trung Quốc hiện đang sở hữu 20 nhà máy hạt nhân đang trong quá trình xây dựng - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Với thành công của lò phản ứng Tam Môn, ngành công nghiệp này đang chờ đợi sự chấp thuận để xây dựng thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn nữa.
Trong 2 tuần tới, nhà máy năng lượng sẽ bắt đầu tải 100 khối nhiên liệu vào lõi tổ ong của lò phản ứng AP1000, SCMP dẫn lời những người công nhân tại đây cho biết.
Khi nhà máy vận hành, những tấm uranium giàu năng lượng cộng hưởng lại có thể tỏa ra lượng nhiệt lớn hơn 1 tỷ watt, đủ để cung cấp cho mạng lưới điện của toàn Tây Tạng.
Nhà máy năng lượng hạt nhân ở Tam Môn. |
Nếu mọi việc suôn sẻ, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên vận hành nhà máy năng lượng hạt nhân tân tiến nhất, vượt qua Mỹ, nơi hai lò phản ứng ở Nam Carolina đã không còn làm việc.
Sự ra đời của nhà máy Tam Môn đã được dự định từ lâu, có thể nói đây là một trong những dự án năng lượng bị trì hoãn nhiều nhất của Trung Quốc.
Công tác xây dựng bắt đầu với nhiều ồn ào vào năm 2009 với 40 tỷ Nhân dân tệ (6 tỷ USD) vốn đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc, hai trong số những lò phản ứng có kế hoạch đi vào hoạt động từ năm 2013. Mọi hoạt động đã chững lại hàng năm trời để chờ đợi công ty cung ứng tại Mỹ thiết kế lại máy bơm chính của lò phản ứng với công nghệ “kép” được ứng dụng trong tàu ngầm hạt nhân Mỹ, theo giải thích của những chuyên gia trong dự án.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima Nhật Bản năm 2011 cũng là một yếu tố khác gây ra sự trì hoãn của Tam Môn khi Chính phủ Trung Quốc phát lệnh tạm dừng khẩn cấp với mọi nhà máy năng lượng ở Trung Quốc để đánh giá lại các giải pháp an toàn.
Những chuyên gia về an toàn muốn bản thiết kế của Tam Môn sẽ tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ sự cố ở Fukushima.
Trước sự sụt giảm rõ rệt của giá khí đốt tự nhiên sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự phát triển của ngành nhiên liệu hóa thạch của Mỹ, năng lượng khí đốt trở nên cạnh tranh hơn với năng lượng hạt nhân, Geogre Borovas, chuyên gia từ nhóm hạt nhân toàn cầu tại Shearman & Sterling có trụ sở ở Tokyo đánh giá.
Chuyên gia Geogre Borovas phân tích Trung Quốc cần năng lượng hạt nhân để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng thời giúp Chính phủ đạt được mục tiêu trong việc giảm thiểu khí thải và mức độ ô nhiễm.
Hấp dẫn hơn cả là số lượng công việc được tạo ra và viễn cảnh về một ngành kinh doanh xuất khẩu sinh lời liên quan đến chuyên môn hạt nhân và phần cứng. Do đó, không mấy ai ngạc nhiên khi ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc, do Nhà nước quản lý và sở hữu, đã nhập cuộc một cách đầy toan tính.
Trong khi đó, sắc lệnh Độc lập về Năng lượng của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3 đã xóa bỏ Kế hoạch Năng lượng sạch 2015 của người tiền nhiệm và làm nản lòng những nhà đầu tư có nâng cấp công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng hạt nhân.