+Aa-
    Zalo

    Những thay đổi lớn của ngành Giáo dục năm 2014

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không chấm điểm đối với học sinh tiểu học, đổi mới sách giáo khoa, tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia... là những thay đổi đáng chú ý của ngành giáo dục năm 2014.

    (ĐSPL) - Không chấm điểm đối với học sinh tiểu học, đổi mới sách giáo khoa, tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia... là những thay đổi đáng chú ý của ngành giáo dục năm 2014, thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.

    Bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học

    Cuối tháng 8, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
    Xung quanh việc thay đổi này, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh.

    Những con dấu của giáo viên để nhận xét trên vở học sinh thay bằng chấm điểm. (Ảnh: Tuổi trẻ).

    Nói về quyết định này, trên VnExpress, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Giáo dục tiểu học phân tích: "Để đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, giáo viên cần vận dụng linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là “viết”. Điều quan trọng là thầy cô phải dựa vào mục tiêu nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được của học sinh với yêu cầu của hoạt động, với chuẩn kiến thức, kỹ năng; xem xét cả đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của học sinh để có nhận xét xác đáng, kịp thời, làm sao khích lệ, tạo hứng thú học tập cho các các em. Đồng thời, giáo viên tư vấn, hướng dẫn các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục.
    Việc viết nhận xét cũng vận dụng linh hoạt như viết vào vở hoặc phiếu học tập, hoặc bài kiểm tra của học sinh sao cho thuận tiện để giáo viên phối hợp với học sinh và phụ huynh cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến sự tiến bộ. Sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ thay thế sổ ghi điểm trước đây và cũng được coi như sổ nhật ký về đánh giá học sinh. Sổ này chỉ dành cho giáo viên ghi nhận xét, theo dõi giúp đỡ học sinh.
    Thông tư 30 yêu cầu học sinh nào cũng được quan tâm đánh giá, tuy nhiên thầy cô chỉ cần ghi những điểm nổi bật, hoặc những điều cần thiết về học sinh để theo dõi và có biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời. Không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng. Giáo viên hiểu đúng quy định như vậy sẽ không còn thấy việc ghi nhận xét nặng nề quá tải, đương nhiên sẽ mất thêm thời gian so với trước đây.
    Theo cách đánh giá của Thông tư 30, một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, do giáo viên quản lý sử dụng. Sổ này có thể để tại lớp học hoặc tại trường, hoặc mang về nhà, không yêu cầu mỗi giáo viên phải thực hiện một số sổ sách quá lớn.
    Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó. Mặt khác, giáo viên có thể dùng sổ điện tử thay cho sổ bằng giấy".

    Đề án đổi mới sách giáo khoa

    Chiều 28/11, Quốc hội thông qua nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK).
    Với việc thông qua Nghị quyết này, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

    Ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng SGK mới từ năm học 2018-2019. (Ảnh minh họa).

    Từ năm 2018-2019, ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng SGK mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả ba cấp học.
    Để triển khai thực hiện Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Nghị quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2015 trước khi phê duyệt.

    Tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia

    Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chính thức ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015.
    Sau đó hơn 3 tháng, vào ngày 18/12, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
    Theo đó, từ năm 2015, Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ sẽ chọn phương án tổ chức thi 4 môn tối thiểu, trong đó môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc.

    Lịch thi dự kiến tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7. (Ảnh minh họa).

    Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
    Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ quyết định việc này và báo cáo Bộ Giáo dục.
    Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-thay-doi-lon-cua-nganh-giao-duc-nam-2014-a77138.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan