Những thanh niên lớn lên trong đô thị, làm việc trong cao ốc và cuối tuần đi ăn KFC có lẽ sẽ khó để hiểu được cái đói của những đứa trẻ nghèo. Cái đói khiến niềm vui của chúng cũng trở nên giản đơn.
Linh 24 tuổi, là giáo viên THCS ở Hà Nội. Cô sống giữa khu đất vàng của Thủ đô - ngõ Bảo Khánh - trong một gia đình có bố mẹ là giáo viên. Linh dạy ở trường khoảng 13 tiết một tuần, có thời gian dạy thêm và thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng.
Nhiều người trẻ có đầy đủ mọi thứ nhưng vẫn thấy thiếu. (Ảnh minh họa). |
Cô có 3 chiếc điện thoại dùng các hệ điều hành khác nhau, chơi với một nhóm bạn học cùng phổ thông và mỗi cuối tuần, cả hội lại dắt nhau đi ăn. Linh không có người yêu, cô tự nhận mình là một người khép kín, có một cuộc sống yên bình nhưng nhàm chán. Linh muốn một điều gì đó mới mẻ nhưng cô không biết cần làm gì.
Một câu chuyện riêng của Linh nhưng nhiều người trẻ lớn lên trong đô thị bây giờ có thể sẽ chia sẻ cảm giác ấy.
Đó là cảm giác của người có đầy đủ mọi thứ nhưng vẫn thấy thiếu.
Trong những chuyến công tác khắp mọi miền đất nước, tôi gặp nhiều người khác. Những người sống một cuộc sống đơn giản, thậm chí thiếu thốn nhưng có mục tiêu và mơ ước.
Tôi nhớ tới Phạm Minh Dững, cậu tân binh tôi gặp năm ngoái trên đảo Hòn Khoai – Cà Mau. Dững 18 tuổi khi đi bộ đội. Cậu bảo: “Em học xong cấp hai, đang đi “mần” ở Sài Gòn thì có lệnh gọi vô bộ đội”, cậu vừa nói vừa cười.
Hết nghĩa vụ, Dững sẽ lại quay về với công việc cũ, rồi lấy vợ, cậu bảo thế. Với cậu, bộ đội chưa bao giờ là một nghĩa vụ, đó là một trải nghiệm mới trong cuộc đời. Bởi vì nó không vất vả hơn công việc cậu vẫn làm hàng ngày.
Nhưng không phải tất cả thanh niên bây giờ đều nghĩ về nghĩa vụ với Tổ quốc đơn giản như thế.
Nhiều đứa trẻ được giáo dục trong các ngôi trường quốc tế, được cha mẹ mình định hướng đi du học từ nhỏ, sống trong thành phố lớn nghĩ về những điều khác. Và không thiếu thanh niên cố gắng trốn chạy nghĩa vụ quân sự bằng mọi giá.
Chúng lớn lên trong một cái vòng quá nhỏ, có cuộc sống đủ đầy và không hiểu được phần còn lại của cuộc sống, với những con người lam lũ hơn trên khắp mọi miền đất nước. Chúng chỉ thấy qua tivi, qua một vài chuyến đi tình nguyện, những buổi phát quà ủng hộ. Và đó thì không phải là một bức tranh toàn cảnh về số phận con người.
Hai năm trước, vào một buổi tối mưa tầm tã, chúng tôi ngồi trong nhà anh Thái. Vợ chồng anh Thái có ba đứa con, sống trong căn nhà lợp mái bờ rô xi măng với chỉ một chiếc giường. Căn nhà nằm ở cửa sông Trà Khúc – Quảng Ngãi, ngay sát biển. Cửa sông Trà Khúc năm nào cũng bị sạt lở hàng chục mét. Từ một ngôi nhà trong làng, bây giờ nhà anh đã rất gần biển.
Chúng tôi ngồi uống bia và nghe rõ cả tiếng sóng. Nghe rõ cả tiếng con anh hỏi mẹ nó bao giờ thì được ăn. Cả nhà chỉ có một đĩa thịt gà kho, vợ anh mang nó đặt lên trên chiếc chiếu rách, xám xịt giữa nhà, để tiếp khách. Tối hôm ấy, chúng tôi chỉ uống bia, không ai dám gắp một miếng thịt gà.
Trong mắt thằng cu con 3 tuổi, đĩa thịt gà có thể là thứ đại diện cho một sự kiện của gia đình. Có sự kiện thì có thịt gà ăn. Những người như vợ chồng anh Thái, như con anh Thái, có mơ ước rất giản dị, một căn nhà không dột nát, một chiếc giường. Cũng giống như hai đứa con gái lớn của anh, một đứa 9, một đứa 7 tuổi, chúng chỉ mong có một chiếc bàn học và có đủ sách.
Những thanh niên lớn lên trong đô thị, làm việc trong cao ốc và cuối tuần đi ăn KFC có lẽ sẽ khó để hiểu được cái đói của những đứa trẻ nghèo. Cái đói khiến niềm vui của chúng cũng trở nên giản đơn.
Trong suốt cuộc nói chuyện gần một tiếng đồng hồ, tôi không thấy Linh nhắc về tình yêu với sự nghiệp giáo dục hay với con trẻ. Linh nhắc về sự tận tụy. Nhưng sự tận tụy không khiến Linh vui vẻ. Tôi đã cố gắng tìm kiếm nhưng hoàn toàn không nhìn thấy nụ cười trên gương mặt cô, suốt buổi tối hôm ấy.
Đó có thể là vấn đề của những người có quá nhiều thứ nhưng không bao giờ thấy mình đủ.
Nguyễn Vương